Khi nắm đấm thay lời chúc xuân

Thứ Ba, 23/02/2016, 20:08
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong 5 ngày Tết Nguyên đán Bính Thân (tính từ ngày 29 tết), các bệnh viện toàn quốc đã tiếp nhận hơn 3.400 ca nhập viện do đánh nhau, trong đó số ca tử vong đã tăng vọt so với Tết Ất Mùi 2015.


Số liệu năm ngoái là 195 nghìn ca khám cấp cứu với hơn 6 nghìn người phải nhập viện do thương tích trong 3 ngày Tết. Ngày cao nhất có 900 ca nhập viện, trong đó có 11 người tử vong. Những con số rùng rợn ấy đã báo hiệu những diễn biến bất thường trong xã hội.

Làm gì để bảo đảm an toàn khi tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng và ứng xử thế nào nếu chẳng may bị cuốn vào một cuộc ẩu đả là điều nhiều người quan tâm trước khi có những giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi bạo lực trong đời sống.

Khi "ma men" dẫn lối

Cuộc ẩu đả ở nhà bác tôi trong bữa cơm tất niên ấy có nguyên nhân ban đầu rất đơn giản. Chỉ là mấy anh em đi làm ăn xa lâu ngày không gặp, Tết về tay bắt mặt mừng, kéo nhau vào mâm nâng chén ly bôi để dốc lòng cởi dạ. Chuyện vui qua nhanh khi trong mâm xuất hiện lời châm chọc, giễu cợt nhau xem chừng suồng sã của những người anh em trong họ mạc.

Ẩu đả trong dịp Tết.

Người em sẵn men rượu bốc phừng phừng, dằn chén không uống rồi chửi thề. Ông anh lấy quyền trưởng thượng bề trên, cất giọng trách mắng. Lời qua tiếng lại kết thúc khi cậu em hất đổ mâm cỗ, nhường chỗ cho cuộc "so găng" tức thì bên chiếu rượu. Trong cơn "bốc hỏa", anh em họ lao vào nhau với những quả đấm chí mạng. Phải vất vả lắm người nhà mới giằng được họ ra.

Sau câu chửi thề vĩnh viễn không nhìn mặt nhau, cậu em lẳng lặng vào buồng thu xếp hành lý rồi ra đường đón xe khách đi mất, bỏ lại sau lưng cái nhìn ngơ ngác của đám con trẻ cùng nét buồn hiu hắt trong mắt người già. Tôi cũng rời nhà ông bác mà lòng trĩu nặng, bên tai vẫn văng vẳng câu hỏi chua chát: "Đâu rồi tục cũ nếp xưa? Đâu rồi ân tình buổi xuân thiên tiết mới? Xã hội này rồi sẽ về đâu?".

Những trận ẩu đả trong những ngày Tết có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong mỗi gia đình hay ngoài đường cái hoặc tại các địa điểm công cộng. Lý do dẫn đến bạo lực có "ngàn lẻ một", nhưng tựu trung đều dưới tác động của hơi men. Lễ tết là khoảng thời gian của hội hè, gặp gỡ, ăn nhậu. Ở một đất nước mà thói quen thù tạc, bầu bạn cùng rượu chè đã "ngấm vào máu", nên quãng thời gian này ẩn chứa những nguy cơ bùng nổ bạo lực dưới tác động của cồn.

Bình thường trong trạng thái tỉnh táo, người ta có thái độ đúng mực và kiềm chế khi xảy ra va chạm, xích mích trong đời sống. Nhưng khi đã ngấm hơi men, khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi sẽ tỷ lệ nghịch với lượng cồn tiêu thụ. Khi đó, chỉ cần một kích thích, xung động thần kinh nhỏ, có thể dẫn đến những phản ứng thái quá. Người trong cuộc sẵn sàng làm những việc để đến lúc tỉnh rượu mới ngập tràn ân hận.

Thiếu úy Lê Nghiệp (cán bộ Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) cho biết: "Trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông trên đường, chúng tôi đã chứng kiến và can thiệp, giải tán nhiều vụ va chạm, ẩu đả giữa những người tham gia giao thông. Nhất là vào dịp lễ tết, tình trạng người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tăng cao. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, mà còn là chất xúc tác dẫn đến các cuộc xô xát, đánh nhau khi có va quệt phương tiện.

