Khi chủ đầu tư dự án bỏ của trốn nợ
- Nhiều dự án bỏ hoang gây bức xúc cho người dân
- Dự án bỏ hoang, công trình trái phép “trồi” lên
- Hệ lụy từ những dự án 'treo'
Điển hình, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế của Công ty CP Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam, tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. Năm 2008, dự án Vinconstec được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép xây dựng trên khu đất rộng 240ha, nằm bên phá Tam Giang, có mặt tiền là quốc lộ 49B, với số vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đã thuê nhiều lao động địa phương; thuê phương tiện vận tải, mua sắm vật liệu, trang thiết bị từ một số đại lý trên địa bàn và các xã lân cận để phục vụ cho dự án. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, khi nhiều dãy nhà cao tầng của dự án được hoàn thành phần thô cũng là thời điểm dự án ngừng triển khai, chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công… “bỏ của chạy lấy người”.
Dự án Vinconstec bỏ hoang suốt nhiều năm qua. |
Bà Hồ Thị Thu Thủy, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở xã Phú Thuận, bức xúc nói: “Khi dự án triển khai, đại diện đơn vị thi công đã đến cửa hàng tôi để mua thêm một số vật liệu xây dựng. Họ nói do vật liệu ở các công ty ký hợp đồng với dự án cung ứng chậm nên phải mua thêm bên ngoài để thi công kịp tiến độ. Tổng cộng họ đã nợ gia đình tui gần 50 triệu đồng tiền vật liệu, nhưng đến nay vẫn không thấy quay lại trả”.
Chung cảnh ngộ, anh Trần Văn Duế, ngụ ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, đại diện cho 4 chủ tàu hút cát ở địa phương ký hợp đồng với Công ty Vinconstec - Chi nhánh ở Huế, cung cấp cát, sạn cho dự án, nói: “Để kịp tiến độ trong hợp đồng, tui đã vay mượn ngân hàng hàng chục triệu để mua thêm một chiếc tàu hút cát; nhưng giờ dự án còn nợ khoảng 50 triệu đồng nên không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng và tiền thuê nhân công. Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện đến công ty, nhưng không ai nghe máy, giờ vợ chồng tôi chẳng biết làm sao khi nợ nần chồng chất!”…
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận: Ngoài các trường hợp kể trên, dự án Vinconstec còn nợ tiền công của nhiều lao động thời vụ ở địa phương và các xã lân cận. Trong đó, có khoảng 20 hộ dân từng có hợp đồng làm việc tại dự án Vincostec bị nợ số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể như trường hợp anh Nguyễn Văn Giàng bị nợ số tiền 48 triệu đồng; ông Đào Trọng Cường 50 triệu đồng; ông Trần Thanh Việt trên 150 triệu đồng tiền chở vật liệu xây dựng...
Tương tự, gần 2 năm qua, dự án xây dựng nhà máy năng lượng pin mặt trời được đầu tư xây dựng tại xã Phong Hòa (Phong Điền), với số vốn trên 6.200 tỷ đồng đã trở thành “con nợ” của nhiều hộ dân địa phương. Theo lãnh đạo UBND xã Phong Hòa, dự án này không những không đem lại nguồn lợi gì cho địa phương mà ngược lại, nhiều hộ dân trong vùng còn bị phía dự án và đơn vị xây dựng “quỵt” các khoản tiền mua sắm vật liệu, tiền công, tiền thuê nhà ở...
Một trong những “chủ nợ” của dự án là ông Lê Văn Lương, chủ đại lý Lương Nhung chuyên cung cấp vật liệu xây dựng ở thị trấn Phong Điền. Hiện ông Lương vẫn đang bị phía dự án nợ trên 20 triệu đồng tiền mua xi măng, gạch bờ lô và đá. Ông Đoàn Viễn, thôn Trạch Thượng, thị trấn Phong Điền bị nợ 40 triệu đồng tiền thuê nhà ở và ăn uống...
Qua tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có hàng loạt dự án xây dựng theo kiểu nửa vời rồi bỏ hoang. Ngoài việc gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, tiền bạc thì các dự án này còn nợ một số tiền khổng lồ đối với người dân địa phương trong quá trình xây dựng dự án, phần lớn là tiền cung ứng nguyên vật liệu xây dựng, tiền công lao động...
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, phần lớn các dự án được cấp phép, nhưng không triển khai xây dựng là do thiếu vốn. Về vấn đề chủ đầu tư dự án nợ tiền, người dân nên gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng để có căn cứ giải quyết trong quá trình làm việc với nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi cho người lao động...