Người dân nói gì về ranh giới thu hồi đất và bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm?

Thứ Sáu, 11/05/2018, 09:34
Thu hồi đất của ông Vinh và nhiều hộ dân ngoài ranh quy hoạch từ trước đó, nhưng đến ngày 1-9-2009, thành phố mới ban hành văn bản bổ sung danh sách những hộ dân phải di dời trong khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Trưng ra nhiều tài liệu liên quan để chứng minh trường hợp của mình không có quyết định thu hồi đất; không nằm trong ranh giới quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) theo Quyết định số 367 của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Thế Vinh, một thương binh ở quận 2 cho biết, cơ sở để xây dựng quy hoạch KĐTMT dựa trên Quyết định số 20 ngày 16-1-1993 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2010.

Cảnh sống nhếch nhác, chật chội của người dân trong căn hộ tạm cư đã xuống cấp nghiêm trọng.

Căn cứ vào quyết định này và đề nghị của UBND huyện Thủ Đức cũ (nay được tách thành 3 quận gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức), ngày 10-2-1995 UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 785 phê duyệt quy hoạch chung huyện Thủ Đức. Tại điều 1 Quyết định này, UBND thành phố đã duyệt khu trung tâm mới của thành phố (tiền thân của KĐTMTT hiện nay) với diện tích 650ha đất và mặt nước kênh rạch.

Đây được xem là quy hoạch gốc, quy hoạch đầu tiên có KĐTMTT. Bản đồ quy hoạch tổng thể khu trung tâm thành phố mới rộng 650ha kèm theo quyết định 785 không có phần diện tích mặt nước sông Sài Gòn và có thời hạn 15 năm này phù hợp với quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị được ban hành kèm theo Quyết định số 322 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng thời điểm đó và đã được 6 văn bản của thành phố thừa nhận sau này.  

Để có cơ sở pháp lý đầu tư vào 650ha đất khu trung tâm mới của thành phố, ngày 27-5-1996, thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình số 1861 để xin phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5000 KĐTMTT trong phạm vi 770ha, gồm cả diện tích mặt nước sông Sài Gòn. Để chứng minh cho việc có bản đồ quy hoạch gốc 1/5000 kèm theo Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Vinh đã trưng ra văn bản là báo cáo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh gửi Ban Bí thư Trung ương và Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7393 ngày 31-10-2007.

Trong đó người đứng đầu UBND thành phố đã khẳng định có bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 kèm theo tờ trình trên. Theo ông Vinh, gần đây, dư luận người dân và lãnh đạo Thành phố hay nói đến bản đồ gốc kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-6-1996 về phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTMTT, nhưng đây chưa hẳn đã là bản đồ gốc. Mà bản đồ gốc phải là bản đồ được UBND thành phố phê duyệt 650ha khu trung tâm mới thành phố. Bởi khu trung tâm mới thành phố này được căn cứ vào Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể TP Hồ Chí Minh đến năm 2010.

Ông Vinh khẳng định, để có cơ sở pháp lý đầu tư vào khu 650ha trung tâm mới, UBND thành phố bắt buộc phải có tờ trình và phải lập đồ án quy hoạch chung 1/5000 KDTMTT để trình Thủ tướng Chính phủ. Đó mới là quy hoạch gốc, bởi tất cả quy hoạch sau này đều phải căn cứ vào Quyết định 20 của Thủ tướng. Ngay cả Quyết định số 367 của Thủ tướng Chính phủ sau đó cũng phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể xây dựng TP Hồ Chí Minh theo Quyết định 20.

Căn cứ vào các văn bản quy định về quy hoạch thời điểm đó như Nghị định số 61 năm 1994 về ban hành điều lệ quản lý quy hoạch xây dựng đô thị; Quyết định 322 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về lập và thiết kế đồ án xây dựng đô thị… ông Vinh cho biết, ông không đồng tình với các ý kiến của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ chuyên ngành khi cho rằng trước khi có Luật Quy hoạch thì không cần bản đồ hoặc ý kiến cho rằng bản đồ kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực.

Bởi phải có Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng mặt bằng, thì mới có quyết định 785 của thành phố và trong quyết định 785 này có quy hoạch khu đô thị mới thành phố rộng 650ha kèm đồ án quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ duyệt bằng Quyết định 367.

