Điểm mặt những chiêu trò, thủ đoạn vận chuyển hàng lậu ở Quảng Ninh (Bài cuối)
Đầu nậu mang nhãn mác, mẫu mã Việt sang bên kia biên giới đặt hàng, xưởng sản xuất cho ra lò những mặt hàng với mẫu mã y chang hàng thật, sau đó tìm mọi cách vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Làm việc với Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh chúng tôi được biết, một số đối tượng người Việt Nam đã sử dụng mẫu mã những mặt hàng tiêu dùng phổ biến, được ưa chuộng tại Việt Nam đưa sang Quảng Châu, Trung Quốc đặt hàng tại các cơ sở sản xuất trái phép với mẫu mã, bao bì, hướng dẫn sử dụng giống hàng thật do Việt Nam sản xuất với giá thấp.
Hàng sản xuất xong, chủ hàng vận chuyển nhập lậu chia nhỏ, xé lẻ qua khu vực biên giới để đưa lên các xe ôtô vào nội địa tiêu thụ. Gần đây, mặt hàng giả rộ lên nhiều nhất là bim bim, bánh kẹo, mì chính, bia, quần áo, hàng điện dân dụng, mỹ phẩm...
Trung tá Đặng Việt Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Móng Cái cho biết, không chỉ đặt hàng giả ở nước bạn, mà việc sản xuất còn được làm ở ngay tại biên giới Móng Cái.
Qua công tác trinh sát, đơn vị đã phát hiện tại khuôn viên khu vui chơi giải trí Hồng Vận thuộc Công ty cổ phần khách sạn Hồng Vận, phường Ka Long, TP Móng Cái, Trung Đạo Bình, trú tại huyện Lý, Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc đã sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả.
Hàng lậu, hàng giả bị Công an TP Móng Cái bắt giữ. |
Khi Bình bị bắt giữ, Công an thu được 31.408 sản phẩm mỹ phẩm các loại, lọ nhựa, nắp, phục vụ việc đóng gói sản phẩm; 200kg nguyên liệu mỹ phẩm sử dụng trong việc sản xuất mỹ phẩm; 40kg tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an; 200kg giấy giới thiệu sản phẩm (nhãn mác và các dụng cụ dùng trong việc sản xuất mỹ phẩm giả).
Cũng ngay tại địa điểm trên, lực lượng Công an còn phát hiện Trịnh Hiên Bưu, quốc tịch Trung Quốc, có hành vi tàng trữ trên 13 nghìn kg mỹ phẩm gồm dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc. Tổng trị giá hàng giả tính theo hàng hóa tương đương hàng thật trên 4,6 tỷ đồng.
Theo Trung tá Đặng Việt Anh thì ngay tem chống hàng giả hiện cũng bị làm giả khá nhiều và điều này khiến người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Gần đây nhất, Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phát hiện Hoàn Văn Trận, trú tại phường Ka Long, TP Móng Cái vận chuyển 200 chiếc quần giả nhãn hiệu Adidas trên xe khách BKS 14C-091.91. Số hàng giả này được sản xuất từ bên kia biên giới và mang về Việt Nam. Vì siêu lợi nhuận nên các đối tượng sản xuất và buôn bán bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng để làm hàng giả.
Hàng lậu được ngụy trang cất giấu tinh vi. Ảnh:baoquangninh |
Năm 2015, các lực lượng chức năng của TP Móng Cái đã bắt giữ 65 vụ với 35 đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa tịch thu trị giá trên 5 tỷ đồng.
Hàng lậu, hàng giả, hàng cấm để từ biên giới Móng Cái vào nội địa chỉ bằng hai con đường: đường bộ, đường biển. Hàng hóa từ Móng Cái muốn vào nội địa phải đi qua Trạm kiểm soát km15 – Bến tàu Dân Tiến. Trên chuyến xe khách từ Móng Cái về Hà Nội, khi chúng tôi qua Trạm Kiểm soát km15- Bến tàu Dân Tiến, chứng kiến cảnh kiểm tra ở đây thì thấy, nếu chỉ kiểm tra cho có lệ, hàng lậu, hàng cấm rất dễ dàng bị lọt.
Mặc dù khi ở trên xe, hành khách ngồi sau chúng tôi có một túi hàng lớn, nhà xe đã thẳng thừng tuyên bố: “anh mang hàng nhiều như kia, lúc qua trạm có làm sao nhà xe tôi không chịu trách nhiệm đâu”. Nhưng khi qua Trạm thì túi hàng của hành khách đó không bị kiểm tới và việc kiểm tra đúng là rất nhanh.
Một vụ vận chuyển hàng lậu lớn bằng xe khách bị phát hiện. Ảnh: baoquangninh |
“Các chủ đầu nậu thuê số phương tiện là các loại xe tải thùng kín, tự tạo các vách ngăn, hầm để cất giấu hàng hóa vào tuyến trong tiêu thụ. Quá trình khám phương tiện, Công an TP Móng Cái đã phát hiện số lượng hàng hóa nhập lậu được cất giấu tinh vi trong số xe ôtô tải thùng kín có các vách, ngăn, hầm tự tạo, thậm chí qua kiểm tra phát hiện một số phương tiện có đến 8 hầm tự tạo.
Việc khám xét, mở các hầm, ngăn gặp nhiều khó khăn, tại vị trí các ngăn hầm số lượng hàng hóa nhập lậu từ hàng ít có giá trị đến hàng có giá trị lớn, thậm chí khám được đến ngăn hầm thứ 8 thì phát hiện bên trong chứa hàng cấm là thuốc lá điếu, pháo nổ và nhiều loại hàng có giá trị khác”- Trung tá Đặng Việt Anh cho biết.
Để qua mắt, chủ đầu nậu còn lợi dụng xe khách ban đêm để vận chuyển trong khi việc kiểm tra đối với số phương tiện này chưa được thường xuyên, hàng hóa và hành lý của hàng khách được để lẫn với nhau.
“Phương thức và thủ đoạn của đối tượng là đóng lẫn hàng hóa có giá trị nhỏ gọn trong các hành lý thông thường hoặc cất giấu trong các vách, ngăn, hầm kín tự tạo”- Trung tá Đặng Việt Anh nhấn mạnh.
Triệt để hơn, đầu nậu còn dùng xe ô tô 12 chỗ, xe tải thùng tháo ghế, khi đêm tối bất chấp nguy hiểm lao qua cánh gà Trạm km15 về tập kết tại kho ở huyện Hải Hà, Đầm Hà, sau đó mới tiếp tục xé lẻ đưa lên các phương tiện container, xe tải nhỏ vào tuyến trong tiêu thụ.
Tuy nhiên, nhiều phương thức, thủ đoạn buôn lậu đã tồn tại nhiều năm mà vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn đấu tranh triệt để như gian lận qua khai báo và làm thủ tục Hải quan, quản lý hóa đơn chứng từ trên khâu lưu thông.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, các đối tượng sẽ lợi dụng triệt để địa bàn để vận chuyển trái phép pháo, ma túy, vũ khí, hàng lậu…qua sông rồi tìm cách vận chuyển sâu vào nội địa. Thiết nghĩ, các lực lượng như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an cần tăng cường lực lượng chốt chặt vùng biên, kiểm soát kho tàng, bến bãi và khâu lưu thông để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng cấm vào nội địa.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Móng Cái, Trưởng Ban chỉ đạo 389 thành phố thì năm 2015 các lực lượng chống buôn lậu của Móng Cái đã bắt giữ được 1.237 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, vi phạm VSATTP, ước tính trị giá 25,466 tỷ đồng, tăng 89,43% về số vụ và giảm 7,69% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. |