Người dân xứ Thanh khốn đốn vì vỡ hụi

Thứ Ba, 03/05/2016, 11:26
Theo báo cáo của Công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, đến nay, cơ quan Công an đã nhận được đơn của hàng trăm hộ dân tố cáo chủ phường (hụi) với số tiền thiệt hại lên đến hơn 64 tỷ đồng. 


Chúng tôi đã về Tĩnh Gia tìm hiểu, góp tiếng nói cảnh báo cho những người đang tham gia phường hụi hiện nay.

Quê nghèo xôn xao “bão phường hụi”

Xã Phú Sơn là một trong những xã nghèo nhất của huyện Tĩnh Gia, giáp với huyện Như Thanh, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. 

Từ khi cơn “bão phường” xảy ra, liên tiếp các chủ phường tuyên bố vỡ nợ tiền tỉ khiến hàng trăm người dân như ngồi trên đống lửa, họ bỏ ăn, bỏ làm đến nhà chủ phường chầu chực, chờ đợi với hi vọng lấy lại được đồng nào hay đồng ấy. Khi gần như hết hi vọng đòi tiền, người dân đành đến cơ quan Công an trình báo.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, việc chơi phường của người dân trên địa bàn bắt đầu từ khoảng năm 2010. Thời điểm đó, chỉ có một số hộ dân chơi với nhau, chủ yếu là giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều người đã làm được nhà cửa, mua máy móc phục vụ sản xuất. Nhưng từ năm 2013 đến nay, việc chơi phường hụi trở nên phổ biến với hàng chục người đứng ra làm chủ phường, thu tiền của người dân.

Lúc chúng tôi đến, mặc dù đã gần giữa trưa nhưng hàng chục người dân vẫn kiên nhẫn đợi đến lượt mình để nộp đơn, trình báo với cơ quan Công an. Tổ công tác của Công an huyện Tĩnh Gia gồm 10 CBCS do Thiếu tá Tống Anh Nhân, Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp chỉ huy cắm chốt ở trụ sở UBND xã Phú Sơn suốt nhiều ngày qua dường như không ai được nghỉ ngơi. Anh em ghi lời khai của người dân từ sáng sớm cho đến hết giờ, sau đó xác minh, tổng hợp tình hình. 

Bà Nguyễn Thị Năm, 86 tuổi ngậm ngùi “Tôi mất 14 triệu rưỡi. Đó là tiền dành dụm cả đời tôi để lo hậu sự. Bây giờ gần đất, xa trời, ăn uống phải nhờ vào con cái. Các con nghèo, không biết khi tôi nằm xuống, có lo được ma chay chu đáo hay không?”. 

Chị Hoàng Thị Lệ, 37 tuổi, ở xã Phú Lâm cho biết, gia đình chỉ làm ruộng, chắt chiu được ít tiền mang sang Phú Sơn chơi phường do vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh – Lê Thị Hà làm chủ. Nộp được 21 triệu đồng thì anh Thanh tuyên bố vỡ phường. Người mất khá nhiều tiền là chị Lê Thị Lan, trú ở thôn 8, xã Phú Lâm. 

Người dân đến trình báo việc vỡ hụi với cơ quan Công an.

Chị Lan cho biết, “tôi chơi với vợ chồng Thanh – Hà 29 dây phường, gồm 15 dây 5 triệu/tháng; 12 dây 2 triệu; 1 dây 10 triệu; 1 dây 3 triệu, với tổng số tiền đã đóng là 626 triệu đồng, chưa được lấy đồng nào. Ngoài ra còn cho vợ chồng Thanh – Hà vay hơn 900 triệu đồng không có lãi. Tổng số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng”.

Đến ngày 30-4, Công an Tĩnh Gia đã triệu tập 15 chủ phường hụi đến làm việc. Bước đầu, các chủ phường đều khai nhận đứng ra thu tiền của con phường. Việc mất khả năng thanh toán là dùng tiền của người này trả cho người khác, vay lãi với giá cao.

Để đảm bảo việc xử lí, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với 4 cá nhân liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, trong số hơn 60 tỷ người dân trình báo bị thiệt hại do chơi phường, đến nay, các chủ phường khai báo không còn tiền, chưa nộp lại bất cứ tài sản gì.

Hàng chục tỷ đồng của người dân đi đâu?

Người dân trình báo mất tổng cộng hơn 64 tỷ đồng (tính đến 30-4) nhưng cả 15 chủ phường đều cho rằng mình bị lỗ, không còn tiền, không có khả năng thanh toán. Vậy, số tiền trên đi đâu?          

Để tìm hiểu tiền tỷ của người dân đi đâu, chúng tôi đã tìm gặp các chủ phường, nghe những người này “trần tình” về số tiền người dân tố cáo họ đã chiếm đoạt. 

Một trong những người cầm phường “kỳ cựu nhất”, bị người dân tố cáo nhiều nhất đó là vợ chồng Nguyễn Văn Thanh, 37 tuổi – Lê Thị Hà, 35 tuổi, ở thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn, Tĩnh Gia. Vợ chồng Hà – Thanh là một trong những gia đình khá giả ở địa phương, có đất mặt đường, buôn bán cám chăn nuôi, phân đạm...Chị Hà cho biết, đứng ra làm chủ phường từ năm 2012 đến nay. Theo chị này thì việc vỡ phường của vợ chồng chị là do mua phường với giá cao nên “mất” hết.

Thế nhưng, trái với lời khai của Hà tại cơ quan điều tra và những việc nói với chúng tôi, nhiều người dân ở xã Phú Sơn cho biết, dù sống ở quê nghèo nhưng vợ chồng Hà chi tiêu rất vương giả.

Chủ phường Trần Thị Hà và Trần Thị Thành.

Chủ phường khác là Trần Thị Thành, 44 tuổi, cũng ở xã Phú Sơn cho biết, mình vừa là chủ phường vừa là con phường. Chủ phường này cầm 149 dây phường mỗi dây giá từ 2 đến 5 triệu/suất. Đến khi bị vỡ phường, số tiền mất và chịu trách nhiệm là 10 tỷ 228 triệu. Hiện tại, không có tài sản thanh toán.

Theo tính toán của lực lượng chức năng thì số tiền người dân trình báo mất do tham gia chơi phường sẽ còn tăng lên. Ngoài ra, chưa thống kê được tiền các chủ phường vay con phường với lãi suất cao (ví dụ cho vay 100 triệu nhưng thực tế có thể chỉ đưa 70 đến 80 triệu). Hiện tại, các chủ phường đều khai báo không còn tiền, không có khả năng thanh toán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì số tiền của nhiều người dân mất là thật nhưng số thực tế bao nhiêu chưa thể tính toán được. Số tiền trên, sẽ rơi vào túi những chủ phường và các con phường chơi từ trước, đã hốt phường và những người tham gia vào dây phường mới mua với giá cao sau đó “bùng” không đóng tiếp. 

Ví dụ có người khai báo mất tiền tỷ nhưng thực tế họ chỉ có mấy trăm triệu, tham gia chơi phường, lấy cuối cùng trót lọt (được lãi cao), sau đó dùng tiền lãi đóng tiếp phường khác.

Chính vì vậy, cơ quan Công an đang tiếp tục thu thập tài liệu, làm rõ để xử lí nghiêm theo quy định.

Phương Thủy
.
.
.