Nguy cơ đóng cửa nhà máy nhiệt điện than vì... không còn nơi đổ xỉ thải

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:28
Theo ông Nguyễn Tiến Thành – Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I: Chỉ còn 8 tháng nữa, bãi thải xỉ của nhà máy này sẽ đầy, dẫn đến nguy cơ phải đóng cửa. 

Nếu điều đó xảy ra, 37.000 tỷ đồng vốn đầu tư của nhà nước vào đây sẽ bị lãng phí, thậm chí còn kéo theo khả năng phải đền bù cho Nhiệt điện Mông Dương II 600.000 USD/ngày. Nếu không giải quyết sớm vấn đề xỉ than, Mông Dương I sẽ không phải nhà máy duy nhất đối mặt với nguy cơ.

Đề nghị xây thêm bãi thải

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam do Ủy ban Khoa học, công nghệ & Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam tổ chức.

Theo vị này, diện tích bãi thải xỉ của nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I có dung tích là 2,25 triệu m³, nếu theo đúng thiết kế, mỗi năm thải ra 1 triệu m3 xỉ thải, thì đến nay nhà máy đã phải ngừng hoạt động vì quá tải bãi thải. Tuy nhiên, để gỡ thế khó, nhà máy này đã tìm được giải pháp tiêu thụ 400.000 tấn xỉ đáy/năm để làm xi măng và dùng đổ bê tông tươi thay cát. Toàn bộ số tro bay 600.000 tấn/năm chưa có đơn vị nào sử dụng được do có lẫn vôi, có màu đỏ.
Nếu phải đóng cửa, Chính phủ sẽ phải đền bù cho nhà đầu tư nhiệt điện Mông Dương II 600.000 USD/ngày.

“Chính phủ đang giao cho Viện Khoa học Vật liệu xây dựng nghiên cứu tiêu chuẩn và hướng dẫn dùng tro xỉ để san nền. Chúng tôi cũng đã phân tích mẫu, kết hợp với các đơn vị làm đường để thử nghiệm. Tuy nhiên, sau khi thử mẫu thì độ đầm chặt của tro xỉ là 0,95, trong khi yêu cầu làm đường là 0,98 nên họ từ chối sử dụng. Mặt khác, theo Nghị định số 18/2015, san lấp mặt bằng có quy mô từ 100.000m³ trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khu vực Quảng Ninh là miền núi, xung quanh là vịnh Bái Tử Long, liên quan đến rừng ngập mặn, nên tìm kiếm công trình san nền hết sức khó khăn” – đại diện Công ty cho biết.

Đến nay, bãi thải xỉ của nhà máy này đã sử dụng khoảng 1,8 triệu m3, chỉ còn khoảng 8 tháng nữa sẽ đầy, nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa. “Công ty nhiệt điện Mông Dương đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép xây dựng một bãi thải xỉ mới. 

Tuy nhiên, nếu UBND tỉnh Quảng Ninh có phê duyệt quy hoạch, thì khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng khó có thể phê duyệt, vì không phù hợp với Quyết định 1696 và Quyết định 452 (dung tích bãi thải xỉ chỉ cấp đủ 2 năm vận hành). 

Nếu nhà máy phải đóng cửa, vốn đầu tư 37.000 tỷ đồng của nhà nước sẽ bị lãng phí. Mỗi năm phải vừa trả lãi, vừa khấu hao nhà máy đã lên đến 800 tỷ đồng. Thêm vào đó, theo quyết định của Thủ tướng, 11 hạng mục hạ tầng dùng chung của Nhiệt điện Mông Dương I và Mông Dương II do Mông Dương I đầu tư và chịu trách nhiệm quản lý vận hành. 

Do đó, Mông Dương I đóng cửa dẫn đến Mông Dương II cũng phải đóng cửa theo. Đây là nhà máy BOT, nên mỗi ngày Mông Dương II đóng cửa, Chính phủ sẽ phải trả tiền cho nhà đầu tư AES-Mỹ khoảng 600.000USD.

Giải pháp được nhiệt điện Mông Dương I đưa ra hiện nay là kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng bãi thải xỉ số 2 để tích trữ tro bay cho đến khi có công nghệ tái sử dụng. Đại diện Công ty này còn kiến nghị thêm việc đưa chi phí xử lý tro bay vào xác định giá điện cho các đơn vị có chi phí này.

Không giải quyết được tro xỉ sẽ là nguy cơ lớn cho nhiệt điện than

Từ rất lâu, vấn đề này đã được các nhà máy nhiệt điện kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết, do Bộ Xây dựng chưa ban hành được tiêu chuẩn để sử dụng tro xỉ cho san nền và làm vật liệu xây dựng, dù được Thủ tướng giao nhiệm vụ đã 2 năm. 

Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam: Nhà máy điện 1.200 MW cần 15ha để chứa tro xỉ/năm. Tuy nhiên, theo Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23-9-2014 của Thủ tướng, các nhà máy điện chỉ được cấp diện tích bãi chứa tro xỉ đủ dùng trong 2 năm, nghĩa là chỉ được cấp 30ha. 

Nếu không có biện pháp sử dụng tro xỉ thì 2 năm không có ý nghĩa gì đối với tuổi đời 30 – 40 năm của nhà máy nhiệt điện. 

“Nếu hàm lượng cacbon trong tro còn dưới 5% thì đây là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng (làm bê tông đầm lăn trong xây đập lớn, làm gạch không nung). Tính ra, 1 triệu tấn tro bay có thể sản xuất 500 - 600 triệu viên gạch kích thước tiêu chuẩn. Như vậy, tới 2030, có 20 triệu tấn tro bay cũng mới chỉ sản xuất được 10 - 12 tỷ viên gạch, còn thua xa nhu cầu sử dụng 40 tỷ viên” – PGS Trương Duy Nghĩa nhận định. 

Cũng theo ông Nghĩa, xét về thành phần hóa học, tro xỉ từ đốt than gồm chủ yếu là các oxyt kim loại như silic, nhôm, titan, sắt, canxi, magie… đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng. 

Theo các phân tích hiện nay, các nguyên tố kim loại nặng như thủy ngân, chì,… hầu như không có. Do đó, nhà khoa học này đề nghị có phân tích để khẳng định nếu trong tro xỉ không có các nguyên tố kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì thì cần coi là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng, không phải chất thải độc hại (trừ tro xỉ của nhà máy nhiệt điện Nông Sơn - Quảng Nam có phóng xạ nên không được phép lưu hành).

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh: Nhiệt điện than từ tỷ trọng 30,4% năm 2015 sẽ lên tới 49,3% vào năm 2020 và 55% vào 2025 (thậm chí sẽ cao hơn vì không có điện nguyên tử).

Đến nay, nhiều quan điểm vẫn cho rằng Việt Nam không thể tránh được nhiệt điện than bởi nó cho giá thành điện thấp nhất (xấp xỉ 7cent Mỹ/kWh); suất đầu tư không quá cao (thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân, ở mức xấp xỉ 1.500USD/kW); khả năng huy động công suất lớn...

Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm phải dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm gần 60% giá thành); là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường: đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém.

Vũ Hân
.
.
.