Kiên quyết xử lý sai phạm để chấm dứt tranh chấp tại chung cư

Thứ Năm, 13/05/2021, 08:59
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP liên quan đến bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư. Tuy nhiên đây mới chỉ là một mảng trong tranh chấp tại các chung cư.


Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Quản lý nhà và công sở - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện đang có rất nhiều chung cư phát sinh tranh chấp diện tích sở hữu chung, riêng; một số chung cư chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và một số chung cư khác lại chưa thành lập Ban quản trị. Khi tranh chấp xảy ra, dù UBND các phường, quận đã cùng Sở Xây dựng vào cuộc giải quyết ngay, song chuyện tranh chấp tại nhiều chung cư đến nay vẫn chưa có điểm dừng, thậm chí còn căng thẳng hơn. Đã vậy, việc tranh chấp căng thẳng còn xảy ra ngay ở những dự án chung cư cao cấp.

Cư dân đậu xe ôtô chắn lối xuống hầm để phản đối chủ đầu tư.

Tháng 4 vừa qua, hàng trăm cư dân các tòa nhà Ruby, Topaz, Sapphire thuộc dự án khu dân cư cao cấp Saigon Pearl ở quận Bình Thạnh đã bức xúc căng băng rôn lên ôtô, diễu hành quanh dự án để phản đối chủ đầu tư là Công ty TNHH VietNam Land SSG (Công ty VietNam Land SSG) tăng phí giữ xe một cách vô lý. 

Theo phản ánh của cư dân, ngày 10/8/2020 đại diện cư dân 3 tòa nhà này đã bất ngờ nhận được quyết định và của Công ty Vietnam Land SSG về việc tăng phí trông giữ xe năm 2020-2021. Theo đó, việc tăng phí trông giữ xe sẽ được chủ đầu tư áp dụng với khu vực tầng hầm của 3 tòa và phần vỉa hè đường D3 và tăng làm 2 đợt; đợt 1 từ 1/9/2020,  đợt 2 bắt đầu từ ngày 1/1/2021. Sau khi nhận được thông báo tăng phí giữ xe, ngày 27/8/2020, Ban quản trị các tòa nhà đã họp với Công ty Vietnam Land SSG. 

Tại cuộc họp này, Ban quản trị các tòa nhà đã nêu ra các lý do không tăng phí giữ xe của cư dân trong năm 2020. Cụ thể, hợp đồng trông giữ xe vừa được ký đầu năm 2020 chưa kết thúc theo thông báo của chủ đầu tư. 

Hơn nữa, theo đại diện các cư dân chung cư được xếp hạng cao cấp bậc nhất ở TP Hồ Chí Minh này, trong lúc đời sống cư dân đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, chủ đầu tư điều chỉnh tăng thu phí gửi xe của cư dân liên tiếp 2 lần trong vòng 3 tháng là không hợp lý. 

Dù cư dân phản ứng căng thẳng như vậy, song Công ty Vietnam Land SSG vẫn buộc cư dân trong 3 tòa nhà phải ký lại hợp đồng trông giữ xe ôtô của năm 2021 theo mẫu lập sẵn của công ty với mức giá 2 triệu đồng/tháng. Cư dân nào không đóng sẽ không được cho xe xuống hầm. Những cư dân đóng theo giá cũ là 1,54 triệu đồng/tháng sẽ chỉ được cho xuống hầm 20 - 25 ngày. 

Để biện minh cho mức phí giữ xe này, đại diện chủ đầu tư cho rằng căn cứ theo quy định của UBND TP Hồ Chí Minh về mức giá tối đa dịch vụ trông giữ xe bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn. Vụ việc cũng đã được UBND phường 22, quận Bình Thạnh vào cuộc, song gần như chỉ dừng lại ở mức ghi nhận tranh chấp giữa 2 bên.

Báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn vào cuối tháng 4 vừa qua của UBND TP Thủ Đức cho thấy, trên địa bàn 34 phường của địa phương này TP đã có 153 chung cư đang hoạt động. Trong đó có 100 chung cư thương mại, có 34 chung cư tái định cư, nhà ở xã hội, cư xá, nhà ở cũ… Tuy vậy, hiện cũng mới chỉ có 109 chung cư đã thành lập được Ban Quản trị và còn nhiệm kỳ hoạt động; 23 chung cư chưa đủ điều kiện tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu Ban Quản trị. 

Đối với khoản kinh phí bảo trì, hiện trên địa bàn TP Thủ Đức có 97 chung cư đã được chủ đầu tư chuyển kinh phí bảo trì cho Ban quản trị; 37 chung cư chưa bàn giao và 19 chung cư đã hết hoặc không có kinh phí bảo trì. Về cấp sổ hồng cho người mua nhà chung cư, hiện cũng mới chỉ có 82 chung cư có sổ hồng, 51 chung cư chưa được cấp sổ hồng dù người mua căn hộ dọn vào ở đã lâu. Đặc biệt, hiện trên địa bàn TP Thủ Đức vẫn còn tới 9 chung cư không có hệ thống PCCC; 8 chung cư có hệ thống PCCC nhưng đã xuống cấp.

Để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến tranh chấp quyền lợi trong các chung cư và ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ từ các chung cư, UBND TP Thủ Đức đã chỉ đạo UBND các phường có nhà chung cư đôn đốc việc bầu lại Ban Quản trị với những Ban quản trị chung cư đã hết nhiệm kỳ. 

UBND TP Thủ Đức yêu cầu, với những chung cư đủ điều kiện nhưng chưa thành lập Ban Quản trị, UBND các phường phải làm việc với chủ đầu tư để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Sau 30 ngày nếu chủ đầu tư không tổ chức hội nghị thì UBND phường có trách nhiệm dứng ra tổ chức. 

Để đảm bảo an toàn PCCC tại các chung cư, UBND TP Thủ Đức yêu cầu Công an TP Thủ Đức tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống PCCC. Sau đó đề xuất giải pháp khắc phục để đảm bảo yêu cầu với những chung cư đã có hệ thống PCCC; yêu cầu cải tạo, sửa chữa hệ thống PCCC tại những chung cư đã xuống cấp. Với những chung cư không được trang bị hệ thống PCCC, Công an phải xử lý ngay để đảm bảo an toàn. 

UBND TP Thủ Đức cũng yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu để đề xuất kiểm tra, xử phạt chủ đầu tư những chung cư đã bàn giao và đủ điều kiện cấp sổ hồng nhưng “chây ỳ” thực hiện cấp sổ cho cư dân. Đây là những cách làm kiên quyết mà TP Hồ Chí Minh cần yêu cầu các quận, huyện khác triển khai để ngăn chặn mâu thuẫn về quyền lợi giữa cư dân với chủ đầu tư nhà chung cư và góp phần đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân chung cư.

Theo ngành chức năng TP Hồ Chí Minh, trong số 935 chung cư cao tầng tại TP Hồ Chí Minh đã có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Trong đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp.
Đ.Thắng
.
.
.