Hàng ngàn hộ dân sống “treo” trong Kinh thành Huế đến bao giờ?

Chủ Nhật, 15/04/2018, 09:54
Cần phải di dời, giải tỏa người dân sống trong khu vực bảo vệ các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế để thực hiện trùng tu, tôn tạo, nhưng hiện công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xây dựng hồ sơ tái đề cử vinh danh một lần nữa Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ VHTT&DL. 

Theo đó, cần phải di dời, giải tỏa người dân sống trong khu vực bảo vệ các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế để thực hiện trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nhưng hiện công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Qua tìm hiểu được biết, Quần thể Di tích Cố đô Huế có hơn 1.400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích nằm ở 4 huyện, thị xã và TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993. 

Tuy nhiên, chiến tranh cộng với thời tiết khắc nghiệt đã làm cho khoảng 300 công trình thuộc Quần thể này bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. 

Nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã thực hiện trùng tu, tôn tạo khoảng 200 di tích để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các di tích. 

Đến nay, vẫn có nhiều di tích, công trình kiến trúc thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đang bị xâm hại nghiêm trọng. Điển hình như Kinh thành Huế được xây dựng từ năm 1805 đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng mà nguyên nhân một phần là do người dân sinh sống trên khu vực này. 

Tìm hiểu được biết, hiện có khoảng 6.000 hộ dân, với 20.000 nhân khẩu đang sống trong khu vực bảo vệ các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, trong đó tính riêng khu vực Thượng Thành - Eo Bầu, Kinh thành Huế có hơn 1.200 hộ dân thuộc các phường Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc (TP Huế). 

Để bảo vệ di tích Kinh thành Huế, từ năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt dự án “Đầu tư tu bổ, tôn tạo Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2011 đến 2015. 

Theo đó, dự án sẽ thực hiện giải tỏa các hộ dân sống trong khu vực Kinh thành Huế và triển khai tu bổ, chống xuống cấp di tích. Thế nhưng sau 7 năm trôi qua, vì nhiều vướng mắc nên dự án dường như “giậm chân tại chỗ” và chỉ di dời được 170 hộ dân ở mặt Nam của Kinh thành.

Nhà cửa các hộ dân ở phường Thuận Thành, TP Huế xâm phạm đến di tích Kinh thành Huế.

Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho biết: “Phường có khoảng 400 hộ dân đang sinh sống trên khu vực Thượng Thành - Eo Bầu. 

Do đây là khu vực 1 của Quần thể Di tích được bảo vệ nghiêm ngặt nên phần lớn nhà cửa của người dân đều rất tạm bợ, không thể xây mới, hoặc cơi nới, sửa chữa hư hỏng dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là nước thải sinh hoạt, rác thải được người dân thải ra đã ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan di tích”. 

Di tích Kinh thành Huế đoạn qua phường Thuận Thành, TP Huế cũng đang bị người dân xâm phạm nghiêm trọng. Điển hình, như gia đình bà Võ Thị Mai (53 tuổi, ở khu vực 3, phường Thuận Thành) có 8 nhân khẩu suốt hơn 40 năm qua vẫn ở trong căn nhà lợp mái tôn ngay trước khu đất thuộc bờ thành Kinh thành Huế. Trong khi đó, khu nhà bếp và nhà vệ sinh được gia chủ xây dựng ngay sát bờ thành di tích. 

“Cách đây nhiều năm, có đoàn cán bộ về khu vực này đo đạc đất đai và kiểm kê tài sản để chuẩn bị phương án di dời các hộ dân sống trên Kinh thành Huế nhưng chúng tôi đợi mãi vẫn chưa thấy thực hiện. 

Do nhà cửa xuống cấp nên vào mùa mưa bão rất vất vả, chúng tôi phải di dời xuống Trường Tiểu học Trần Quốc Toản để trú ngụ nhằm đảm bảo an toàn. Vì thế tôi và các hộ dân ở đây mong sao sớm được các cấp, ban ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế tạo điều kiện cho di dời chứ sống bám mãi trên di tích như thế này bất an quá”, chồng bà Mai, ông La Văn Quê nói.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung tâm BTDT Cố đô Huế nói riêng đã nỗ lực trong công tác trùng tu, bảo tồn các di tích do triều Nguyễn để lại. Đặc biệt là việc xây dựng hồ sơ tái đề cử vinh danh một lần nữa Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ VH,TT&DL. 

Tuy nhiên, việc hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực bảo vệ các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế và chưa được di dời, giải tỏa đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc xây dựng hồ sơ tái đề cử. 

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, cho rằng, các di tích khi đề cử, hoặc tái đề cử đều phải gắn với kế hoạch di dời, giải tỏa người dân trong vùng lõi để thực hiện trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản. 

Bên cạnh đó, phải xây dựng mối quan hệ lợi ích giữa cộng đồng dân cư trong lòng di sản với công tác bảo vệ di tích. “Hiện trong Kinh thành Huế có 10 điểm “nóng” cần được ưu tiên di dời nhưng cần phải xây dựng cơ chế đặc thù và lộ trình cụ thể mới có thể giải tỏa, di dời các hộ dân sống trong vùng di tích”, ông Hải nói.

Theo Trung tâm quỹ đất TP Huế, đơn vị chịu trách nhiệm giải tỏa, tái định cư dự án “Đầu tư tu bổ, tôn tạo Kinh thành Huế” thì một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm trễ là do vướng mắc trong công tác giải tỏa bởi số hộ dân ở khu vực 1 Kinh thành Huế không được đền bù chiếm hơn 50%, đây là những hộ nghèo, cận nghèo nên vấn đề đặt ra lớn nhất đó là làm sao ổn định sinh kế cho người dân khi di dời. 

Mới đây, tại Hội nghị “Tham vấn chuyên gia về thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hóa Cố đô Huế” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP Huế vào ngày 30-3, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện xác định, việc di dời các hộ dân sống tạm bợ trong khu vực thuộc Kinh thành Huế là việc làm cấp thiết, nếu không nhanh chóng thực hiện thì càng về sau sẽ càng khó giải quyết. 

Và trên hết, việc di dời các hộ dân sống trong vùng bảo vệ di tích nhằm phục vụ cho công tác trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Huế.

Anh Khoa
.
.
.