Đổ xô dựng nhà tạm trong vùng quy hoạch để chờ... đền bù

Chủ Nhật, 06/05/2018, 10:14
Hàng chục hộ dân tại các xã miền núi Phước Mỹ và Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, rủ nhau dựng “nhà tạm” trong vùng quy hoạch dự án thủy điện Nước Chè để chờ… tiền đền bù. 

Việc làm nhà trái phép, chặt phá rừng để lấy gỗ làm nhà chờ đền bù đã trở thành tiền lệ xấu ở các địa phương trên cần phải ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

Sau khi dự án thủy điện Nước Chè được công bố, nhiều người dân sinh sống tại các xã Phước Năng và Phước Mỹ lên rừng đốn hạ cây lấy gỗ, mua nguyên liệu để dựng nhà, đào ao thả cá… ngay trong diện tích đất đã quy hoạch xây dựng dự án này. Hàng chục ngôi nhà gỗ mọc lên sát nhau ngay hai bên bờ sông Nước Chè, giữa rừng keo chỉ trong một thời gian ngắn. 

Anh H. (29 tuổi, trú thôn 3, Phước Mỹ) cho biết, gần một năm trở lại đây, khi nghe tin khu vực này chuẩn bị thực hiện dự án thủy điện, người dân đã rủ nhau nhau dựng nhà, đào ao, trồng cây để hy vọng “kiếm” tiền đền bù. 

“Dựng nhà thì rất đơn giản, cứ vào rừng đốn hạ cây đưa ra hai bên bờ sông cưa gỗ mang về đóng vách rồi lấy tôn cũ lợp lên. Những ngôi nhà có đường vào thuận tiện thì người dân lát nền xi măng để có khoản đền bù cao hơn. Còn những ngôi nhà nằm theo triền suối, bên bờ sông, thì chỉ dựng tạm, đóng vách ván, mái lợp tôn là được rồi”, anh H. nói.

Ông C. (52 tuổi, trú thôn 2, Phước Mỹ) đang vận chuyển tôn để hoàn thành nốt căn nhà tạm tại đây nói rằng, việc làm nhà tạm không phải để ở, nhưng muốn làm nhà thì phải làm trên diện tích đất rẫy nhà mình. Có khi một miếng rẫy chỉ hơn 5 sào mà có tới 3-4 căn nhà. “Càng dựng được nhiều nhà thì sẽ càng được đền bù nhiều tiền”, ông C. thản nhiên bảo. 

Theo quan sát của chúng tôi, ngôi nhà của ông C. và những ngôi nhà khác tại đây được dựng lên khá tạm bợ. Những ngôi “nhà tạm” này có diện tích khoảng từ 10-12m², được dựng lên giữa rừng keo và sát với khe nước chảy. 

Có những ngôi nhà đã bị xói lở một góc nhà, bờ tường xiêu vẹo do những trận mưa chiều đầu tháng 4 vừa qua. Loại nhà này cột làm bằng những cây gỗ nhỏ, bốn vách ván gỗ tạp, mái lợp tôn, nền được tráng một lớp xi măng mỏng dính, được dựng lên dọc theo triền núi sông Nước Chè. 

Thậm chí, có 7-8 căn nhà mọc san sát nhau ngay giữa con nước suối đang chảy. Nhiều ngôi nhà đang làm dở dang, chỉ vừa kịp làm phần khung sơ sài… 

Ông C. giải thích rằng, những ngôi nhà làm chưa xong là do chủ hộ chờ chủ đầu tư thông báo đi kiểm kê thì tập trung làm để ngôi nhà tạm mới hơn, khỏi bị hư hỏng trước ngày đền bù. Như thế sẽ đền bù giá cao hơn.

Không chỉ ở các thôn làng thuộc xã Phước Mỹ mà ở xã Phước Năng cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Bê, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ (Phước Sơn) cho rằng, xã có biết việc người dân dựng nhà tạm chờ đền bù. Nhưng họ làm chòi trên đất của họ nên xã không thể can thiệp. 

Theo ông Bê, dự án thủy điện Nước Chè ảnh hưởng đến hơn 60ha diện tích đất của địa phương.    

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định, vấn đề người dân xây dựng nhà trái phép chờ đền bù đã xảy ra từ năm 2017. 

“Huyện cũng đã có chỉ đạo cho các xã có trách nhiệm theo dõi, tuyên truyền vận động nhân dân không được xây nhà trái phép chờ đền bù, làm như vậy là không đúng. Chúng tôi cũng giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng sông Thanh phối hợp với các xã xử lý nếu có các trường hợp chặt phá rừng lấy gỗ làm nhà”, ông Hà nói. 

Hà Vy
.
.
.