Tôi từng chứng kiến một nhóm thanh niên choai choai mặt đỏ phừng phừng, lao xe với tốc độ cao nên va chạm với nhóm khác. Thế là không có đến một giây để phân bua, cả hai bên lao vào "ăn sống, nuốt tươi" nhau với chân tay, gạch đá và hung khí cầm theo. Thường thì xảy ra các cuộc đánh lộn như vậy, những người xung quanh không dám xông vào can ngăn vì sợ liên lụy, dính đòn oan. Cho nên sự việc thường đi rất xa so với nguyên nhân ban đầu. Đã có nhiều vụ án mạng thương tâm, người chết, kẻ vào tù bởi một giây thiếu kiềm chế và không biết ứng xử…".

Bác sỹ Nguyễn Văn Quang (Bệnh viện Bạch Mai) dự đoán: "Trong những ngày tới đây, khi mà mùa lễ hội bắt đầu, rất có thể các ca nhập viện vì đánh nhau sẽ tiếp tục gia tăng". Tán thành với nhận định trên, Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường (Trường ĐHQG Hà Nội) phân tích: "Theo tôi được biết, hiện nay vẫn chưa tìm ra được những giải pháp khả thi để đẩy lùi tình trạng bạo lực cộng đồng trong dịp lễ tết.

Phòng ngừa bạo lực phải từ ý thức của mỗi người dân. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này và bảo đảm một môi trường sống an toàn, mọi người nên hiểu những nguyên nhân phổ biến dẫn đến xung đột, tâm lý của kẻ gây chuyện. Quan trọng nhất là phải có cách ứng xử phù hợp trong những tình huống nguy hiểm".

Vẫn theo Thạc sỹ Cường, tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn chính là yếu tố quan trọng chi phối, dẫn dắt hành xử trong những cuộc hỗn chiến có đông người tham gia. "Nghiên cứu tâm lý học hành vi chỉ ra rằng, những đám đông thường bị tác động bởi vô thức, bị cuốn theo diễn biến sự kiện và để bản năng (tự vệ, tranh giành, thú tính…) dẫn dắt hành động, hoặc bị chi phối và làm theo như một cái máy bởi hiệu lệnh của một kẻ cầm đầu, dẫn dắt.

Lúc đó, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ xuống mức thấp nhất, chỉ có thể cảm nhận sự việc bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng. Họ không kiên định, thất thường, đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Ngoài ra, người tham gia một cuộc ẩu đả còn chịu sự chi phối của tâm lý bầy đàn, xuất phát từ cảm giác sợ hãi "bị loại ra khỏi nhóm", nếu không có phản ứng tương thích, phù hợp với số đông có quan hệ với mình. Những đặc điểm tâm lý này thúc đẩy con người ta lao vào đánh đập, hành hạ đồng loại của mình, mặc dù nguyên nhân chẳng có gì lớn" - ông Cường phân tích.

"Tránh voi chẳng xấu mặt nào"

Làm gì để không bị lôi cuốn vào một vụ ẩu đả và thoát khỏi nó bằng cách nào nếu chẳng may bị "dính" vào, là điều không phải ai cũng biết. Võ sư Đào Hoàng Long (môn phái Nhất Nam) tư vấn: "Nhiều người vô tình bị cuốn vào, hay trở thành nạn nhân tình cờ của các cuộc ẩu đả tại nơi công cộng, trên đường giao thông vì… tò mò. Theo tôi, khi gặp phải một trận loạn đả có đông người tham gia, với hung khí dao gậy hay súng ống, thì tốt nhất là tránh cho xa khu vực ấy.

Cấp cứu nạn nhân bị đánh tại bệnh viện.

Tuyệt đối không dừng lại xem chỉ vì tò mò bởi "đao kiếm vô tình" hay "đạn lạc". Nếu đó là một xô xát nhỏ và có nhiều người đang can ngăn thì bạn nên tìm cách khôn khéo can thiệp. Tâm lý của kẻ gây chiến khi đó thường là sỹ hão, thích thể hiện bản lĩnh, máu anh hùng rơm. Nếu trong cách nói hòa giải, ta tỏ ra công nhận vai trò của anh ta và khơi gợi tâm thế bề trên, thì anh ta sẽ "tha" cho nạn nhân. Cần tỉnh táo khi quyết định can thiệp vào một vụ ẩu đả có nguy cơ biến thành xung đột lớn.

