Xung quanh việc di dời tàu thuyền nhà nổi Hồ Tây: Kết luận thanh tra vẫn là một ẩn số?
- Nghịch lý, nhà hàng nổi vẫn đang bị thả nổi
- Kiểm tra tàu, nhà hàng nổi trên đường thủy
- Xử phạt một nhà hàng nổi trên sông Hương
Cắt điện, nước nhà hàng vẫn... hoạt động
Mới đây, đi một vòng quanh khu vực nhà hàng nổi ven Hồ Tây đầu đường Thụy Khuê, chúng tôi ghi nhận một vài nhà hàng vẫn bật đèn đón khách. Dừng chân trước nhà hàng nổi POTOMAC, hỏi thăm bảo vệ, thì anh này cho hay, nhà hàng vẫn nhận đặt tiệc và đón khách.
Quả thật, với lượng khách vào ra liên tục, thì khó ai có thể nghĩ con tàu này đã dừng hoạt động. Đi sâu thêm chút nữa, vài ba nhà hàng vẫn thấy sáng đèn, nhân viên vẫn đứng ở cổng sẵn sàng đón khách...
Sau đó, chúng tôi đến Ban quản lý Tây Hồ, một vị lãnh đạo tại đây cho biết, cách đây 2 tuần, chính thức điện lực Tây Hồ đã cắt toàn bộ hệ thống điện 3 pha của các nhà hàng này. Tối sẽ không nhìn thấy họ hoạt động. Còn chuyện nhà hàng đón khách chắc chỉ là “đón vụng” lúc lực lượng chức năng vắng mặt.
Vị này cũng cho hay, theo văn bản mới nhất của Hà Nội, thì trong quá trình chờ xây dựng bến mới, sẽ ngừng di chuyển các nhà nổi. Song cũng sẽ cấm hoàn toàn hoạt động. Thực tế, về mặt văn bản vẫn có cả kế hoạch đề nghị lực lượng chức năng chốt chặt tại khu vực này trong quá trình tạm dừng.
Ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận có hiện tượng các nhà hàng “thi thoảng” hoạt động đón khách. Có lần lực lượng thanh tra kiểm tra, thì họ chống chế bằng cách bảo “người nhà” xuống trông thuyền, khiến lực lượng thanh tra nhiều lúc “bó tay”.
Nhà hàng nổi vẫn chình ình trên Hồ Tây phía đường Thụy Khuê. |
Sở GTVT “né” công bố kết quả thanh tra?
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cơ quan chức năng làm nghiêm. Từ cuối tháng 6-2016, tại một cuộc họp báo do Sở GTVT Hà Nội tổ chức, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, một đoàn thanh kiểm tra đã được lập để kiểm tra lại toàn bộ các nhà hàng tàu thuyền sử dụng bến bãi neo đậu trên khu vực Hồ Tây.
Sau đó, sẽ xem xét cấp phép hoạt động bến thuỷ cho các đơn vị có đủ điều kiện hoạt động tại bến mới ở khu vực Đầm Bẩy (Hồ Tây). Đối với những đơn vị không đủ điều kiện hoạt động sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, người dân, doanh nghiệp đều ngóng cơ quan chức năng.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với trưởng đoàn thanh kiểm tra là ông Nguyễn Việt Phương, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, để hỏi về kết quả thanh tra và hướng xử lý, đều nhận được câu trả lời chung chung là “chưa có”, “đang làm dự thảo”...
Sang đến Ban thanh tra, một trong những đơn vị phối hợp cùng Sở tham gia đoàn thanh kiểm tra, phóng viên cũng chỉ nhận được câu trả lời “không biết”. Lên đến UBND quận Tây Hồ thì được hay, việc xây dựng bến mới tại Đầm Bẩy đã được Ủy ban TP Hà Nội yêu câu quận bàn giao cho Sở Xây dựng thực hiện, nên giờ quận không thể nói gì về tiến độ bến mới.
Không hiểu vì sao cho đến thời điểm này kết luận thanh tra về hoạt động bến thuỷ của các nhà hàng nổi trên Hồ Tây vẫn là một ẩn số? Trong khi đó hàng ngày doanh nghiệp thì hoạt động lén lút, lực lượng thanh tra thì phải cử người canh gác, người dân thì mong cơ quan chức năng không “đánh trống bỏ dùi”...
Trước đó, thống kê của quận Tây Hồ cho thấy, có 13 đơn vị kinh doanh, hoạt động tại khu vực Hồ Tây với hơn 100 phương tiện thủy gồm nhiều chủng loại khác nhau. Hầu hết các doanh nghiệp này đều không đảm bảo các điều kiện về hoạt động bến thủy nội địa, nên Hà Nội đã yêu cầu di dời. Tuy nhiên do bến mới tại Đầm Bảy đến nay vẫn chưa được xây dựng xong, nên thời gian này các tàu thuyền vẫn tạm thời neo đậu tại khu vực Hồ Tây đường Thụy Khuê.
Trong khi đó, một trong những nguyên nhân khiến các nhà hàng nổi tại Hồ Tây phải di dời là tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Ngay cạnh các nhà hàng nổi, cạnh đường Nguyễn Đình Thi, Thanh Niên, Thụy Khuê có rất nhiều rác thải, bèo, cây dại, cá chết…, khiến nước hồ tại một số điểm chuyển sang màu đen như nước thải.