Đồng thời theo quy định, ít nhất phải sau 5 năm mới được điều chỉnh quy hoạch, trong khi quyết định 20 mới ban hành năm 1993, mà năm 1996 UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt quy hoạch Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức tỷ lệ 1/5000 thì không thể không căn cứ vào các quyết định phê duyệt tổng mặt bằng trước đó. Để được phê duyệt quy hoạch KĐTMTT và để có được tỷ lệ 1/5000, bắt buộc thành phố phải có bản đồ quy hoạch KĐTMTT. Bởi phải có bản đồ mới xác định được đó là quy hoạch 1/5000, nếu không có đồ án quy hoạch thì lấy gì xác định đó là quy hoạch 1/5000.

Điều này càng khẳng định tại tờ trình 1861 của UBND Thành phố có kèm theo bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 quy hoạch KĐTMTT. Ông Vinh phân tích, có thể Thủ tướng không ký vào bản đồ này nhưng bản đồ thì bắt buộc phải có để thủ tướng và các bộ ngành xem xét, cân nhắc trước khi ra quyết định.

Ông Vinh cho biết, căn cứ vào các văn bản quy hoạch trên, thành phố mới được phép triển khai quy hoạch chi tiết và đến năm 1998 vẫn thực hiện theo quy hoạch về ranh giới KĐTMTT theo tờ trình 1861. Đây cũng chính là ranh giới theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình 1861 và cũng chính là ranh giới 650ha khu trung tâm mới của Thành phố theo quyết định 785.

Ông Vinh khẳng định, tại quyết định 367, Thủ tướng chỉ phê duyệt 637ha đất xây dựng, nếu cộng cả mặt nước kênh rạch mới là 650ha, điều này cũng đã được xác định tại quyết định 785, nếu tính cả mặt nước sông Sài Gòn, tổng diện tích sẽ là 770ha. Từ đề nghị của UBND thành phố, ngày 6-1-1997 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03 về thành lập quận 2 và các phường thuộc quận 2.

Tại Nghị định này, các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông tiếp giáp với sông Sài Gòn, giáp phường Bình Khánh có diện tích 689ha đất và mặt nước kênh rạch. Trung tâm mới của Thành phố, tức KĐTMTT có diện tích 650ha, nằm gọn trong 3 phường trên. Trong khi nhà đất của ông Vinh và những hộ dân khác lại nằm ở phường Bình Khánh chứ không hề nằm trong KĐTMTT nhưng vẫn bị thành phố “đè” ra cưỡng chế, thu hồi. Thậm chí, đến năm 2004, sau khi thành phố điều chỉnh quy hoạch KĐTMTT lên 657ha, ranh quy hoạch KĐTMTT vẫn chưa đến hết phường An Khánh.

Sau khi đã tiến hành thu hồi đất, việc điều chỉnh quy hoạch KĐTMTT, thiết kế đồ án KĐTMTT 1/5000 và 1/2000 vẫn chỉ nằm gọn trong 3 phường trên và phường An Khánh vẫn còn đến 32ha nằm ngoài ranh quy hoạch này. Một loạt các văn bản của thành phố sau đó như văn bản 255 ngày 15-1-1998 của UBND thành phố về phê duyệt khu vực không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước ở quận 2; văn bản của Kiến trúc sư trưởng thành phố xin phê duyệt quy hoạch gửi UBND thành phố và 3 phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông sau đó đều khẳng định ranh quy hoạch KĐTMTT theo các Quyết định 367 của Chính phủ và Quyết định 755 của UBND Thành phố… Như vậy, ranh giới của KĐTMTT rất rõ ràng.

Thu hồi đất của ông Vinh và nhiều hộ dân ngoài ranh quy hoạch từ trước đó, nhưng đến ngày 1-9-2009, thành phố mới ban hành văn bản bổ sung danh sách những hộ dân phải di dời trong KĐTMTT. Thời điểm này, Luật Đất đai 2003 đã có hiệu lực 6 năm, nhưng quận 2 không ban hành quyết định thu hồi đất mà ngang nhiên bổ sung luôn phần đất của ông Vinh và nhiều hộ dân khác vào KĐTMTT. Ông Vinh cho rằng việc này là không có căn cứ pháp lý. Do đó, văn bản thu hồi đất đối với ông Vinh cùng những trường hợp khác cũng như một loạt các văn bản nội bộ của quận 2 và thành phố là bất hợp pháp.

Càng trớ trêu hơn khi ông Vinh ra đến Bộ Tư pháp, được bộ này trả lời đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, còn thành phố lại khẳng định văn bản này là văn bản quy phạm pháp luật nên đến nay vẫn không có cơ quan nào hủy bỏ các quyết định hành chính trái pháp luật này để trả lại quyền lợi cho người dân. 

Bảo Sơn
.
.
.