Lộ “chiêu” thoái vốn Nhà nước, “ôm” 156ha đất công chỉ với giá 745 tỷ đồng
Để khai thác hiệu quả khu đất này, tháng 10-2000, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương xây dựng Khu du lịch thể dục thể thao ven sông Đồng Nai, nằm trên toàn bộ diện tích đất của Nông trường Dừa. Từ chủ trương trên, tháng 12-2003, Saigontourist đã có văn bản xin thành phố cho phép DN được tự đứng ra quy hoạch Khu du lịch Sân golf Sài Gòn ở khu vực này.
Ngày 21-2-2005, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản cho phép Saigontourist và Công ty Dịch vụ Du lịch Thủ Đức TNHH MTV - cũng là một DN Nhà nước được hợp tác với Công ty CP địa ốc Thành Nhơn (Công ty CP Thành Nhơn) để thành lập công ty CP để đầu tư dự án sân golf Sài Gòn tại khu vực Nông trường Dừa đang được Saigontourist giao cho Công ty Dịch vụ Du lịch Thủ Đức quản lý.
Chưa dừng lại ở việc chia sẻ lợi ích từ khu đất trên cho Công ty CP Thành Nhơn, trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty CP Sài Gòn Gôn vào ngày 25-9-2007 để làm dự án trên, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đồng ý cho thêm 1 cổ đông nước ngoài khác cùng làm dự án.
Tuy đã được thành phố giao quản lý khu đất này trong rất nhiều năm, nhưng phần vốn góp của 2 DN Nhà nước vào Công ty CP Sài Gòn Gôn vẫn bằng tiền chứ không phải bằng đất. Cụ thể, Saigontourist góp vốn 70 tỷ đồng, chiếm 35% vốn điều lệ bằng giá trị một phần đã bỏ ra chi phí bồi thường cho khu đất; Công ty Dịch vụ Du lịch Thủ Đức với vốn góp 30 tỷ đồng, chiếm 15% vốn điều lệ cũng bằng giá trị một phần chi phí đã bỏ ra bồi thường ở khu đất làm dự án; Công ty CP Thành Nhơn góp 60 tỷ đồng bằng tiền mặt để nắm giữ 30% vốn điều lệ và Công ty Vietnam Venture Limited được góp 40 tỷ đồng bằng tiền mặt để nắm giữ 20% vốn điều lệ trong Công ty CP Sài Gòn Gôn. Như vậy, giá trị khu đất đã được thành phố giao cho DN Nhà nước quản lý sử dụng trong nhiều năm coi như bằng không.
Sau khi được thành phố cho phép triển khai một loạt các bước tiếp theo, thì sân golf này đã không được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống sân golf trên cả nước đến năm 2020. Không được làm sân golf tại đây, nên theo đề nghị của Công ty CP Sài Gòn Gôn, ngày 1-11-2010, UBND TP Hồ Chí Minh đã phải chấp thuận cho DN nghiên cứu, điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất tại đây cũng như cho DN này được đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Eastern Sense.
Loay hoay trong vài năm vẫn không thể triển khai dự án, ngày 23-5-2014 UBND TP Hồ Chí Minh đã phải ra quyết định thu hồi đất khu đất này để giao lại cho UBND quận 9 quản lý để tránh bị lấn chiếm, xây dựng trái phép. Việc thành phố thu hồi khu đất, giao cho địa phương quản lý như vậy càng chứng minh rằng, khu đất Nông trường Dừa là đất sạch và thành phố vẫn xác định đây là đất công.
Đất vẫn đang còn bị để hoang hóa, nhưng sau khi xem kiến nghị của Công ty CP Sài Gòn Gôn và tham mưu của các sở, ngành liên quan, ngày 10-12-2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản công nhận Công ty CP Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư giai đoạn 1 của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu dân cư đô thị tại khu vực nông trường Dừa (phường Long Trường, quận 9) với quy mô 156ha.
