Khốn khó vì dự án… treo

Thứ Sáu, 22/01/2016, 09:42
Từ bao đời nay, người dân xã biển bãi ngang Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) luôn bị đói nghèo đeo bám. Con cái lớn lên học chưa hết cấp hai, cấp ba đã phải khăn gói vào miền Nam kiếm sống. 

Cũng vì thế, nơi đây còn lại chủ yếu người già và trẻ nhỏ, cuộc sống dựa vào mấy sào ruộng, đánh bắt con cá, con tôm ở gần bờ. Cách đây chừng 10 năm, hay tin sẽ có nhiều dự án đầu tư vào dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng (DVDL&ND) ở địa phương, bà con vui như mở cờ trong bụng. Người người, nhà nhà đều phấn khởi, tự nguyện để Nhà nước thu hồi đất sản xuất nhằm phục vụ các dự án nói trên. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, những dự án này vẫn nằm… bất động, khiến cho bao người dân nơi đây vốn đã nghèo lại thêm khó…

Các bãi biển Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang, huyện Gio Linh; Cửa Tùng, Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đẹp như tranh. Ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang, cho hay, do lợi thế này nên ngay sau khi con đường quốc phòng dọc bờ biển nối các xã biển của 4 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh được hoàn thành, không ít doanh nghiệp, đại gia ở nhiều nơi đã rục rịch việc đầu tư phát triển DVDL&ND ở những nơi này. 

Riêng xã Trung Giang, năm 2007 và 2008, một ngân hàng có chi nhánh tại TP Đông Hà (Quảng Trị) và Công ty CP Thương mại – Dịch vụ Kỹ nghệ Nga Việt (trụ sở 164 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đặt vấn đề xây dựng 2 khu DVDL&ND quy mô lớn tại đây.

Trước thực trạng của xã biển bãi ngang khó khăn về phát triển đánh bắt thủy hải sản; sản xuất nông nghiệp cầm chừng do diện tích đất ít, lại không được màu mỡ, chính quyền và người dân địa phương vì thế đồng thuận ngay với việc làm kể trên của các doanh nghiệp.

Một trong nhiều dự án treo ở xã ven biển Trung Giang.

Theo đó, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Trị đã thu hồi gần 37ha đất sản xuất nông nghiệp tại đây giao cho các đơn vị trên triển khai thực hiện dự án. Nhưng từ đó đến nay, các dự án này vẫn nằm… bất động, gây ra nhiều điều tiếng ở huyện, tỉnh; làm xáo trộn các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân bức xúc do không có công ăn việc làm như cam kết của các nhà đầu tư, trong khi đó quỹ đất đai vốn để phát triển sản xuất đã mất đi, khiến cho đời sống của bà con ngày càng trở nên khó khăn, túng thiếu… 

Chúng tôi ra biển Trung Giang, mùa này chỉ có gió, cát và sóng biển. Vài quán xá được người dân xây nên trên những rẻo đất nhỏ hẹp, “sót lại” cạnh hàng chục hécta đất của các doanh nghiệp, đại gia đã “xí phần”. 

Hỏi thực trạng cuộc sống của người dân, ông Hồ Văn Hiệp (70 tuổi, thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang) nói như than: “Cực lắm mấy chú ơi! Bao đời nay bà con bám biển mà không đủ ăn, sau này người làng lớp trẻ dần đi hết vào miền Nam kiếm việc. Người già không còn có thể ra khơi bám biển nên sống dựa vào chỉ mấy sào đất ven biển. Nhưng nay đất cũng không còn! Diện tích đất đai sản xuất rộng lớn đó đã bị người ta rào lại hết cả rồi…”. 

Theo hướng tay ông Hiệp, khu đất rộng hàng chục hécta nằm ngay cạnh con đường quốc phòng và đường thảm nhựa dẫn từ biển vào trung tâm xã, đã bị rào kín bằng tôn và cọc sắt. Bên trong khu đất không có công trình xây dựng nào, ngoại trừ một ki-ốt bỏ hoang lâu ngày, phía trước là dãy rào tôn bọc lại có ghi dòng chữ màu đỏ to đậm: “Cấm vào”.

Từ đây đi hơn 100 mét về phía Cửa Việt là khu đất rộng lớn của một dự án DVDL&ND khác, của Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Kỹ nghệ Nga Việt. Trước đây, đơn vị này cũng đã rào lại nhưng do sau nhiều năm không thực hiện dự án, bị người dân, chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị, phán ánh, nên buộc phải tháo dỡ hàng rào cho người dân sản xuất trở lại. 

Dọc theo con đường quốc phòng chừng 5km là thị trấn Cửa Tùng. Tại đây cũng có cắm một tấm biển hoành tráng của Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Kỹ nghệ Nga Việt về đầu tư xây dựng khu DVDL&ND rộng hơn 25ha. Nhưng cũng đã nhiều năm qua, nhà đầu tư không động tĩnh gì trên khu đất mà họ đã được cấp.

Trên đường trở lại Cửa Việt, chúng tôi gặp cụ Hồ Mới (86 tuổi, thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang) đi làm đồng về, đứng thẫn thờ bên tấm bảng không còn một chút tin tức của Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Kỹ nghệ Nga Việt. Hỏi chuyện, cụ Mới buồn bã, thắc mắc: “Họ (đơn vị được cấp đất thực hiện dự án) cắm tấm biển ri rồi đi mà không biết họ có thấu hiểu được nỗi khổ của người dân bầy tui không các chú hè!?”. Lời ông Mới làm chúng tôi mãi day dứt…

Phan Thanh Bình
.
.
.