Loay hoay cưỡng chế công trình không phép ở vùng ven
- Cưỡng chế 2 công trình vi phạm trật tự đô thị sau khi Báo CAND phản ánh
- Sẽ cưỡng chế 7 công trình “lụi” quy mô lớn ở Nha Trang
- Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A
- Gia hạn định buộc cưỡng chế, tháo dỡ tại tổ hợp khách sạn sai phạm Mường Thanh
Ngày 4/6, Bình Chánh đã có thông báo khẩn gửi đến các cơ quan liên quan của địa phương này về kết luận của Thường trực UBND huyện liên quan đến việc xử lý tổ hợp công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là Gia Trang quán - Tràm Chim Resort.
Tại văn bản này, Thường trực UBND huyện Bình Chánh thống nhất việc thực hiện quyết định cưỡng chế đã ban hành ngày 3/12/2019 đối với tổ hợp công trình trên, thời gian thực hiện từ ngày 11/6. Tuy nhiên, thông tin mà PV Báo CAND có được, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép tiếp tục được địa phương thông báo dời lại đến ngày 23/6.
Lực lượng chức năng trong một lần cưỡng chế không thành. |
Trước đó, sau nhiều lần vận động nhưng chủ công trình không chấp hành, đầu năm nay, UBND huyện Bình Chánh đã huy động cả trăm cán bộ, viên chức đến tổ chức cưỡng chế đối với tổ hợp công trình có diện tích lên đến 7.275m2 được xây dựng trên đất nông nghiệp này, nhưng đã phải tạm ngưng thực hiện.
Đến ngày 29/5, TAND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính” do bà Trần Thị Minh Trang, chủ tổ hợp công trình sai phạm trên khởi kiện quyết định cưỡng chế, xử phạt của Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh.
Cũng liên quan đến hành vi xây dựng không phép trên địa bàn huyện Bình Chánh, ngày 25-5, nhiều người dân căng băng rôn trước trụ sở của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long để tố DN này lừa đảo.
Đại diện những người dân là khách hàng của doanh nghiệp này đưa ra yêu cầu UBND huyện Bình Chánh thực hiện ngay quyết định đã ký vào ngày 20/12/2019 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Phi Long về hành vi xây dựng công trình trái phép.
Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long đã san lấp và xây dựng các công trình không phép gồm trụ sở văn phòng có diện tích 290m2 với tổng diện tích sàn là 993m2 cùng công trình hàng rào dài 163 mét; mái che diện tích 163m2; công trình nhà ở có diện tích xây dựng 163m2… Các công trình không phép này cũng đã được UBND thành phố có văn bản chỉ đạo xử lý.
Một vụ xây dựng không phép rất lớn khác xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh là 58 công trình được xây “lụi” trong Khu công nghiệp Phong Phú. Nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh phải xử lý dứt điểm vụ việc vào tháng 10 năm ngoái, gần đây huyện Bình Chánh thông báo sẽ tổ chức thực hiện xử lý tháo dỡ các công trình xây dựng không phép của Công ty CP Khu công nghiệp Phong Phú xảy ra tại KCN này.
Thời hạn thực hiện được huyện Bình Chánh đặt ra là trước ngày 7/6, nhưng mốc thời hạn này đã qua đi, vụ việc vẫn nằm im. Xử lý hay không? Xử lý đến đâu? Câu hỏi này hiện vẫn chưa được UBND huyện Bình Chánh công khai.
Nhằm góp phần ngăn chặn xây dựng trái phép, đầu tháng 6 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung các điều khoản về ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng vào trong hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.
Với những trường hợp mua bán điện ngoài mục đích sinh hoạt, UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ sung các điều khoản về ngừng cung cấp điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng vào hợp đồng mua bán điện.
Thậm chí, việc ngưng cấp điện với công trình vi phạm cũng đã được nhiều Đại biểu Quốc hội góp ý, thảo luận vào ngày 10-6 khi tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra nên để chính quyền địa phương có thể yêu cầu các công ty điện lực cắt điện đối với công trình vi phạm xem ra cũng không đơn giản.