Điều tra việc kê khống đất đai đền bù, trục lợi tiền tỷ

Thứ Hai, 14/05/2018, 06:12
Trong quá trình thực hiện công tác đền bù, dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (tỉnh Đắk Lắk) nhiều cán bộ đã kê khống diện tích đất đai đền bù để trục lợi hàng tỷ đồng.

Dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (tỉnh Đắk Lắk) được khởi công xây dựng từ tháng 6-2010, với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ do Bộ

NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Công trình nằm trên địa bàn 2 xã Cư Yang và Cư Bông của huyện Ea Kar được chia làm 3 hợp phần gồm: Thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, định canh. Trong đó, hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định canh, định cư được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011, với tổng mức đầu tư trên 949,5 tỷ đồng. Quy mô đầu tư là 2 khu tái định cư với tổng diện tích 991,4ha, phục vụ tái định cư cho 771 hộ dân.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ phục vụ tưới cho gần 15.000ha cây trồng các loại thuộc huyện Ea Kar và một phần huyện Krông Pắk; cấp nước sinh hoạt cho trên 70.000 người, cắt giảm và phòng lũ vùng hạ du… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định canh, định cư, nhiều cán bộ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhờ đứng tên, kê khống diện tích đất đai đền bù để trục lợi hàng tỷ đồng.

Ông Y Thiên Ktla (trú tại buôn Vân Kiều, xã Cư Elang, huyện Ea Kar), ngày 22-12-2016 được UBND huyện Ea Kar có quyết định phê duyệt đền bù số tiền 1 tỷ 159 triệu đồng trên tổng diện tích 2,29ha đất nông nghiệp trông cây lâu năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, gia đình ông Y Thiên Ktla không có bất cứ một diện tích đất nào nằm trong diện được đền bù.

Trao đổi với chúng tôi, ông Y Thiên Ktla cho biết, đầu năm 2016, ông N. (cán bộ địa chính của xã Cư Elang) có đến nhà nhờ ông đứng tên một mảnh đất sau buôn. “Sau khi đến nhà nhờ mình đứng tên, ông N. có hứa sẽ cho gia đình một ít tiền khi nhận được tiền đền bù. Thấy vậy mình đã đồng ý giúp.

Nhiều hộ dân sinh sống tại xã Cư Elang cho rằng, cán bộ địa chính xã đã nhờ họ đứng tên “giúp” để nhận tiền đền bù trái quy định.

Sau đó ông N. tự đứng ra lập hồ sơ, giấy tờ đưa cho vợ chồng mình ký. Khi cả 2 vợ chồng nhận số tiền đền bù hơn 1 tỷ đồng thì ông N. cầm hết. Sau này vợ chồng mình xin xỏ mãi thì ông N. mới đưa cho được 36 triệu đồng. Mình thấy cán bộ nhờ thì tin tưởng giúp chứ mình có biết gì đâu”, ông Y Thiên Ktla thật thà nói.

Cũng như ông Y Thiên Ktla, ông Y Thoai Byă (trú tại buôn Ea Rớt, xã Cư Elang) cho hay, gia đình ông không có đất nằm trong diện được đền bù nhưng đầu năm 2017, ông T. N. (cán bộ địa chính xã Cư Elang) có nhờ gia đình ông đứng tên trên một mảnh đất 2,25ha đất trồng cây lâu năm để làm thủ tục nhận tiền đền bù.

“Sau khi tự đứng ra làm giấy tờ, hồ sơ, ông T.N. đưa vợ chồng mình ký nhận số tiền 1 tỷ 118 triệu đồng. Sau đó ông T.N. có chia lại cho gia đình mình 300 triệu gọi là “tiền công” vì đã giúp ông ấy. Không biết ông ấy lấy đất ở đâu ra chứ đất gia đình mình nằm ngoài khu dự án”, ông Y Thoai Byă nói.

Theo UBND huyện Ea Kar cho biết, đến nay đã có 5 hộ dân nhận số tiền khoảng 6 tỷ đồng “không đúng quy định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Làm việc với cơ quan chức năng, các hộ dân đều cho rằng, họ đã được một số cán bộ địa chính xã Cư Elang nhờ đứng tên để nhận tiền bồi thường.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Đỗ Văn Hưu, Chủ tịch UBND xã Cư Elang cho biết các cán bộ địa chính xã Cư Elang bị người dân tố giác việc “nhờ” người khác đứng tên để trục lợi tiền đền bù.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã đã mời cả 3 cán bộ này lên làm việc. Tại buổi làm việc, cả 3 người bị tố đều thừa nhận có “dính líu” tới vụ việc. Nhận thấy tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ việc nên UBND xã đã báo cáo lên UBND huyện Ea Kar có hướng xử lý. Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra, làm rõ. 

Cũng theo ông Hưu, trước đó, ngày 16-1-2013, UBND huyện Ea Kar có văn bản thông báo về việc thu hồi, di dân tái định cư, nghiêm cấm sang nhượng, xây dựng công trình, trồng cây lâu năm trên diện tích đất nằm trong dự án. 

“Tuy nhiên, lợi dụng sự kém hiểu biết, ít thông tin về quy hoạch của người dân, các cán bộ địa chính, cán bộ xã đã đi “mua gom” nhiều diện tích đất thuộc dự án để sau này nhận tiền bồi thường. 

Do vụ việc đang được Công an điều tra, xác minh làm rõ nên việc giải quyết số tiền bồi thường chi sai cho các hộ dân chưa thể thu hồi, xử lý vì phải chờ kết quả điều tra”, ông Hưu thông tin thêm.

Đại tá Nguyễn Trọng Hà, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang thụ lý điều tra các sai phạm xảy ra tại dự án hồ Krông Pắk Thượng.

“Trong đó, PC46 cũng đang điều tra dấu hiệu tiêu cực, trục lợi từ nguồn tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo tố cáo của người dân. Kết quả cụ thể như thế nào sẽ thông tin sau”, Đại tá Hà nói.

Văn Thành
.
.
.