Hám lợi, nhiều người mắc bẫy kinh doanh tiền ảo

Thứ Bảy, 08/10/2016, 09:06
Vì hám lợi, hàng trăm người dân ở Gia Lai đã bị dính bẫy lừa khi tham gia vào hệ thống kinh doanh tiền ảo trên mạng. Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền bị lừa của các cá nhân lên đến hơn 50 tỷ đồng; nhiều người vì mất tiền mà tự vẫn, bỏ bê công việc, tan cửa nát nhà ...

Thời gian qua, ở địa bàn thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai một số đối tượng lừa đảo đã đưa ra hệ thống mạng kinh doanh với cái gọi là “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin” (FXMT4); “Mạng luân chuyển sự giàu có M5”; Zewang.help (luân chuyển tài chính sinh lãi)... với cách thức hoạt động theo một hình thức huy động vốn theo kiểu đa cấp biến tướng, sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin để giao dịch trong hệ thống kinh doanh ảo. Cái đích mà các đối tượng nhắm đến là trả lợi nhuận cao để mọi người hám lợi chui vào bẫy.

Chị T. ở thị xã An Khê cho biết, khi hệ thống kinh doanh “Mạng luân chuyển sự giàu có M5” ra đời trên địa bàn thị xã An Khê rất nhiều người tham gia vì lợi nhuận cao. Đơn giản, ban đầu chỉ nộp 6,6 triệu đồng vào hệ thống trang web thì một tháng sau thu về 8,5 triệu đồng, trong đó lãi 1,9 triệu đồng. Với cách tính lãi đặc biệt cao này đã thu hút nhiều người tham gia và càng nộp tiền nhiều thì nhận lãi nhiều. Thời gian đầu phía đối tác kinh doanh chuyển tiền trả lãi cao, dần về sau thì bắt đầu nêu lý do và không chuyển trả tiền nữa.

Tương tự như vậy, hệ thống mạng “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin” (FXMT4) khi người tham gia kinh doanh ban đầu được hứa trả lãi cao hơn M5 nhiều lần. Cụ thể, mức lãi suất công khai trên sàn tài chính của các đối tượng đưa ra là 4,8%/ngày, tương đương 144%/tháng. Ngoài ra, các cá nhân còn bị “ru ngủ” bởi tiền phần trăm hấp dẫn nếu lôi kéo được nhiều người tham gia nộp tiền vào hệ thống kinh doanh ảo này.

Một điểm kinh doanh đa cấp, lừa đảo huy động vốn đã đóng cửa.

Chị Thanh ở thị xã An Khê tham gia 9 sân chơi đồng tiền ảo, đã dồn hết số tiền tích góp từ việc bán mấy lứa heo, gà và vay thêm người quen, bạn bè; tổng cộng chị bị mất 197 triệu đồng. Vì sau khi nộp tiền nhiều vào thì không rút được mà trên mạng cứ thông báo là hệ thống bị lỗi hiện đang bảo trì... rồi sau đó sàn tuyên bố sập. Trước sự mất tiền đau đớn, chị Thanh quẫn trí nên đã gieo mình xuống giếng để giải thoát, nhưng may mắn được chồng và hàng xóm phát hiện cứu giúp kịp thời nên thoát chết.

 Chị Nga ở thị xã An Khê đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của gia đình 870 triệu đồng thông qua trò chơi “Cho - Nhận” FXMT4. Theo chị Nga, lúc đầu để tham gia trò chơi lấy lãi cao này, người tham gia phải mua ít nhất 1 Bitcoin (có giá trị tương đương tiền mặt 14 triệu đồng). Sau khi mua Bitcoin được chủ sàn tạo cho một tài khoản để truy cập vào trang web “Cho – Nhận”, rồi người chơi phải bỏ tiền ra cho và chờ đến lượt được nhận lại với mức lãi suất công khai trên sàn tài chính là 4,8%/ngày (tương đương 144%/tháng)...

Theo đơn tố cáo của hàng chục người dân ở thị xã An Khê và huyện Đăk Pơ (Gia Lai) thì người tên Vũ ở An Khê, Gia Lai làm đầu line Zewang.help chiếm đoạt số tiền gần 600 triệu đồng; Đào Thị Thanh Thủy ở thị xã An Khê làm đầu line FXMT4 chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng...

Qua điều tra ban đầu, Công an thị xã An Khê xác định khoảng tháng 5-2016, bà Mai ở An Khê tham gia sân chơi tài chính đa cấp mạng Zewang.help (F1) phụ trách tại thị xã An Khê, dưới Mai có 30 người tham gia được Mai biết, còn dưới 30 người tham gia có hàng trăm người khác không nắm hết.

Do không biết công nghệ thông tin nên Mai thuê Vũ, giáo viên một trường cấp 3 ở An Khê làm quản lý hệ thống, tạo tài khoản cá nhân (mã ID) của những người tham gia, đặt lệnh chuyển nhận tiền (thông qua việc giao dịch đồng tiền ảo Bitcoin). Cứ lập một tài khoản cá nhân thì Mai trả cho Vũ 200 ngàn đồng. Mỗi người chơi ban đầu phải đăng ký từ 100USD - 4.000USD, lãi suất 3%/ngày, đổi ra đồng tiền ảo để giao dịch.

Sau một thời gian, hàng trăm người tham gia nạp tiền vào sân chơi Zewang.help thì bị sập mạng, không rút tiền được nữa. Đến tháng 8-2016, mạng Zewang.help hoạt động trở lại nhưng các dữ liệu, lịch sử giao dịch của người tham gia bị mất hết. Hàng trăm người tham gia trò chơi này đã trắng tay (người ít 100USD, người nhiều 6.000USD) liền  kéo đến đòi nợ bà Mai và Vũ nhưng không được.

Ngoài sân chơi trên, Vũ còn điều hành hệ thống FXMT4 ở địa bàn An Khê với cách thức giao dịch tương tự thông qua giao dịch mạng bằng đồng tiền ảo Bitcoin, lợi nhuận 144%/tháng. Tại An Khê, Đào Thị Thanh Thủy là người đầu tiên tham gia hệ thống này và tuyến dưới trực tiếp của một người tên Tuấn ở TP Pleiku. Còn hệ thống giao dịch này do ông Lâm ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cầm đầu.

Bà Thủy đã sử dụng hệ thống giao dịch FXMT4 để lôi kéo hơn 300 người tham gia với 1.900 Bitcoin, tương ứng với số tiền huy động lên đến 22 tỷ đồng. Cuối tháng 6-2016, sàn giao dịch này bị báo lỗi và dừng hoạt động nên nhiều người đành... trắng tay.

Các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cảnh báo, tình trạng huy động vốn thông qua hình thức Bitcoin đang giăng bẫy khắp nơi ở các vùng quê, miền núi... và đã lôi kéo không ít người dân tham gia. Những kẻ lừa đảo lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, lôi kéo người dân tham gia rồi cho sập mạng, không trả lại tiền... Cách thức lừa đảo qua hệ thống mạng này đã và đang làm đảo lộn cuộc sống người dân, nhiều gia đình tan gia, bại sản, dẫn đến nhiều bi kịch thương tâm.

Ngọc Như
.
.
.