Đất nông trường - Cổ phần không xong, người dân khốn khổ

Chủ Nhật, 30/09/2018, 06:23
Hồ hởi đưa gia đình đi xây dựng kinh tế mới, nhận hợp đồng giao khoán và quyết định giao đất ở, có cả tiền hỗ trợ làm nhà, nhưng hơn 20 năm sau, các hộ dân mới “ngã ngửa” với bản kết luận thanh tra khẳng định việc giao đất trên là không đúng pháp luật. Sau cổ phần hóa Nông trường Việt Nam – Mông Cổ (Nông trường Việt Mông) là những vấn đề phát sinh mà nhiều năm nay vẫn bùng nhùng, chưa giải quyết được.


Bài 2: Đoạn trường 20 năm nhận đất, xây vùng kinh tế mới!

Hơn 1.000 héc ta chưa thể bàn giao

Ngày 15-6-1989, UBND huyện Ba Vì có Thông báo số 28/TB-UB về chế độ trợ cấp đối với nhân dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới nội tỉnh. Thông báo này căn cứ và Quyết định số 95/CP ngày 27-3-1980 của Hội đồng Chính phủ về chế độ đối với nhân dân đi khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới.

Thời điểm đó, Nông trường Việt Mông (trực thuộc Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đã ký tổng số 1.400 hợp đồng giao khoán đất trồng cây hằng năm và cây lâu năm cho các hộ nhận khoán, với tổng diện tích là 361,14ha (trong đó đất ở là 27,96ha), thời hạn giao khoán 50 năm, mỗi hộ được giao 300m2 đất ở. (Trong khi Thông báo số 28/TB-UB của UBND huyện Ba Vì lại là 500m2 đất ở).

Các hộ dân ở xã Yên Bài phản ánh tình trạng khó khăn trong đời sống, kinh tế của gia đình.

Tin tưởng hợp đồng giao khoán của nông trường và văn bản thể hiện việc giao đất, hỗ trợ các hộ dân ổn định cuộc sống, hàng nghìn hộ dân cứ thế yên tâm sinh sống và lao động sản xuất trên vùng đất mới. Năm 2007, Nông trường Việt Mông tiến hành cổ phần hóa. 

Tại Công văn số 5545/VPCP-NN truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với một số tỉnh (trong có tỉnh Hà Tây) chỉ đạo chặt chẽ việc chuyển giao đất đai về cho địa phương quản lý theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, không gây mất ổn định và phát sinh khiếu kiện ở địa phương.

Các văn bản chỉ đạo của Bộ và các cơ quan chức năng đều khẳng định, diện tích đất không có nhu cầu sử dụng phải bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai. Ngày chuyển đến vùng đất mới lập nghiệp, các hộ dân xác định sẽ không trở lại nơi ở cũ. 

Một người dân phản ánh: “Khi đi, chúng tôi đã bàn giao lại đất, bán tài sản. Lập nghiệp ở nơi mới với điều kiện rất khó khăn. Vậy mà đến nay, tức là gần 30 năm sau chúng tôi không có trong tay một tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Vướng mắc giữa các cơ quan nhà nước như thế nào thì chúng tôi không tường, nhưng người dân chúng tôi cần được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế”.

Mặc dù đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, nhân dân được giao khoán và chính quyền địa phương đều có nguyện vọng được chuyển giao, tiếp nhận đất đai để quản lý ổn định, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chỉ đạo đó vẫn chưa được thực hiện.

Đất đai trên giấy tờ thì vẫn do Công ty cổ phần (CP) Việt Mông quản lý, trong khi số nhân khẩu thuộc Nông trường Việt Mông trước đây được bàn giao về hai xã quản lý là xã Vân Hòa và xã Yên Bài. Tại sao lại như vậy?

Do giao đất trái thẩm quyền hay tại “làng sinh thái chè”?

Sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Việt Mông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) không bàn giao diện tích nhận khoán của các hộ về địa phương quản lý mà xin lập dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông”. Dự án được UBND tỉnh Hà Tây chấp thuận về chủ trương và được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, với quy mô sử dụng đất là 941ha, do Công ty CP Việt Mông làm chủ đầu tư. Sau đó tỉnh Hà Tây hợp nhất về Hà Nội nên dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” phải dừng triển khai để thực hiện rà soát lại.

