Đủ kiểu phung phí công sản tại Sawaco

Chủ Nhật, 04/08/2019, 05:58
Theo kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) được giao quản lý, sử dụng đến 233 mặt bằng nhà, đất để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số này, Sawaco chỉ phải trả tiền thuê đất hằng năm cho 10 nhà, đất và ít nhất đã có 166 mặt bằng nhà đất được UBND thành phố miễn tiền thuê đất trước năm 2014.


Ngoài ra, 54 nhà đất còn lại tuy chưa có quyết định miễn tiền thuê đất của thành phố do chưa đủ các điều kiện để được miễn tiền thuê đất nhưng lâu nay hầu như Sawaco cũng đã được sử dụng “chùa”. Được giao quản lý, sử dụng nhiều công sản như vậy, nên nhiều mặt bằng nhà đất đã được Sawaco đem đi cho thuê hoặc hợp tác kinh doanh.

Mới chỉ kiểm tra thực tế 23 mặt bằng của Sawaco, Thanh tra thành phố đã phát hiện có đến 8 trường hợp nhà, đất được sử dụng không đúng đối tượng; 2 trường hợp sử dụng chưa đúng mục đích, quản lý không chặt chẽ để bị lấn chiếm; 2 trường hợp sử dụng chưa hiệu quả và 1 trường hợp sử dụng để hợp tác kinh doanh.

Mặt bằng rộng hơn 9 ngàn m2 phía trong hẻm số 4 đường Hậu Giang của Sawaco hiện vẫn đang bị cho thuê dài hạn. 

Trước thực trạng này, Thanh tra thành phố cho rằng Sawaco được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thu tiền sử dụng đất nhưng không trực tiếp quản lý, sử dụng mà giao cho các công ty cổ phần quản lý sử dụng là không đúng đối tượng.

Điển hình là khu đất có diện tích lên đến 73.404m2 thuộc Nhà máy ống bê tông dự ứng lực ở ấp Bến Đò, phường Long Bình, quận 9. Trước đây khu đất này do một công ty “con” của Sawaco quản lý, sử dụng, nhưng từ năm 2009 UBND thành phố đã có văn bản giao Sawaco thu hồi về để tạm thời quản lý. Năm 2015, thành phố tiếp tục có văn bản giao khu đất này cho Sawaco quản lý để làm Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cấp nước và khôi phục Nhà máy ống bê tông dự ứng lực.

Khi đó, UBND thành phố cũng ra điều kiện trong vòng 12 tháng, nếu Sawaco không triển khai đề án khôi phục Nhà máy ống bê tông dự ứng lực, thành phố sẽ thu hồi. Tuy vậy, khu đất tiếp tục bị sử dụng không hiệu quả khi đến cuối năm 2017, Sawaco vẫn còn đang trong giai đoạn dự thảo phương án khôi phục nhà máy.

Mặt bằng nhà, đất có tổng diện tích lên đến 9.632m2 ở số 4/19 đường Hậu Giang, quận Tân Bình cũng vậy. Với vị trí đắc địa tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nên tháng 9-2010 Sawaco đã ký hợp đồng hợp tác liên danh liên kết khai thác kinh doanh với Công ty CP XNK Đức Bình.

Thực chất đây là cho thuê mặt bằng khi Sawaco góp toàn bộ mặt bằng này và mỗi quý Công ty CP XNK Đức Bình phải trả cho Sawaco 210 triệu đồng, bất kể việc liên kết kinh doanh lời lỗ ra sao.

Sau khi ký hợp đồng, tháng 9-2010 Sawaco bàn giao mặt bằng này cho Công ty Đức Bình, nhưng theo Thanh tra thành phố phải đến tháng 1-2015, Công ty Đức Bình mới bắt đầu trả số tiền khoán 210 triệu đồng/quý cho Sawaco. Trong khi đó ngay từ tháng 3-2014, Công ty Đức Bình đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH DV hàng hóa Tân Sơn nhất thuê văn phòng, kho chứa hàng hóa tại số 4/19 Hậu Giang với thời gian thuê là 10 năm.

Trong đó, đơn giá Công ty Đức Bình đem cho thuê lại đối với 4.942m2 diện tích kho, văn phòng và công trình phụ trợ ở mức gần 103,5 ngàn đồng/m2/tháng; phần sân bãi giá cho thuê gần 61,3 ngàn đồng/m2/tháng và giá này còn tăng thêm trong những năm tiếp theo.

Kết quả thanh tra cho thấy, từ tháng 1-2015 đến 6-2017, Công ty Đức Bình chỉ trả cho Sawaco được 2,1 tỷ đồng, nhưng từ 10-2014 đến 8-2017, DN này đã thu tiền cho thuê từ Công ty Tân Sơn Nhất số tiền lên đến hơn 30,6 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa, Sawaco chỉ thu được 70 triệu đồng/tháng từ việc cho thuê mặt bằng này, trong khi Công ty Đức Bình thu về đến 900 triệu đồng/tháng. Đem mặt bằng ở số 4/19 Hậu Giang đi cho thuê dài hạn, nên khi Thanh tra thành phố kiểm tra, Sawaco không thể còn đất để xây dựng trạm cấp nước dự phòng.

Tại đây chỉ có 1 trạm giếng diện tích khoảng 100 m2 đã ngưng hoạt động. Thời điểm Thanh tra thành phố xuống kiểm tra, phía đơn vị thuê mặt bằng cũng đã kịp xây dựng tại đây một tòa nhà 3 tầng có diện tích lên đến 321m2 nhưng chưa được hoàn công. Đến nay, cổng vào khu đất này ở hẻm số 4 đường Hậu Giang vẫn tiếp tục bị bên thuê bít bùng để làm kho xưởng khai thác hàng hóa trong khu vực sân bay.

Kết luận của Thanh tra thành phố cũng chỉ rõ, Sawaco còn để các công ty cổ phần quản lý 8 nhà đất được giao quản lý; để nhiều hộ dân lấn chiếm 2 nhà đất là thủy đài ở địa chỉ 105/19B Trần Hưng Đạo, quận 5 và số 198/2 đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp…

Điều này càng cho thấy Sawaco thừa đất và sử dụng nhà đất một cách phung phí. Song điều đáng tiếc, những năm qua Sawaco đã 2 lần được UBND thành phố phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp nhà, đất và xử lý tổng thể nhà đất nhưng vẫn để xày ra tỉnh trạng trên.

Thậm chí trong Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về Kết luận thanh tra với Sawaco, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Sawaco chấm dứt việc mang nhà đất đi liên danh liên kết kinh doanh hoặc cho các công ty cổ phần mượn. Song đến nay đã hơn 1 năm, chỉ đạo này vẫn không được Sawaco thực hiện triệt để. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục siết việc sử dụng tài sản công đối với DN này.

Bảo Sơn
.
.
.