Đất hồ ao trong kinh thành Huế: Mạnh ai người nấy chiếm

Thứ Sáu, 18/08/2006, 13:28
Những hộ dân sống xung quanh khu vực các hồ đều thi nhau lấn chiếm xây nhà ở và các công trình sinh hoạt, nhà hàng... Không chỉ dừng lại ở việc lấn chiếm, nhiều hồ đã bị chính quyền và người dân khai tử như hồ Long Võ Tiền thuộc phường Thuận Lộc đã bị lấp để làm chợ xép.

Theo khuyến cáo của Tổ chức UNESCO và Bộ Văn hóa - Thông tin, hơn 40 hồ ao trong quần thể di tích Kinh thành Huế cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Song hàng trăm hộ dân sống xung quanh khu vực các hồ đã lấn chiếm hàng chục ngàn mét vuông đất xây dựng nhà và các công trình sinh hoạt trái phép. Điều đáng nói là sự việc đã diễn ra hàng chục năm qua, nhưng chính quyền địa phương vẫn khoanh tay bất lực.

Khai tử những lòng hồ

Kể từ khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, theo khuyến cáo của UNESCO, tất cả hệ thống hồ ao nằm trong Kinh thành Huế cần được bảo vệ trong quần thể di tích Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho các cơ quan chức năng liên quan khoanh vùng bảo vệ các hồ ao hiện có. Theo đó, hầu hết các hồ được xếp vào khu vực 1 và khu vực 2 để có biện pháp bảo vệ.

Tuy nhiên, những hộ dân sống xung quanh khu vực các hồ đều thi nhau lấn chiếm xây nhà ở và các công trình sinh hoạt, nhà hàng... Hiện nay, số hồ trong Kinh thành Huế có 33 hồ (không kể các hồ đã được xếp hạng) đều bị lấn chiếm hàng chục ngàn mét vuông. Đơn cử như: Hồ Hữu Bảo, hồ Tiền Bảo, hồ Khám Đường, hồ Giám Điền... thuộc phường Tây Lộc; hồ Thanh Ninh, hồ Lấp, hồ Hộ Vệ, hồ Võ Sanh... phường Thuận Hòa...

Không chỉ dừng lại ở việc lấn chiếm, nhiều hồ đã bị chính quyền và người dân khai tử như hồ Long Võ Tiền thuộc phường Thuận Lộc đã bị lấp để làm chợ xép. Tại hồ Tân Miếu, phường Thuận Hòa, mặc dù hồ nằm ngay trước cổng cơ quan của Hội đồng nhân dân và UBND phường, song vẫn có cá nhân xâm chiếm hồ để trục lợi. Nhà hàng Hương Sen mở ra ngay trên lòng hồ đã nhiều năm nay, hàng ngày đông đảo khách hàng vào ra, nhưng không hiểu sao chính quyền phường vẫn để cho tồn tại.

Việc "xẻ thịt" các hồ trong Kinh thành Huế không chỉ người dân mà ngay cả nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước cũng góp sức. Hồ Tiền Bảo có diện tích 19.990m2 gồm 5 thửa nhưng đã bị Bệnh viện Y học Dân tộc lấn chiếm với diện tích 5.206, 1m2 để xây bệnh viện... 

Chính quyền bất lực hay “cha chung không ai khóc”?

Theo tài liệu cũ cho biết, ở bên tả sông Hương có hai chi lưu là sông Kim Long và sông Bạch Yến tách ra từ sông chính ở làng Kim Long và làng Xước Dũ. Cả hai chi lưu đều chảy uốn lượn qua một số làng sau đó đổ vào sông chính ở Bãi Dâu và Bao Vinh. Khi khởi công xây dựng Kinh thành, triều đình Gia Long đã cho lấp đầy một số đoạn của hai chi lưu này để cho vòng tường thành đồ sộ chạy ngang qua. Đồng thời, các nhà kiến trúc bấy giờ đã lợi dụng một số khúc sông nguyên thủy còn lại của chúng để tạo ra hàng chục hồ ao trong Thành Nội.

Trước thực trạng nhiều di tích và các hồ đã và đang bị khai tử, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Huế cũng đã có động thái bảo vệ hệ thống hồ.

Ngày 7/10/1999, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2317/QĐ-UB về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu Kinh thành Huế - TP Huế và tiếp đó có Quyết định số 2318/QĐ-UB về việc Ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo đồ án Quy hoạch chi tiết khu Kinh thành Huế - TP Huế. Theo những quyết định trên, tỉnh sẽ có phương án di dời những hộ dân đang sống trong vùng đã được khoanh vùng bảo vệ di tích có nguy cơ xâm hại đến di tích. Song, đến nay đã gần 10 năm, dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Có lẽ những người lập dự án và ra quyết định không tính đến việc phải di dời 9 vạn người dân đang sống trong phạm vi di tích Kinh thành là điều không thể với thực lực hiện có của địa phương. Điều đáng nói là khi không thể di chuyển người dân đến nơi an cư mới, thì chính quyền và các cơ quan liên quan ở Thừa Thiên - Huế vẫn không có biện pháp khả thi để ngăn chặn việc người dân lấn chiếm các hồ lên đến hàng chục ngàn mét vuông đất.

Trong quá trình điều tra viết bài, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi một số lãnh đạo phường sở tại (có các hồ nằm trên địa bàn phường) không thể nhớ tên hồ và hồ nằm ở vị trí nào. Được biết, việc quản lý hồ còn được gắn trách nhiệm cho lãnh đạo UBND các phường quản lý về mặt Nhà nước.

Điều gây ngạc nhiên đến sững sờ đối với chúng tôi khi thực hiện bài viết này là hiện nay không một cơ quan, đơn vị nào ở Thừa Thiên - Huế nắm được số liệu tổng hợp các trường hợp vi phạm lấn chiếm hệ thống hồ, tất cả số liệu các trường hợp vi phạm mới chỉ có ở một số lãnh đạo phường, nhưng số liệu cũng không hoàn toàn thống nhất.

Tuy nhiên, số hồ đang mất dần và đang thu hẹp thì tất cả những cơ quan liên quan đều biết. Trước tình trạng lấn chiếm hồ ngày càng phổ biến, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đang tiến hành thống kê hệ thống hồ còn lại và cắm mốc cách bờ hồ 5m để ngăn cản người dân lấn chiếm trái phép.

Việc cắm mốc cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Huế cần có biện pháp căn cơ để cứu lấy hệ thống hồ trước nguy cơ bị khai tử. Bảo vệ hệ thống hồ trong Kinh thành Huế không chỉ là việc thực hiện đúng luật Di sản văn hóa mà còn giữ lại những công trình đã đồng hành trong tiềm thức của những người yêu quý Huế

Dương Sông Lam
.
.
.