(NGHỊCH LÝ) Mòn mỏi đợi cấp đất sau gần 10 năm nhường đất cho thủy điện
Năm 2006, dự án thủy điện Bình Điền triển khai xây dựng; 46 hộ dân, với 225 khẩu, của xã Hương Nguyên, huyện A Lưới được chuyển đến khu TĐC Bồ Hòn ở xã Bình Thành. Đến nay số hộ dân đã tăng lên gần 60 hộ, với 252 khẩu.
Theo quy định, người dân khi được chuyển về khu TĐC sẽ được cấp đất đền bù ngang bằng với số đất đã nhường cho dự án thủy điện. Tuy nhiên, đã gần 10 năm trôi qua, nhưng người dân Bồ Hòn vẫn chưa được đền bù đất sản xuất.
Nhiều hộ dân ở khu TĐC Bồ Hòn vẫn chưa thoát nghèo sau nhiều năm chuyển về nơi ở mới. |
Ông Hồ Văn Thế (45 tuổi, người dân tộc Cơ Tu ở thôn TĐC Bồ Hòn) cho biết: “Sau khi chuyển đến nơi ở mới, gia đình tui được hỗ trợ 3 sào đất ở và 0,3 sào đất rừng cằn cỗi. Ngoài kinh phí được hỗ trợ 7,6 triệu đồng/người, vợ chồng tui phải đi làm thuê, làm mướn, song vẫn không thoát cảnh nghèo khó. Cũng vì cuộc sống nơi ở mới quá bấp bênh nên 3 đứa con của tui đều phải bỏ học”…
Theo ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng thôn TĐC Bồ Hòn, đất đai ở khu TĐC cằn cỗi đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân. Khi di dời, có 23 hộ dân trong thôn được hỗ trợ giống cây trồng như bưởi, thanh trà, mít, chuối và vật nuôi. Nhưng, đến nay có 70% số cây trồng không đem lại hiệu quả do đất đai bạc màu, khô cằn. Vào giữa năm 2014, dự án ICO cũng triển khai chương trình giao 87ha đất rừng thuộc tiểu khu 130 cho người dân quản lý, bảo vệ với số tiền 53.000 đồng/ha/ năm. Trên diện tích đất này, người dân được dự án tài trợ các giống cây chuối, lồ ô, ba kích... để phát triển kinh tế. Tuy nhiên qua hơn 1 năm triển khai, phần lớn số cây trồng này cũng bị chết do khô hạn, thiếu nước tưới... Vì thế, người dân trong thôn đang mòn mỏi mong chờ được cấp đất sản xuất tốt hơn để làm ăn ổn định cuộc sống.
Do cuộc sống khó khăn, thu nhập kinh tế của các hộ dân quá thấp nên việc học hành con em trong thôn cũng bị ảnh hưởng khi tỷ lệ học sinh đến trường chỉ đạt 75%. “Hiện thôn Bồ Hòn có 1 trường tiểu học, nhưng chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi phòng học ghép 2 lớp; riêng học sinh lớp 5 phải sang xã bên để học tập. Điều đáng nói, để đến được điểm trường THCS và THPT, các em học sinh phải đi bộ từ 3-5km đường dốc, nên số học sinh bỏ học đang ngày càng gia tăng”, ông Thương cho biết thêm.
Ngoài khu TĐC Bồ Hòn, hiện gần 240 hộ dân ở các thôn TĐC Bình Dương, Hòa Bình, Hòa Thành ở xã Bình Thành cũng đang trong tình cảnh khó khăn tương tự, do nhường đất cho dự án công trình hồ chứa nước Tả Trạch, trong khi đất đai được cấp ở khu định cư vừa ít, vừa không ngang bằng với nơi ở cũ.
Qua trao đổi, ông Trương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thành khẳng định, xã có diện tích đất tự nhiên gần 6.400ha, trong đó có trên 3.700ha rừng thuộc về các lâm trường và công ty quản lý nên số đất rừng dôi dư để giao cho bà con sản xuất là rất khan hiếm. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin cấp đất cho người dân; nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Để khắc phục khó khăn, giúp các hộ dân ổn định cuộc sống, xã đã mở một số lớp dạy nghề như mộc mỹ nghệ, nghề may và khuyến khích người dân xây dựng mô hình trang trại để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trong khi chờ được cấp đất sản xuất”, ông Dũng nêu một số giải pháp.