Dự án bờ kè trăm tỷ vẫn “vô tác dụng” trong mùa mưa bão
- Hàng loạt sai phạm dự án bờ kè sông Ba bao giờ mới xử lý?
- Dự án bờ kè sông Cần Thơ đội vốn hơn 1.000 tỷ đồng
- Khánh Hòa: Dự án bờ kè sông Cái vẫn… treo
Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP Đà Nẵng nhằm chống lại vấn nạn sạt lở bờ biển, bảo vệ tính mạng, tài sản cho hàng trăm hộ dân địa phương. Theo dự kiến, bờ kè phải hoàn thành trong thời hạn 1 năm (8-2016 - 10-2017), vậy nhưng…
Theo phản ánh của ngừời dân sinh sống tại phường Hòa Hiệp Bắc thì: “Mấy năm nay, đoạn bờ biển phường Hòa Hiệp Bắc sạt lở nghiêm trọng. Nhà cửa, đất đai bị sóng đánh sập, cuốn trôi… Năm 2016, được tin thành phố bỏ cả trăm tỷ xây dựng kè, chúng tôi vô cùng vui mừng. Nhưng rồi, từ hớn hở chúng tôi lại lo lắng, thất vọng khi dự án dừng 3 tháng nay và mùa mưa bão đã về".
Bức xúc nhất là vừa qua bão số 12 tuy không đổ bộ trực tiếp vào TP Đà Nẵng nhưng đã gây triều cường, sóng lớn làm xói lở và nước biển xâm lấn sâu vào nhà dân sinh sống ven biển Nguyễn Tất Thành. Dọc khu vực tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam nhiều căn nhà bị sóng đánh lòi cả móng nhà.
Cụ thể như nhà của gia đình các ngư dân ông Ngô Đức Hùng, ông Trương Mừng, ông Trần Văn Linh, bà Lê Thị Hải (trú tổ 9, Hòa Hiệp Bắc) sóng biển xâm thực, lấn cả vào những khoảng sân bê tông nứt toác, lòi từng khoảng lớn, nham nhở. Chưa kể, cọc nhồi, đá công trình ngổn ngang mà đơn vị thi công để lại trước đó cũng bị nhấn chìm gây lãng phí.
Ông Hùng chia sẻ, đoạn kè có chiều dài 1,8km, trải dài qua địa phương. Đơn vị thi công đã hoàn tất nhiều đoạn, đến tổ 1, 2 (tức còn 350m) thì dừng hẳn. Tréo ngoe thay, khu vực 2 tổ là điểm xung yếu nhất, sạt lở trầm trọng nhất.
Hiện tại, trước thời tiết mưa bão phức tạp, các hộ dân lo lắng sóng biển chực chờ nuốt trọn những căn nhà đầu tiên đã lòi móng. Nhiều hộ dân cứ về đêm là lại cuống cuồng chạy mưa bão. Ban ngay, họ quay về nhà dọn dẹp rác, cát. Cuộc sống những ngày này cứ thế đảo lộn, khốn đốn, vất vả trăm đường.
Được biết, trước đó vào ngày 4-11, đích thân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp đến khu vực bờ kè này thị sát. Trước nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng, thậm chí có thể cuốn trôi nhà cửa, tài sản của dân, ông Thơ yêu cầu chính quyền địa phương phải lên phương án di dời khẩn cấp đến chỗ an toàn đối với các hộ dân đang sinh sống tại đây. Sau bão, cần sớm có phương án khẩn trương triển khai xây dựng kè.
Còn theo ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: Hiện địa phương có 350 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguy cơ sạt lở bờ biển.
Trước thực trạng đáng lo ngại, UBND TP Đà Nẵng đã đầu tư dự án xây kè chống sạt lở, chắn sóng nói trên. Nhưng đúng như những gì người dân phản ánh, dự án “đắp chiếu” mấy tháng trời khiến người dân khốn đốn khi mưa bão về. Thực tế thời điểm hiện tại, ảnh hưởng của bão số 12, chính quyền phường phải di dời nhiều hộ dân vào vùng an toàn.
Nói về những tai tiếng trước đây của dự án, ông Việt cho hay, trong quá trình thi công đã xảy ra những bất cập khiến người dân và các đơn vị lân cận bức xúc. Cụ thể, khi thi công đến khu vực tổ 9 (Hòa Hiệp Bắc) làm ảnh hưởng khoảng 200 ngôi nhà của người dân.
Ông Việt cũng thừa nhận, đối với các hộ ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ đầu tư đã hỗ trợ tiền thuê trọ ban đầu cho họ tạm định cư nơi khác. Đối với các hộ bị nứt nhà, người dân đồng tình với việc chủ sẽ thực hiện đền bù sau khi công trình hoàn thành.
Cũng theo vị Chủ tịch phường, với tầm quản lý cấp cơ sở, ông không nắm được chính xác khi nào dự án mới khởi động lại. Thậm chí, bất lực với tình trạng này, mới đây, phường Hòa Hiệp Bắc tự bỏ hơn 300 triệu đồng làm kè tạm bằng các rọ đá để bảo vệ người trước mùa mừa mưa bão.
Trong khi đó, tin từ UBND quận Liên Chiểu thể hiện, theo hồ sơ dự án kè biển Liên Chiểu thì đã cơ bản hoàn thành. Hiện, chỉ còn việc đóng cọc thi công tại 350m còn lại (350m sạt lở nghiêm trọng nhất –PV) là chưa được thực hiện.
Theo lý giải của địa phương này, lý do dự án “đắp chiếu” trong thời gian qua là do những vướng mắc về vốn, thủ tục, mà quan trọng nhất là hạng mục đóng cọc kè cho đoạn bờ biển này còn… chờ ngành chức năng bổ sung đầu thầu mới có thể thi công. Riêng về việc hỗ trợ người dân từ đền bù đến di dời, đảm bảo an toàn mùa lũ, quận Liên Chiểu cũng khẳng định sẽ thực hiện đúng.