Khẩn trương xử lý ô nhiễm tại khu xử lý rác Đại Hiệp
Hiện tại, người dân thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp đã lập nên một barie ngay trước cổng khu chứa và xử lý rác thải Đại Hiệp ngăn không cho xe chở rác vào bên trong. Khi chúng tôi đến đây, một số công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đang tất bật với công việc phun hóa chất, xử lý mùi.
Các công nhân này cho biết, từ ngày 18-2 đến nay, do người dân địa phương ngăn cản, không cho xe chở rác vào khu xử lý nên các hoạt động tại đây bị ngưng trệ. Khu xử lý rác thải Đại Hiệp có diện tích khoảng 6ha, đi vào hoạt động từ năm 2003 để chứa và xử lý rác thải sinh hoạt cho các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và một phần thị xã Điện Bàn.
Theo kế hoạch, năm 2017, khu xử lý này phải đóng cửa, song do tỉnh Quảng Nam chưa tìm được vị trí xây dựng khu xử lý rác thải mới để thay thế; đồng thời do các khu xử lý rác thải tập trung tại xã Tam Xuân 2 và xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, sức chứa không còn nhiều, lại phải đảm bảo thu gom, xử lý rác thải cho một số địa phương phía Nam của tỉnh nên buộc phải tiếp tục duy trì hoạt động khu xử lý rác thải Đại Hiệp.
Công nhân phun hóa chất xử lý mùi hôi tại khu xử lý rác Đại Hiệp. |
Tuy nhiên, việc khu xử lý rác thải Đại Hiệp chậm đóng cửa đã gây bức xúc cho người dân sống xung quanh khu vực này. Ông Huỳnh Văn B., người dân thôn Phú Quý, cho rằng, việc chậm đóng cửa khu xử lý rác thải Đại Hiệp đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân trong thôn. Ngày 18-2, tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc tổ chức họp dân nhưng cơ quan chức năng không trả lời cụ thể đến khi nào thì đóng cửa khu xử lý rác Đại Hiệp. Người dân rất cần câu trả lời cụ thể, rõ ràng về sự việc...
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thanh Cảng, Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, nói rằng, khu xử lý rác thải Đại Hiệp nằm trên phần đất do thị trấn Ái Nghĩa quản lý, giáp ranh với xã Đại Hiệp và người dân thôn Phú Quý, Đại Hiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi khu xử lý rác này. Ngoài việc bị ảnh hưởng môi trường, do hệ thống xử lý nước của khu xử lý rác không đảm bảo nên đã gây ra tình trạng thẩm lậu nước thải ra khu vực cánh đồng An Phong có diện tích khoảng 11ha, gây thiệt hại hoa màu của bà con nông dân.
Sáng 18-2, các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại với người dân địa phương, song không có kết quả nên chiều cùng ngày, người dân đã lập barie để cản trở không cho xe chở rác vào khu xử lý rác Đại Hiệp. Việc người dân ngăn cản không cho xe chở rác vào khu xử lý rác Đại Hiệp đã gây ùn ứ lượng lớn rác thải tại một số địa phương. Riêng xã Đại Hiệp, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 tấn rác thải sinh hoạt.
Để giải quyết tạm thời số lượng rác thải này, chính quyền xã Đại Hiệp đã chọn khu vực Đồng Miếu rộng khoảng 3.000m2 để làm điểm tập kết rác tạm. Ngoài ra, xã Đại Hiệp cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng khảo sát để đưa nước sạch sinh hoạt về cho 180 hộ dân thôn Phú Quý sử dụng.
Theo ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trước việc người dân ngăn cản không cho xe chở rác vào khu xử lý rác Đại Hiệp, cùng với việc chỉ đạo của cơ quan chức năng đảm bảo ANTT tại khu vực, thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc sẽ tổ chức họp các đơn vị liên quan để tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhằm tìm kiếm sự đồng thuận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình, xử lý dứt điểm tình trạng rò rỉ nước gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành lệnh khẩn cấp theo đúng quy định đối với công trình gia cố đê bao, xây dựng hộc chứa rác dự phòng, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác công trình khu xử lý rác Đại Hiệp. Hiện, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thống nhất triển khai chủ trương này với kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao UBND huyện Đại Lộc tập trung khảo sát, lựa chọn vị trí đầu tư khu xử lý rác thải tại xã Đại Nghĩa thay thế cho khu xử lý rác Đại Hiệp. Trên cơ sở các vị trí đã khảo sát, lựa chọn, UBND huyện Đại Lộc khẩn trương có ý kiến để Sở TN&MT làm căn cứ báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam quyết định.