Mất tiền vì mua đất nền kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”

Thứ Sáu, 03/07/2020, 07:47
Để có đủ tiền mua lô đất cất nhà ở, nhiều người phải dành dụm, tích cóp hàng chục năm trời mới có được. Thế nhưng, họ lại quá chủ quan, mất cảnh giác mua phải đất ở “dự án ma”.

Đến khi bị lừa, đau khổ thốt lên hai chữ “giá như” thì đã muộn. Chi bằng trước khi mua hãy tìm hiểu thật kỹ càng để không mất đi oan uổng những đồng tiền mà mình làm ra từ mồ hôi, nước mắt…

Thời “Tập đoàn địa ốc” Alibaba còn hoàng kim, những “dự án ma” na ná như Alibaba nhiều vô kể. Khi anh em nhà Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh cùng hàng chục người trong “tập đoàn” này bị bắt, người mua nền đất thiếu thận trọng mới bắt đầu thấy hoang mang. Những nhà đầu tư “lướt sóng”, đầu cơ kiếm lời biết mình cũng là nạn nhân nên nhanh chóng bán lại với giá hời để tháo chạy. Còn những người có nhu cầu mua đất xây nhà để ở thật sự nhanh chân đi tìm hiểu pháp lý của dự án thì đều tá hỏa khi biết được “khu nhà ở” mà mình mua chẳng có dự án nào trên đó.

Công ty Thường Tín Real “vẽ” ra dự án hoành tráng rồi rao bán trên mạng.

Kẻ lừa tự vẽ bảng thiết kế, đặt tên dự án trên đất… của người khác rồi vô tư rao bán nền. Với giá cả khá mềm, các lô đất ảo nhanh chóng được bán sạch. Đến khi nhận tiền khoảng 80-90% giá trị nền đất, sắp đến thời hạn giao đất theo thỏa thuận, kẻ lừa bắt đầu lánh mặt người mua. Nhiều nạn nhân biết bị lừa muốn đòi lại tiền thì lập tức rơi vào “bẫy” của kẻ gian. Chủ “dự án ma” nhanh nhảu thanh lý hợp đồng và làm cam kết hẹn ngày trả lại tiền cùng đền bù thiệt hại. Tất nhiên, đến hẹn thì sẽ khất lần, thậm chí thách đố nạn nhân đi kiện.

Thực tiễn cho thấy, việc khởi kiện kéo dài thời gian, đến khi thắng kiện thì cũng chẳng được gì vì kẻ lừa đảo đã tẩu tán hết tài sản. Nhiều người chọn giải pháp tố cáo đến cơ quan Công an nhưng thường được hướng dẫn khởi kiện tại tòa án vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đây chính là chiêu thức phổ biến mà những kẻ bán “dự án ma” áp dụng nhiều nhất hiện nay. Bởi khi thanh lý hợp đồng, kẻ lừa đã thu hết hợp đồng chuyển nhượng nền đất, phiếu thu và lập lại cho nạn nhân một phiếu nhận nợ mới gộp chung lại cùng thời hạn trả nợ. Nó giống như công ty này mượn nợ nạn nhân và chưa có tiền trả lại nên rất khó xử lý hình sự.

Vụ việc mới đây nhất đang được Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý điều tra là hai “dự án ma” với tên gọi Khu dân cư Central House, Khu dân cư Đường số 4 do Công ty Phát An Gia làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, cả hai khu đất được gán cho dự án là đất… của người khác! Ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc công ty này đã “nặn” ra hai dự án rồi mang bán với giá hơn 30 triệu đồng/m2. Đến khi người mua đòi đất, ông Cường đã áp dụng chiêu thức thanh lý hợp đồng, cam kết trả lại tiền và… biến mất!

Cùng với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dính nhiều “dự án ma” cùng thời điểm xảy ra vụ án Công ty Alibaba. Đặc biệt là ở Đồng Nai, lợi dụng dự án sân bay Long Thành, các đối tượng lừa đi tìm các khu đất rộng ở các trục đường chính quanh dự án sân bay rồi tự vẽ thành dự án rồi cho nhân viên phát tờ rơi và rao bán trên mạng. Pháp lý chỉ là hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa chủ dự án ảo và người mua nhưng rất nhiều người bị lừa một cách dễ dàng.

Để đưa nạn nhân vào tròng, các công ty này tổ chức cho người có nhu cầu mua đi xem đất rồi thuê người làm “chim mồi”. Đến khu đất, công ty cho dừng xe ở lề đường rồi “thả” mọi người xuống tha hồ ngắm xem khu đất và chọn vị trí theo bản đồ phân lô. Nhóm “chim mồi” giả vờ tranh giành các lô nằm ở vị trí đắc địa để kích thích người mua thật. Sợ bị mất “miếng mồi ngon” nhiều người mua thật nhanh chóng đặt cọc giữ chỗ, thế là “sập bẫy”.

“Người mua chỉ “cỡi ngựa xem hoa” là đã quyết định đặt cọc mua nền đất, dù trên thực địa chỉ là khu đất trống chưa có hạ tầng và chưa tìm hiểu về hồ sơ pháp lý.

Do các công ty lừa chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và việc xác lập hợp đồng, giao tiền cũng diễn ra ở TP Hồ Chí Minh nên thời gian vừa qua, Công an các quận, huyện và các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh nhận khá nhiều đơn tố cáo của các nạn nhân. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, đối với các trường hợp đã thanh lý hợp đồng thì cơ quan điều tra không thụ lý, mà hướng dẫn nộp đơn khởi kiện ở tòa án. Trong trường hợp quyết định tố cáo ngay từ đầu và có cơ sở để khẳng định chủ dự án bán nền đất không có thật thì mới có thể đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.

“Rất nhiều nạn nhân hợp đồng chuyển nhượng nền đất với số tiền lớn mà quá chủ quan, không yêu cầu chủ dự án cung cấp hồ sơ pháp lý dự án như phê duyệt quy hoạch 1/500, quyết định giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản… Hoặc chí ít đến UBND phường, xã để hỏi là đã tránh được bị lừa”, Thượng tá Nguyễn Lê Hùng, Phó trưởng Công an quận 2 đưa ra khuyến cáo.

Mã Hải
.
.
.