Hà Tĩnh: Hàng chục tỷ đồng xây trường học, trạm y tế để bỏ hoang

Thứ Năm, 23/08/2018, 09:19
Gần 10 năm qua, nhiều người đi qua khu tái định cư thôn 1 Tân Phúc Thành, ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh không khỏi xót xa khi chứng kiến hệ thống trạm y tế, trường học, trụ sở UBND xã Kỳ Lợi được xây dựng mới nơi đây rất bề thế, khang trang nhưng để bỏ hoang, cỏ mọc thành nơi chăn thả trâu bò. Trong khi đó không ít nơi ở Hà Tĩnh còn thiếu trường thiếu lớp, trạm y tế xã còn thiếu thốn đủ bề.

Trời gần đứng bóng, trong cái nắng gay gắt cuối hè chúng tôi có mặt ở khu tái định cư thôn 1 Tân Phúc Thành ở phường Kỳ Trinh. Khi hỏi về những tòa nhà xây dựng khang trang cao 2-3 tầng, cổng sắt hoen gỉ, cỏ mọc um tùm, sơn tróc từng mảng… người dân địa phương lắc đầu ngao ngán, họ cho biết đó là trạm y tế, trường học, trụ sở UBND xã Kỳ Lợi xây xong rồi bỏ hoang gần cả chục năm nay.

Chúng tôi vào ngôi nhà 3 tầng nơi được xem là xây dựng trụ sở mới để làm việc của UBND xã Kỳ Lợi, nơi đây không hề có một bóng người, trâu bò của người dân địa phương chăn thả khắp sân trụ sở.

Trụ sở mới UBND xã Kỳ Lợi được xây dựng ở phường Kỳ Trinh để hoang gần chục năm nay, nhiều hạng mục đã hư hỏng.

Hàng loạt cửa chính, cửa phụ được làm bằng gỗ bị mục nát, đổ sập; cửa kính, cửa chắn gió bị rạn vỡ rơi vương vãi; trần và tường nhà bị bong rộp hư hỏng, sụp đổ xuống từng mảng lớn, nền gạch lát hoa bị sụp lún nứt nẻ nham nhở, xung quanh vương vãi gạch ngói, mảnh thủy tinh vỡ vụn. Phía bên trong hội trường lớn của tòa nhà trần nhà bị hư hỏng, sập thủng từng mảng lớn, những chiếc quạt trần được lắp đặt vô thức bị hỏng, đứt dây chờ rơi xuống nền nhà...

Bước ra khỏi khuôn viên đầy cỏ dại và chất bẩn phóng uế của trâu, bò, chúng tôi sang trụ sở được xây dựng cho Trường THCS Kỳ Lợi với dãy nhà cao 2 tầng với 8 phòng học. Nơi đây cũng đang hoang tàn đổ nát do bỏ không nhiều năm nay. Nói là trường học nhưng không có bóng dáng thầy cô, học trò, chỉ là dãy nhà xây lên rồi bỏ hoang cùng mưa nắng.

Cùng chung số phận như UBND và Trường THCS xã Kỳ Lợi là trạm y tế xã. Trạm y tế được xây 2 tầng có đầy đủ các phòng chức năng như dãy phòng khám, phòng điều trị, phòng chờ…cho bệnh nhân nhưng chỉ là “xây cho vui”, chứ gần chục năm trạm y tế này cũng đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Không được sử dụng, bảo quản nên hệ thống cửa, nền gạch, tường nhà đều đã bị bong tróc, hư hỏng, khuôn viên của trạm cỏ mọc um tùm, nhếch nhác và hôi hám…

Được biết cách đây gần 10 năm khi hệ thống trường học, trụ sở UBND, trạm y tế xã ở Kỳ Lợi được xây dựng xong, khi trống dong cờ mở đưa vào sử dụng, có một số ít nhân viên đến làm nhưng chỉ được ít tháng, còn sau đó đóng cửa bỏ hoang cho hư hỏng đến bây giờ. Nguyên nhân được xác định là do chủ trương đầu tư xây dựng sai.

Chẳng hạn như Trường THCS xây dựng xong nhưng không có học sinh nào đến học, buộc cơ quan chức năng địa phương cho công nhân làm việc ở Khu kinh tế Vũng Áng thuê, nhưng khi công nhân rút đi thì trường học này bỏ hoang cho mưa nắng.

Lý giải về sự hoang phí khi các trụ sở xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng phải bỏ hoang gần 10 năm qua, ông Trần Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi cho biết, hệ thống trường học, trụ sở UBND, trạm y tế xã Kỳ Lợi được xây dựng từ năm 2010 ở địa bàn phường Kỳ Trinh theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Bởi lúc đó, tỉnh đang vận động di dời người dân xã Kỳ Lợi lên khu tái định cư ở phường Kỳ Trinh, việc chủ động xây dựng trước cơ sở hạ tầng nhằm động viên, khuyến khích người dân di cư, song người dân không chịu lên ở khu tái định cư, do vậy mọi hoạt động của xã vẫn phải ở trụ sở cũ xã Kỳ Lợi, còn các trụ sở mới ở phường Kỳ Trinh đành bỏ hoang.

Được biết, hiện UBND thị xã Kỳ Anh đang vận động hàng trăm hộ dân ở thôn Tân Phúc Thành 2, 3 và thôn Đông Yên ở địa bàn xã Kỳ Lợi cũ lên khu tái định cư để vừa thực hiện chủ trương di dân tái định cư của tỉnh, vừa sử dụng công năng hệ thống trường học, trạm y tế, UBND xã… được xây dựng gần chục năm qua ở phường Kỳ Trinh. Việc đầu tư xây dựng các công trình hàng chục tỷ đồng để phơi mưa nắng ở Hà Tĩnh là bài học đắt giá trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện nay cho nhiều địa phương khác.

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.