Ngân hàng chính sách xã hội kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm Chi nhánh Sóc Trăng

Thứ Tư, 20/09/2017, 10:08
Ông Võ Minh Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) vừa ký văn bản gửi VBSP Sóc Trăng về việc yêu cầu chấn chỉnh sai phạm sau khi đoàn công tác của Hội sở đến địa phương xác minh đơn “cứu xét”. 


Đối với công tác tín dụng, VBSP yêu cầu VBSP Sóc Trăng xem xét các khoản nợ quá hạn, đến hạn mà không có khả năng thu hồi để đánh giá từng nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Sau khi rà soát lại năng lực của từng Ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn và Tổ tưởng yếu kém thì kiên quyết củng cố, thay thế những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, hoạt động kém hiệu quả.

VBSP cũng yêu cầu VBSP Sóc Trăng rà soát tính pháp lý đối với hồ sơ xóa nợ đã được Trung ương phê duyệt; tổ chức đối chiếu trực tiếp các đối tượng được đề nghị xóa nợ để đảm bảo đúng. Đặc biệt, VBSP yêu cầu VBSP Sóc Trăng chấm dứt ngay tình trạng cho vay mới để thu hồi nợ cũ và thu lại tồn đọng; rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp gia hạn nợ vượt thời gian quy định, không để phát sinh mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với nợ gia hạn vượt không đúng quy định, gây hậu quả tiền lãi chênh lệch phải chịu trách nhiệm bồi thường thì VBSP Sóc Trăng phê bình tập thể, cá nhân liên quan tại phòng giao dịch. Những cán bộ này được cho là thiếu tinh thần trách nhiệm, đã thực hiện chưa đúng quy định, ảnh hưởng đến lãi thu.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng.

Trong danh sách kèm theo văn bản của VBSP Sóc Trăng cho thấy hội sở và phòng giao dịch 10 huyện, thị có 42 cán bộ liên quan đến 13.807 món vay gia hạn vượt. Trong đó, tổng dư nợ gia hạn vượt lên đến trên 141,2 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến cho lãi chênh lệch so với lãi suất quá hạn là trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua giám sát từ xa, VBSP Trung ương thống kê được món nợ gia hạn vượt ở Sóc Trăng là 7.472, tổng dư nợ trên 77,2 tỷ đồng. Số món vay 3 tháng không hoạt động là 33.715 món; có 442 Tổ yếu; xã có nợ quá hạn trên 2% là 55 xã...

Chuyên gia ngân hàng cho biết, gia hạn vượt có thể ví dụ như khách hàng vay 5 năm, đến hạn họ không trả mà xin gia hạn nợ. Khi đó, ngân hàng cho gia hạn thêm 2,5 năm, cộng lại là 7,5 năm. Đến hạn khách vẫn không trả, theo nguyên tắc ngân hàng phải chuyển nợ quá hạn nhưng lại tiếp tục gia hạn sai nguyên tắc. Nếu cấp lãnh đạo quản lý không lỏng lẻo thì chắc chắn sẽ không xảy ra những tồn tại này. Trong đó, vai trò của Phòng Kiểm tra kiểm toán nội bộ là rất lớn.

Ngoài những sai phạm trên, hệ thống VBSP ở Sóc Trăng còn chỉnh sửa nội dung trên sổ lưu sao y (không có nội dung phát sinh gia hạn nợ, cho vay lưu vụ, chuyển nợ quá hạn giống như trên hồ sơ gốc) để phù hợp với thời gian hộ được Công an, UBND xã xác nhận bị cho là mất tích.

Đặc biệt là tồn tại việc phát sinh gia hạn nợ sau thời gian khách hàng chết (hoặc được cho là mất tích); trong thời gian chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt xử lý rủi ro, ngân hàng vẫn giải ngân món mới cho hộ vay. Đây là những sai phạm về tính hợp pháp, hợp lệ và pháp lý của hồ sơ, gây hậu quả dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước. Từ đó, VBSP cho rằng sai sót này tương đối nghiêm trọng, cần phải kiểm điểm, quy trách nhiệm và có hình thức kỷ luật phù hợp.

Trong thời gian Trung ương chỉ đạo kiểm điểm ở Sóc Trăng thì VBSP có quyết định cho bà Trịnh Thị Bích Tuyền thôi giữ chức Trưởng phòng Kiểm tra kiểm toán nội bộ tại VBSP Sóc Trăng. Tuy nhiên, quyết định do lãnh đạo VBSP ký ban hành ngày 22-8-2017, thì ngày 26-8-2017, ông Dương Đình Lạng, Giám đốc VBSP Sóc Trăng lại ký quyết định bổ nhiệm bà Tuyền làm Giám đốc Phòng giao dịch VBSP ở huyện Châu Thành (?!).

Song Nguyễn
.
.
.