Hiểm họa từ vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng

Thứ Ba, 17/07/2018, 08:26
Theo báo cáo của ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm địa phương sử dụng hơn 200 tấn hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tương đương 20 tấn vỏ bao bì, thuốc tồn đọng trong bao bì cần được xử lý. Tuy nhiên khâu thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đang gặp phải khó khăn khi chưa tìm được biện pháp xử lý triệt để.

Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh xây dựng được hơn 1.300 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Số bể này chỉ đáp ứng được nhu cầu khoảng 60-70% tại các địa phương. 

Cùng với đó hầu hết các địa phương vẫn chưa có khu vực lưu chứa cũng như nhà máy rác chuyên xử lý vỏ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Điều này gây khó khăn trong thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV. Hiện đa số các địa phương vẫn xử lý tình trạng này bằng cách đốt chung với rác thải sinh hoạt. Cách làm này vẫn chưa giải quyết triệt để khi khói thuốc dễ phát tán gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Thuốc BVTV sử dụng không đúng quy định nguy hại đến sức khỏe con người.

Kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh) cho thấy đa số các hộ dân sau khi sử dụng thuốc BVTV thường vứt vỏ bao bì bừa bãi ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ khiến môi trường khu vực nông thôn rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đang trình phê duyệt Dự án xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và tiêu hủy bao gói tồn đọng, thuốc BVTV ngoài danh mục, hết hạn năm 2018-2020, với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ khởi động làm thí điểm xây dựng bể chứa, khu lưu chứa, thu gom, vận chuyển trên địa bàn thị xã Đông Triều, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương.

V.Huy
.
.
.