Tuy nhiên, trước khi UBND thành phố công nhận như vậy, các thành viên góp vốn trong Công ty CP Sài Gòn Gôn đã có những động thái thoái vốn cho nhau. Trong đó công ty Dịch vụ du lịch Thủ Đức đã chuyển toàn bộ vốn góp cho Saigontourist và Công ty Vietnam Venture Limited nhượng phần vốn góp của mình cho Công ty CP Thành Nhơn.
Khu đất Nông trường Dừa. |
Ngày 23-10-2015, Sở KH&ĐT thành phố đã cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ hình thức cổ phần thành Công ty TNHH Sài Gòn Gôn; vốn điều lệ 200 tỷ đồng, gồm hai thành viên là Saigontourist và Công ty CP Thành Nhơn, mỗi thành viên sở hữu 50% vốn.
Vụ mua gom thêm vốn này là việc làm khó hiểu của Saigontourist, bởi theo đề án tái cơ cấu của DN này giai đoạn 2013 - 2015, được UBND thành phê duyệt ngày 16-12-2013, phần vốn góp trong Công ty Sài Gòn Gôn thuộc đối tượng Saigontourist phải thoái 100% vốn. Thế nên sau đó Saigontourist đã tiến hành việc thoái vốn Nhà nước tại DN này.
Theo báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp Phan Thị Hồng với UBND thành phố ngày 23-1-2018, vào ngày 8-5-2017, Saigontourist đã thoái xong toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Sài Gòn Gôn. Phần vốn chào bán là 50% vốn điều lệ do Saigontourist nắm giữ, tương ứng 100 tỷ đồng; giá chào bán đạt hơn 645 tỷ đồng. Và không ai khác, bên mua chính là Công ty CP Thành Nhơn, giá nhận chuyển nhượng bằng với giá Saigontourist đã chào bán.
Vụ thoái vốn này mang về cho Saigontourist khoản tiền hơn 545 tỷ đồng, nên ngay trong ngày 8-5-2017, Tổng Giám đốc Saigontourist Trần Hùng Việt đã phấn khởi báo cáo ngay với thành phố. Song khi nhìn lại, dư luận không khỏi giật mình bởi chỉ cần bỏ ra tổng cộng hơn 745 tỷ đồng để góp vốn và trả cho khoản mua lại cổ phần của Saigontourist, Công ty CP Thành Nhơn đã nghiễm nhiên nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ tại một DN đang sở hữu dự án khu dân cư có diện tích đất “khủng”.
Hơn thế, với “chiêu” thoái vốn Nhà nước hợp pháp này, Công ty CP Thành Nhơn đã lách được việc phải tham gia đấu giá công khai để dễ dàng có trong tay 156ha đất công.
Nhà nước mất bao nhiêu khi quyền kiểm soát dự án không còn, chỉ cần làm một phép tính đơn giản khi đối chiếu với bảng giá đất tại quận 9 giai đoạn 2015 - 2019 do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành. Cụ thể, giá đất tại tuyến đường Tam Đa (dẫn vào khu đất trên) ở mức 2,1 triệu đồng/m2, nhưng giá trị khu đất trên chỉ dừng lại ở mức hơn 1 ngàn tỷ khi Saigontourist thoái vốn. Trong khi dự án đất nền trên đường Tam Đa gần đó cũng đã rao bán ở mức 17,5 triệu đồng/m2.
Thời điểm Saigontourist bán cổ phần để thoái vốn diễn ra vào năm 2017, đất quận 9 đang “sốt”, thì giá trị Công ty TNHH Sài Gòn Gôn bao gồm cả khu đất công “khủng” trên chỉ được định với mức giá như kể trên liệu có ổn?
Dư luận cho rằng, UBND TP Hồ Chí Minh cần tính toán lại giá trị khu đất dự án khu dân cư này tại thời điểm DN Nhà nước thoái vốn để chống thất thu cho ngân sách...