Hàng trăm hộ dân đôi bờ sông Krông Nô kêu cứu vì sạt lở

Thứ Hai, 26/03/2018, 12:19
Từ giữa năm 2017 đến nay, hàng trăm hộ dân có nhà và đất canh tác nằm dọc bờ sông Krông Nô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) phải luôn sống trong nỗi thấp thỏm vì bờ sông bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng mà nguyên nhân do thủy điện xả nước và nạn khai thác cát bừa bãi trên sông...


Mất đất, mất nhà vì sạt lở

Giữa cái nắng tháng ba oi nồng của trời Tây Nguyên nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Lý (53 tuổi, trú tại thôn Quảng Hòa, xã Nâm Nđir, huyện Krông Nô) vẫn tranh thủ thu vội những luống khoai non chưa đến kỳ thu hoạch trồng dọc bờ sông. Theo bà Lý, nếu không thu hoạch sớm, toàn bộ số khoai bỏ bao công chăm sóc này sẽ bị cuốn trôi xuống sông bất cứ lúc nào. 

Một đoạn bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng.

Chỉ tay về mép sông, bà Lý cho hay, mảnh đất gia đình bà trước đây rộng hơn 1,2ha nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 7 sào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở khiến nhà bà bị mất đất là do việc khai thác cát vô tội vạ cộng thêm nhà máy thủy điện xả nước làm dòng chảy bị thay đổi.

“Nhà tôi mua mảnh đất này canh tác từ những năm 2000. Nhà có 4 miệng ăn, tất cả phụ thuộc vào đây để sinh sống. Giờ đất bị sạt lở gần hết, kêu lên chính quyền xã nhiều lần nhưng không thấy hồi âm gì. Các anh thấy đó, tàu hút cát ầm ầm như thế kia, cộng thêm mỗi khi nhà máy thủy điện xả nước về thì sao không sạt lở cho được”, bà Lý bức xúc nói.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Đỗ Sơn Lâm (36 tuổi, trú thôn Quảng Hòa, xã Nâm Nđir) đến nay đã phải 5 lần chuyển nhà vì sạt lở. Anh Lâm cho biết, đầu năm 2002, gia đình anh từ Đắk Lắk xuống đây mua 4ha đất dọc bờ sông để lập nghiệp. Những năm 2016 trở về trước, gia đình anh vẫn canh tác ổn định trên diện tích đất này.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của gia đình. Ngoài hơn 2ha đất cùng cây trồng đã bị trôi sông thì ngôi nhà anh ở cũng liên tục phải di chuyển.

“Cách đây ít hôm, tôi lại phải thuê người di chuyển ngôi nhà đang ở vì đất sạt lở ngày càng mạnh nhưng giờ không dám ở vì nhà có thể đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Không còn cách nào khác, tôi phải mượn đất của một người dân trong thôn dựng tạm nhà để ở. Điều đáng lo ngại nhất là đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, mai mốt không biết có còn đất mà canh tác nữa hay không?”, anh Lâm lo lắng.

Không chỉ gia đình anh Lâm, bà Lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở mà đến nay, dọc tuyến sông này có đến hàng trăm hộ dân đang lâm vào tình cảnh tương tự. Theo thống kê của UBND huyện Krông Nô, hiện trên toàn tuyến sông chảy qua địa bàn huyện đã có đến 19 điểm bị sạt lở kéo dài trên khoảng 20km, làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của hơn 400 hộ dân.

Điều đáng lo ngại hơn là tại một số điểm nằm trên tuyến giao thông nội đồng chạy dọc theo bờ sông, là con đường giao thông huyết mạch vận chuyển nông sản của hàng nghìn hộ dân trong vùng cũng sắp bị “nuốt trôi”.

Điển hình như tại vị trí trạm bơm số 4 và 5 nằm trên đại bàn xã Nâm Nđir, một đoạn đường có chiều dài khoảng 350m đã bị sạt lở nghiêm trọng, có những điểm sạt lở nằm sát ngay mép đường gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện mỗi khi lưu thông qua đây.

Loay hoay tìm giải pháp

Trao đổi với PV Báo CAND về thực trạng trên, ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô diễn ra từ giữa năm 2017 và ngày càng trầm trọng.

Ông Ánh cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông là do tình trạng khai thác cát quá mức tập trung tại một điểm trong thời gian dài, dẫn đến lòng sông bị khoét sâu, gây sạt lở.

“Bên cạnh đó, hoạt động xả nước của Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đã dẫn đến lưu lượng nước trên sông Krông Nô bị thay đổi thất thường trong ngày, làm phá vỡ kết cấu địa chất của bờ sông ở những khu vực có địa chất yếu, gây sạt lở đất. Ngoài ra, tất cả các khu vực sạt lở đều có kết cấu địa chất là đất phù sa bồi đắp, chủ yếu là đất cát pha nên rất yếu và dễ bị sạt lở khi quá trình xâm thực xảy ra, đặc biệt ở những đoạn sông uốn khúc”, ông Ánh cho biết thêm.

Về việc có nhiều tàu ngang nhiên khai thác cát trên sông Krông Nô, ông Ánh thừa nhận, việc này đã diễn ra dai dẳng từ lâu, có tính phức tạp và khó xử lý. “Bởi khi bị lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông truy đuổi thì họ dạt xuôi về phía bờ tỉnh Đắk Lắk, còn khi chính quyền tỉnh Đắk Lắk làm mạnh thì lại ngược về địa phận tỉnh Đắk Nông khai thác. Trước thực trạng này, vừa qua tỉnh Đắk Nông cũng đã đề nghị phía tỉnh Đắk Lắk có quy chế phối hợp giải quyết dứt điểm nạn khai thác cát tràn lan này. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ tỉnh bạn. Quan điểm của tỉnh Đắk Nông từ bây giờ là sẽ làm quyết liệt, giải quyết dứt điểm chứ không để dây dưa gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của bà con”, ông Ánh khẳng định.

Ông Văn Thiên Nhân, Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah) thừa nhận, việc vận hành Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah ít nhiều làm cho bờ sông Krông Nô bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của các hộ dân.

“Hiện công ty đang tiến hành khảo sát, cắm mốc an toàn và đồng ý với chính quyền địa phương đưa ra giải pháp hỗ trợ, đền bù cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, phía công ty đã tiến hành điều chỉnh việc vận hành Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng chênh lệch mực nước trên sông Krông Nô, giảm tối đa tác động của việc vận hành Nhà máy Thủy điện đến bờ sông Krông Nô. Trước mắt, công ty cùng với địa phương sẽ có biện pháp di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân là trên hết”, ông Nhân nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, việc mất đất sản xuất, nhà cửa cũng như đe dọa gây mất an toàn giao thông trên tuyến đường nội đồng do sạt lở bờ sông Krông Nô vẫn đang diễn ra ngày một trầm trọng.

Hiện, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan vẫn đang loay hoay tìm hướng khắc phục. Trong khi người dân ở đây mong muốn các cấp, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần sớm chấn chỉnh việc khai thác cát trên sông cũng như việc xả nước của Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah. Bên cạnh đó, cần có phương án đền bù, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nhằm ổn định đời sống, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Văn Thành
.
.
.