Đối thoại với người dân Quảng Nam trong vùng nuôi tôm tập trung

Thứ Năm, 27/10/2016, 08:58
Báo CAND đã có bài phản ánh, vào ngày 17-2, khi đơn vị thi công xây dựng ao lắng tại thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam), một phần trong dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, tổ chức làm lán trại phục vụ cho công tác thi công thì gặp phải sự cản trở của người dân địa phương này.

Người dân thôn Long Thạnh lo lắng việc thực hiện dự án sẽ làm cho nước mặn của biển trong ao lắng thẩm thấu xuống đất ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm sinh hoạt; khi xây dựng ao lắng sẽ làm cản trở con đường đi ra biển, nơi có tàu thuyền của họ thường neo đậu…

Chiều 25-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi đối thoại với người dân thôn Long Thạnh. Tại buổi đối thoại, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản xã Tam Tiến được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt vào tháng 12-2015, với tổng kinh phí 41 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 37 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh. 

Dự án có 2 hạng mục đầu tư triển khai ở 2 thôn Long Thạnh và Diêm Trà của xã Tam Tiến. Theo thiết kế ban đầu, dự án sẽ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm tập trung rộng 45ha ở thôn Diêm Trà. Tại thôn Long Thạnh, dự án sẽ triển khai xây dựng một ao lắng rộng 5ha, với một trạm bơm nước lớn đặt ngoài bờ biển để lấy nước biển vào ao, sau đó thông qua hệ thống đường ống dẫn vào các ao nuôi tôm trên cát tại thôn Diêm Trà…

Trước những lo lắng của người dân thôn Long Thạnh, các bên liên quan đã điều chỉnh dự án theo hướng không xây ao chứa nước biển để lắng như thiết kế cũ mà chuyển sang xây dựng đài nước trên cao với dung tích 50m3, sử dụng 28 máy bơm đặt cách bờ biển 100m với tổng công suất 1.800m³/h...

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chủ trì buổi đối thoại, khẳng định dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra mô hình mẫu trong việc quy hoạch vùng nuôi tôm, chấm dứt tình trạng nuôi tôm tự phát kéo dài nhiều năm tại các huyện ven biển. Đây là công trình dân sinh có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của địa phương. 

Hiện nay, việc phân bổ nguồn vốn của Trung ương và tỉnh Quảng Nam rất khó khăn nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho dự án nuôi tôm bền vững tại đây. Chính vì vậy, đề nghị người dân thôn Long Thạnh cần cân nhắc những lợi ích lâu dài, vì sự phát triển chung của địa phương để dự án được sớm triển khai.

N.Thi
.
.
.