Lâm tặc hung hãn xâm hại Vườn Quốc gia Bạch Mã
- Vườn Quốc gia Bạch Mã đón khách sau 3 năm đóng cửa/ Thừa Thiên - Huế: Xây dựng vườn hoa xứ lạnh ở Vườn Quốc gia Bạch Mã
Nằm trên địa bàn 2 tỉnh Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam, VQG Bạch Mã có diện tích 37.487ha, với khoảng 1.493 loài động vật và trên 2.100 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Do đó, lâm tặc thường xuyên đột nhập vào khu rừng này khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã; nhất là những cánh rừng của các tiểu khu 412, 413 và 416, thuộc địa bàn xã Hương Lộc (huyện Nam Đông, Thừa Thiên- Huế).
Ông Nguyễn Văn Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hương Lộc (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Bạch Mã), cho biết: Lợi dụng tuyến đường độc đạo 14C và nhiều khe suối nên lâm tặc hoạt động rất liều lĩnh, gây ra nhiều vụ khai thác gỗ rừng trái phép. Do VQG Bạch Mã có các loại gỗ quý như kiền kiền, lim, gõ, đào, chò… có giá trị kinh tế cao, nên các đối tượng tìm mọi cách để khai thác. Sau khi đốn hạ cây, chúng xẻ thành từng phách lớn, kết bè thả theo dòng suối Ba Ran từ đỉnh núi xuống; rồi dùng xe máy tự chế để chở gỗ về điểm tập kết bán cho đầu nậu. Nếu phát hiện có lực lượng Kiểm lâm tuần tra, các đối tượng bỏ gỗ, bỏ xe lẩn trốn vào rừng tẩu thoát...
Trước thực trạng khai thác lâm sản trái phép có chiều hướng gia tăng, Kiểm lâm VQG Bạch Mã đã bố trí thêm chốt công vụ, túc trực kiểm soát khu vực Khe Ao, đoạn cách Trạm Kiểm lâm Hương Lộc chừng 10 cây số về phía Nam. Chỉ tay về phía con suối đang chảy dưới chân đèo, anh Phan Quang Huy, chốt trưởng chốt Kiểm lâm Khe Ao cho hay, đây là khu vực mà lâm tặc thường tập kết bè gỗ thả về xuôi.
Lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ VQG Bạch Mã. |
“Hễ phát hiện có gỗ tập kết là anh em triển khai lực lượng bao vây bắt ngay. Nhưng thú thật bắt giữ “gỗ chết” (gỗ đã bị xẻ thành phách), còn khó hơn bảo vệ “cây đứng” ở trong rừng. Bởi thời gian qua, không ít trường hợp anh em đơn vị bị lâm tặc hành hung để cướp gỗ”, anh Huy chia sẻ.
Cụ thể, vào ngày 4-12-2015, tổ Kiểm lâm Hương Lộc tuần tra ở tiểu khu 416 phát hiện 3 đối tượng đang tập kết 3 bè gỗ chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng. Lúc này tổ công tác Kiểm lâm tiến đến bao vây bắt giữ thì bất ngờ xuất hiện một nhóm gần 20 đối tượng lạ mặt kéo đến ném đá và dùng gậy gộc uy hiếp. Tổ công tác nổ súng chỉ thiên, song các đối tượng rất manh động, hung hãn bao vây để 3 đối tượng trên vận chuyển số gỗ đi nơi khác.
Trước đó, rạng sáng 1-12, nhận tin báo có lâm tặc tập kết gỗ ở tiểu khu 413 nên Trạm Kiểm lâm Hương Lộc cử lực lượng mang theo công cụ hỗ trợ đến vây bắt. Tuy nhiên, khi đến hiện trường, có đến 15 đối tượng dùng đá và gậy lao vào tấn công nhóm Kiểm lâm để giải cứu đồng bọn và tang vật vi phạm… Đáng nói là các đối tượng lâm tặc còn ngang nhiên chặn đường đánh Kiểm lâm để đe dọa, dằn mặt.
Trước đây, tổ bảo vệ rừng của VQG Bạch Mã tuần tra ở tiểu khu 56, thuộc lưu vực thủy điện Sông Côn II (Quảng Nam) thì bị 4 đối tượng lâm tặc dùng rựa tấn công. Bọn chúng đã khống chế ông Pơ Loong Nai và ông Cơ Lâu Crơi trói lên cây; sau đó dùng rựa, gậy đánh vào đầu, ngực và xương sườn khiến 2 nạn nhân bị thương rất nặng. Man rợ hơn, bọn chúng còn dùng dao nhọn để rạch mặt nạn nhân.
Hay gần đây, ngày 18 và 20-11, các anh Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Tất Vinh (Trạm trưởng và Trạm phó Kiểm lâm Hương Lộc) đã bị 3 lâm tặc, gồm: Đoàn Văn Thành (33 tuổi); Trương Văn Trung (28 tuổi); Nguyễn Thanh Chính (23 tuổi), đánh bị thương, trong đó anh Trung bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu...
Thu giữ hàng trăm mét khối gỗ khai thác trái phép Ngày 14-12, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Ia Hdai, tỉnh Kon Tum tiến hành kiểm tra tại tiểu khu 757, thuộc xã Ia Tơi, đã phát hiện 300 lóng gỗ bị triệt hạ trái phép tập kết tại khu rừng này. Qua xác định, số gỗ quy tròn hơn 150m3 (từ nhóm 2 đến nhóm 8) đã bị khai thác trái phép. Ngoài số gỗ trên, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Ia Hdai còn thu giữ nhiều tang vật phương tiện như xe độ tự chế, máy cày... chuyển giao cho Công an huyện Ia Hdai tiếp tục điều tra làm rõ. (N.Như) |
Thiếu tá Nguyễn Duy Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Nam Đông cho biết, theo Chỉ thị số 12 về công tác phối hợp bảo vệ rừng VQG Bạch Mã, hằng năm, đơn vị luôn cắt cử lực lượng phối hợp với Kiểm lâm tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, đối tượng lâm tặc rất liều lĩnh và manh động. Trong đó có một số đối tượng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính nhiều lần về hành vi khai thác lâm sản trái phép, nhưng vì lợi nhuận từ việc khai thác gỗ rừng quá lớn nên chúng vẫn cố tình tái phạm. Đơn vị đã đề xuất với VQG Bạch Mã và UBND huyện Nam Đông tổ chức các lớp dạy nghề, tạo kế sinh nhai cho người dân vùng đệm, qua đó góp phần hạn chế vụ việc khai thác lâm sản trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. |