Về dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông”, các hộ dân được giao đã không đồng tình với chủ trương này. Họ cho rằng, đời sống người dân đang dần ổn định, đường sá được bê tông hóa, các nương chè và vườn cây ăn quả đã cho nguồn thu hoạch tương đối cao. 

Trong khi, cạnh đó đã có Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bởi thế, người dân đã gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng, đề nghị được chuyển giao đất đai từ Công ty Việt Mông về cho chính quyền địa phương quản lý và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thành lập Đoàn thanh tra liên ngành với sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội để thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của Nông trường Việt Mông. 

Một năm sau, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kết luận thanh tra số 1806/KL-BTNMT về việc chấp hành pháp luật đất đai của Công ty CP Việt Mông tại huyện Ba Vì. Kết luận cho biết, theo phương án cổ phần hóa, tổng diện tích (đất gắn liền với tài sản theo giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa) là 29,86ha để lại cho Công ty CP Việt Mông, diện tích bàn giao lại cho địa phương quản lý là 1.087,13ha. 

Tại thời điểm thanh tra, 900 hộ nhận khoán đất của Nông trường Việt Mông đã chuyển hộ khẩu về địa phương; năm 2010 UBND TP Hà Nội quyết định thành lập các thôn mới. Phần lớn các hộ nhận khoán làm nhà ở và sinh sống trên diện tích đất nhận khoán của nông trường theo mô hình kinh tế hộ. Nhiều hộ có hợp đồng khoán hoặc sổ khoán đã chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các hộ khác để làm trang trại hoặc xây dựng biệt thự nhà vườn với diện tích lớn.

Kết luận thanh tra chỉ rõ một loạt sai phạm tại Nông trường Việt Mông. Trong đó khẳng định, việc nông trường ký hợp đồng, ngoài diện tích giao khoán đất nông nghiệp, mỗi hộ còn được giao 300m2 đất ở và giao khoán đất trồng cây hàng năm thời hạn 50 năm là không đúng quy định tại Nghị định 01/1995/NĐ-CP về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước. 

Trách nhiệm để xảy ra vi phạm này thuộc về Ban Giám đốc Nông trường Việt Mông qua các thời kỳ mà đứng đầu là các Giám đốc nông trường. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai tại Nông trường Việt Mông, chưa chỉ đạo chuẩn bị tốt việc thẩm định và phê duyệt phương án cổ phần hóa; phối hợp không chặt chẽ với UBND tỉnh Hà Tây… 

UBND TP Hà Nội cũng bị quy trách nhiệm khi không kịp thời, thiếu kiên quyết và chưa nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5545/VPCP-NN ngày 2-10-2007 và Văn bản số 4020/VPCP-KNTN ngày 17-6-2011 của Văn phòng Chính phủ.

Mặc dù kết luận thanh tra khẳng định việc giao đất của nông trường là sai, nhưng không thể bắt người dân phải chịu hậu quả này mà các cơ quan chức năng phải có hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bởi, các hộ dân đi làm kinh tế mới, họ được quyền có chỗ ở. Và rõ ràng, họ đã sinh sống, ở ổn định từ năm 1989, trước khi Luật Đất đai có hiệu lực.

Nhiều năm nay, chính quyền cấp xã, huyện đã làm hết văn bản này, công văn nọ để đề nghị chuyển giao đất nhằm thống nhất quản lý, đảm bảo an ninh nông thôn và phát triển kinh tế địa phương nhưng chưa được. Vậy là, sau cổ phần hóa 11 năm, sau kết luận thanh tra 5 năm, người dân sống trên đất nông trường vẫn đang mong mỏi một cuộc chuyển giao để hợp thức hóa những gì mà họ đáng được hưởng sau mấy chục năm vất vả đi vùng kinh tế mới với hy vọng đổi đời.

“Việc nông trường ký hợp đồng giao khoán, lập sổ khoán có cả đất ở với các hộ nhận khoán; giao khoán đất dịch vụ và quyết định giao đất, khoán đất cho các tổ chức để xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên là không chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đây là những tồn tại, sai phạm về công tác quản lý, sử dụng đất trong suốt thời gian dài ở Nông trường Việt Mông”.

(Kết luận thanh tra số 1806/KL-BTNMT ngày 15-5-2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Việt Hà – Trần Huy
.
.
.