Doanh nghiệp khai thác đá gây khó cho người dân
Tìm hiểu được biết, sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Vạn Xuân- Huế để thực hiện đầu tư dự án khai thác và chế biến đá gabro (còn gọi là đá đen Huế), tại thôn Bát Sơn, vào ngày 20-12-2010, Bộ TN&MT có quyết định cho phép công ty này khai thác đá gabro và gabrodiorit làm đá ốp lát bằng phương pháp lộ thiên, với diện tích 70,9ha, trữ lượng khai thác 5,9 triệu m3 đá, thời hạn khai thác 30 năm kể từ ngày cấp giấy phép. Đến nay, Công ty Vạn Xuân- Huế đang thực hiện giai đoạn 1 của dự án trên diện tích 49ha đất; tiến hành bóc tách tầng phủ để khoan thăm dò lấy đá và xây dựng một số công trình nhà xưởng, nhà điều hành dự án...
Ông Nguyễn Đình Cát, trưởng thôn Bát Sơn cho biết, kể từ khi Công ty Vạn Xuân-Huế tiến hành bóc phủ tầng mặt đã làm lượng lớn đất ở khu mỏ trôi xuống bồi lấp khoảng 4ha ruộng của người dân. “Trước khi làm mỏ đá này, đại diện của công ty về gặp người dân trong thôn và hứa sẽ tạo điều kiện để người dân sinh sống. Nhưng khi khai thác mỏ, ruộng đồng của dân bị bồi lấp mà vẫn chưa thấy công ty hỗ trợ, đền bù. Để có thể sản xuất, bà con phải tự khắc phục, và hiện vẫn còn 1,3ha ruộng bị bồi lấp...”, ông Cát nói.
Đáng nói, từ QL1A dẫn vào thôn Bát Sơn có một tuyến đường dân sinh để phục vụ việc đi lại của người dân. Sau khi được cấp mỏ, Công ty Vạn Xuân-Huế cho mở con đường này rộng hơn cho xe tải trọng lớn có thể ra vào mỏ đá và đã dựng barie ngay giữa đường này khiến các hộ dân có nhà nằm sát mỏ đá đi lại khó khăn, bất tiện.
Người dân thôn Bát Sơn, xã Lộc Điền bức xúc phản ánh việc Công ty Vạn Xuân-Huế khai thác mỏ đá rào chắn đường đi. |
Ông Lê Chí Hòa (62 tuổi, trú thôn Bát Sơn) bức xúc phản ảnh: “Gia đình tôi có một trang trại trồng trọt và chăn nuôi gia súc cạnh khu đồi nay được cấp cho Công ty Vạn Xuân- Huế làm mỏ đá. Sau khi xây dựng nhà xưởng sát bên phần đất của gia đình thì Công ty dựng một hàng rào thép gai và tre nứa ngăn con đường dẫn vào trang trại. Do bị bít lối đi, không có đường nào khác nên tôi đành phải bán gần hết đàn gia súc”.
Anh Võ Rin (38 tuổi, ở thôn Bát Sơn) có trang trại bên cạnh cũng phải bán tháo 40 con dê do đường đi dẫn vào khu chăn nuôi bị rào kín... “Họ rào chắn lối đi lại và lập barie giữa đường, chỉ mở khi có xe tải chạy qua nên người dân vất vả vô cùng. Mới đây, trong vụ thu hoạch lúa, bà con phải tự gánh lúa từ đồng ra ngoài chứ các phương tiện vận chuyển không thể đi vào được đường này”, anh Rin khẳng định thêm...
Để có thông tin nhiều chiều, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ vào số điện thoại của ông Trần Phan Anh, Giám đốc Công ty Vạn Xuân-Huế nhưng ông Anh không bắt máy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Sa, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền, xác nhận, trong quá trình thực hiện dự án, mỏ đá của Công ty Vạn Xuân- Huế đã gây bồi lấp nhiều diện tích đồng ruộng của người dân. UBND xã đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty Vạn Xuân-Huế và phía công ty đồng ý hỗ trợ cho người dân để khắc phục đồng ruộng.
Riêng việc Công ty Vạn Xuân-Huế khai thác mỏ lập barie giữa đường là để bảo vệ tài sản và đảm bảo an toàn trong lúc nổ mìn. Địa phương cũng đã yêu cầu công ty phải mở barie vào ban ngày để người dân đi lại, sản xuất...