Ai chống lưng cho Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 không phép?
- Truy nã Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô
- Hàng trăm sinh viên ở Hải Phòng kêu cứu vì Đại học Đông Đô1
- Khởi tố Hiệu trưởng cùng 3 cán bộ Trường Đại học Đông Đô
Như Báo CAND đã thông tin, ngày 17-8, trả lời một số cơ quan báo chí về việc trường ĐH Đông Đô có được đào tạo VB2 hay không, Bộ GD&ĐT đã khẳng định: Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Trường ĐH Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường này được đào tạo VB2.
Như vậy, theo lời khẳng định của Bộ GD&ĐT thì Trường ĐH Đông Đô không được phép đào tạo VB2 bất cứ ngành nào, và những ngành mà trường này đang đào tạo như cử nhân ngôn ngữ Anh, Luật Kinh tế…đều trái pháp luật. Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, thì Bộ GD&ĐT đã biết việc Trường ĐH Đông Đô đào tạo VB2, nhưng phải chăng Bộ đã lơ là thiếu trách nhiệm, không giám sát để ngăn chặn việc làm này, hoặc Bộ cố tình bỏ qua, để cho Trường này sai phạm chồng sai phạm trong đào tạo VB2 bất hợp pháp?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2018, vào ngày 12-10, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT do ông Phạm Xuân Hậu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm Trưởng đoàn cùng 4 thành viên khác đến từ Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Cơ sở vật chất, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Giáo dục Đại học đã kiểm tra cam kết thành lập trường đại học ngoài công lập năm 2018 tại Trường ĐH Đông Đô.
Biên bản kiểm tra cam kết thành lập trường đại học ngoài công lập năm 2018 tại Trường ĐH Đông Đô do Bộ GD & ĐT thực hiện vào tháng 10/2018. |
Đoàn kiểm tra đã làm việc tại trường từ 8h00 đến 17h ngày 12-10-2018. Địa điểm kiểm tra tại cơ sở của trường ĐH Đông Đô, địa chỉ: Số 60B, phố Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hai bên đã thống nhất số liệu kiểm tra, trong đó có số liệu kiểm tra thực tế ngành nghề, trình độ và quy mô đào tạo của Trường ĐH Đông Đô như sau: “Trình độ đại học 23 ngành gồm: Kiến trúc, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử, truyền thông, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Luật Kinh tế, Kế toán, Thông tin học, Quan hệ quốc tế, Việt Nam học, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quản lý nhà nước, Điều dưỡng, Thú y, Thương mại điện tử, Ngôn ngữ Nhật, Dược học, Xét nghiệm y học với quy mô 1.935 sinh viên chính quy, trong đó đại học chính quy 1.559 sinh viên, đại học liên thông chính quy 53 sinh viên, đại học VB2 chính quy 323 sinh viên”.
Như vậy, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã xác nhận Trường ĐH Đông Đô có đào tạo VB2. Cần phải nói thêm rằng, số lượng 323 sinh viên đang học VB2 tại Trường ĐH Đông Đô là con số không chính xác, vì chỉ riêng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, tại thời điểm tháng 3/2019, Trường đã đào tạo đến 3.800 học viên; riêng VB2 Luật Kinh tế mà Trường đang liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng đào tạo tại Hải Phòng (Báo CAND đã có bài phản ánh) lên đến gần 500 sinh viên.
Chưa hết, theo thông báo số 173 ngày 1/4/2015 của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký gửi Trường ĐH Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cho thấy, đơn vị này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo VB2 chính quy của Trường ĐH Đông Đô là 500.
Đến năm 2016, tại thông báo số 68 ngày 24/2/2016, cũng Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ GD & ĐT xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo VB2 chính quy năm 2016 của Trường Đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này tiếp tục do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký.
Năm 2017, theo thông báo số 136 ngày 7/3/2017, Vụ Kế hoạch - Tài chính tiếp tục xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo VB2 chính quy năm 2017 của Trường ĐH Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Trần Tú Khánh ký.
Bộ GD&ĐT chưa có văn bản cho phép Trường ĐH Đông Đô được đào tạo VB2, nhưng 3 năm liên tiếp, Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ lại xác nhận chỉ tiêu đào tạo VB2 cho trường này? Vì sao lại có sự “kì lạ” đó?
Hiện nay, văn bản pháp lý duy nhất để quy định về đào tạo VB2 là Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo Quyết định này thì việc đào tạo VB2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.
Một trong những cơ sở đào tạo của Trường ĐH Đông Đô. |
Và cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT (Qua Vụ Giáo dục Đại học và Vụ Kế hoạch - Tài chính) về việc cho phép đào tạo VB2. Nhưng về phía Bộ GD&ĐT lại khẳng định “chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Trường ĐH Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2”. Đáng chú ý, Quyết định số 22 đến nay đã tồn tại được 18 năm, quá lạc hậu, lỗi thời và hiện vẫn chưa có văn bản thay thế.
Hiện không hiểu vì sao Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố danh sách những cơ sở đào tạo được phép đào tạo VB2, điều này khiến người học mù thông tin, đặt niềm tin vào những chiêu quảng cáo chiêu sinh, tuyển sinh mà Trường ĐH Đông Đô đã thực hiện (như việc liên kết với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hải Phòng để tuyển sinh, đào tạo).
Việc không minh bạch thông tin này đã gây ra nhiều hệ lụy xấu, khiến hàng trăm học viên VB2 đang “sống dở chết dở” vì đã hoàn thành thi tốt nghiệp, đã quá thời hạn cấp bằng nhưng hiện vẫn chưa được cấp bằng, trong khi nguyên hiệu trưởng và một số cán bộ trường này bị khởi tố, chủ tịch hội đồng quản trị thì bị truy nã…
Theo Bộ GD&ĐT thông tin, triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018). Tuy nhiên, Trường ĐH Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra. Lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong. Và từ đó đến nay, Bộ GD & ĐT chưa triển khai tiếp kế hoạch thanh tra Trường ĐH Đông Đô. |