Nếu tự thấy không có đủ khả năng về uy tín hay võ thuật dẹp nó, hoặc không có trách nhiệm giải tán đám đông… thì tốt nhất là tránh cho xa. Bởi vì chính bạn có thể trở thành bị hại tiếp theo khi xen vào đám đông đang kích động và mất trí, vì bị nhầm là đồng bọn của kẻ họ đang trút giận. Tuy bỏ đi, nhưng bạn vẫn có thể giúp đỡ nạn nhân, hay ngăn chặn hậu quả xấu bằng cách gọi 113, hoặc báo CSGT, CSTT đang làm nhiệm vụ trên đường. Sự có mặt của cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng "hạ nhiệt" những cái đầu nóng".

Trường hợp chẳng may chính mình là nạn nhân của đám đông hung hãn đó, võ sư Long cho biết, cách thoát ra khỏi một cuộc ẩu đả là tránh hẳn nó đi, ngay cả khi nó tự tìm đến mình. "Các cụ dạy "Tránh voi chẳng xấu mặt nào", vậy hãy tránh xung đột bằng chính nguyên tắc ứng xử "Bất tranh" của Lão Tử, ngay khi việc chưa xảy ra. Thực tế, trong các vụ xô xát, người ta chỉ bốc hỏa dẫn đến hành động mất kiểm soát khi tranh giành nhau. Đó có thể là tranh phần đúng, tranh vị thế, sỹ diện hão.

Khi tôi đã không tranh với anh thì anh chẳng còn lý gì để tranh với tôi. Xử sự trên thực tế là cách nói năng mềm mỏng, không đôi co vì sỹ diện, sẵn sàng nhận sai và xin lỗi đối phương. Nếu đã xử nhũn, mà đối phương vẫn hùng hổ xấn tới thì giải pháp khôn ngoan là chạy.

"Tẩu vi thượng sách" mà. Hãy chạy vào nhà dân, chạy đến các chốt Công an đang làm nhiệm vụ trên đường, vừa chạy vừa kêu cứu. Lượng calo bỏ ra để chạy cũng không lớn hơn để dùng vào việc đánh nhau, mà còn an toàn hơn. Chạy khỏi khu vực nguy hiểm không hề là hèn nhát, mà đó là cách mạnh mẽ nhất để bạn bảo vệ bản thân mình.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những tình huống nạn nhân bị "đuổi cùng giết tận". Khi ấy nên nhớ rằng pháp luật dành cho bạn quyền phòng vệ chính đáng. Bạn có quyền tự vệ bằng những phương tiện, biện pháp mà bạn cảm thấy cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công đang thực tế diễn ra. Kể cả bạn gây ra những thiệt hại cho kẻ tấn công thì hành vi đó cũng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì tính chất phòng vệ đã loại bỏ tính nguy hiểm của hành vi chống trả" - võ sư Long khuyến cáo.

Để ngăn ngừa từ gốc những mầm mống phát sinh bạo lực, Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường tư vấn: "Trong đời sống hằng ngày, mọi người nên tạo lập những mối quan hệ tốt, biết lắng nghe và chia sẻ với nhau để tránh hiềm khích. Trong giao tiếp xã hội luôn để ý tiết chế cảm xúc, cẩn trọng trong giao tiếp, tránh những hiềm khích, xung đột không đáng có.

Còn khi đã xảy ra xích mích giữa hai bên thì phương châm xử lý là giữ bình tĩnh, cố gắng giải quyết nhẹ nhàng bằng lời nói. Nếu thấy đối phương có dấu hiệu say xỉn, muốn gây sự, tốt nhất là hãy tìm mọi cách thoát thân. Cuối cùng, việc tự trang bị những kiến thức võ thuật, những động tác tự vệ sẽ không bao giờ là thừa trong những tình huống xấu nhất".

Đào Trung Hiếu
.
.
.