Đất nông trường - Cổ phần không xong, người dân khốn khổ

Thứ Bảy, 29/09/2018, 10:50
LTS: Những năm qua, tình trạng buôn bán, xây dựng trái phép trên đất rừng, đất nông trường ở nhiều nơi tại Ba Vì, Hà Nội “nóng” hơn bao giờ hết. Sự chồng chéo trong quản lý đã dẫn đến tài nguyên bị thất thoát, đất nông trường bị mua bán trao tay, chính quyền địa phương thì xử lý lúng túng. Đó là hậu quả của sự buông lỏng quản lý, là kết quả của hậu cổ phần hoá không thành công. Nhiều người dân ở trên đất nông trường giờ đang rơi vào cảnh khốn khổ.

Bài 1: Sống chật trên đất rộng

Sống giữa nguồn tài nguyên đất mênh mông, giữa không gian thơ mộng, không khí trong lành hiếm hoi của Hà Nội, nhưng nhiều người dân phải chen chúc trong những ngôi nhà chật hẹp. Hết thế hệ ông, cha, con lần lượt sinh sống, bám trụ ở vùng đất này nhưng họ bị hạn chế đủ thứ: Không được làm nhà, cơi nới, cải tạo; không có sổ đỏ để vay vốn phát triển kinh tế…

Chưa “an cư” nên không thể “lạc nghiệp”

Căn nhà 3 gian nằm ven trục đường chính dẫn qua thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội của gia đình bà Đỗ Thị Tuyết, 64 tuổi, đã quá cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. Đây là nơi ở của 3 thế hệ với 9 nhân khẩu. Quần áo phơi kín hiên nhà. Ngôi nhà chật chội đó lại là nơi cư ngụ của 3 cặp vợ chồng. Chỉ duy nhất có một căn buồng riêng. Còn lại 2 cặp vợ chồng phải ở trên hai chiếc giường kê hai góc nhà. Ở giữa là bộ bàn ghế uống nước. Bọn trẻ con cũng nằm ngủ chung với bố mẹ trên chiếc giường đó.

Nhiều hộ như gia đình bà Đỗ Thị Tuyết gồm nhiều cặp vợ chồng sống chung trong ngôi nhà cấp 4 chật chội.

Do nhà chật, lại không được phép cải tạo, xây mới nên họ bất đắc dĩ phải kê thêm chiếc giường ngay trong khoảng sân đặt lò sao chè. Bà Tuyết kể: “Vợ chồng tôi đến đây làm kinh tế mới năm 1989, lúc đó cậu con trai út cũng đã 17 tuổi. Thời kỳ mới vào, mọi thứ đều thiếu thốn, cuộc sống vất vả. Đến nay, gia đình đã có của ăn, của để và muốn cải tạo, xây dựng thêm chỗ ở cho con, cho cháu mà không được, vẫn phải ở chật chội thế này đây!”. Bà Tuyết cũng như gần nghìn hộ dân ở xã Yên Bài này đều không được xây dựng vì chính quyền địa phương đã có thông báo giữ nguyên trạng diện tích đất, không cấp phép xây dựng cho bất cứ trường hợp nào được giao khoán mà cơ quan có thẩm quyền chưa cấp sổ đỏ.

Nhìn hình ảnh vợ chồng anh Nguyễn Văn Quân – con bà Tuyết chơi đùa với hai cháu nhỏ Nguyễn Thị Hương Giang (lớp 3) và Nguyễn Mai Phương (gần 3 tuổi) trong khoảng sân trước hiên căn nhà đã xuống cấp, chúng tôi thấy ngậm  ngùi. 

Tìm hiểu ở Yên Bài chúng tôi thấy rằng, nhiều gia đình tách hộ cho con ở riêng, có nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình chăn nuôi và xây mới trên diện tích đất được giao khoán trước đó nhưng cũng đều “bó tay”. Một số hộ gia đình vì bức bách nơi ở, có nhu cầu kinh doanh đã đánh liều xây dựng. Tuy nhiên, sau đó chính quyền địa phương đã lập biên bản đình chỉ, cưỡng chế. Từ đầu năm 2018 đến nay có 4 công trình xây dựng vi phạm với diện tích lớn bị UBND xã Yên Bài lập biên bản giữ nguyên hiện trạng, cưỡng chế.

“Chẳng lẽ đi kinh tế mới thì cứ nghèo mãi?”

Phản ánh đến Báo CAND, đại diện các hộ dân ở thôn Quảng Phúc và Phú Yên (xã Yên Bài) bức xúc cho biết, đại đa số người dân của hai thôn thực hiện chủ trương của UBND huyện Ba Vì và các xã lân cận đã rời quê hương đi xây dựng vùng kinh tế nội tỉnh ở Yên Bài từ năm 1989. Công việc chủ yếu hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong diện tích đất của Nông trường hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ (gọi tắt là Nông trường Việt Mông). Sau gần 30 năm, mặc dù sinh sống và làm việc ổn định trên phần diện tích được giao khoán trước đó, song hầu hết các hộ dân chưa được cấp sổ đỏ khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế.

Một công trình xây dựng đang bị đình chỉ thi công tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.

Ông Dương Văn Hùng, Trưởng thôn Quảng Phúc cho biết, thôn có 277 hộ dân, với 1.160 nhân khẩu, hiện mới chỉ có 14 hộ dân được cấp sổ đỏ là các hộ dân sinh sống lâu đời ở đây. Còn lại đa phần là các hộ gia đình lên khu vực Nông trường Việt Mông sinh sống và làm kinh tế mới theo Quyết định 248/TCCB ngày 6-11-1989 và Thông báo số 28/TB-UB ngày 15-6-1989 của Chủ tịch UBND huyện Ba Vì. Cấp đất giao cho mỗi hộ vùng kinh tế mới của huyện tại Nông trường Việt Mông từ 1,2 – 1,5 ha (trong đó có 500m2 đất thổ cư), số còn lại là vườn hộ sản xuất theo quy hoạch chung của nông trường trồng chè, nuôi bò…

“Từ đó đến nay, các hộ dân đều thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước là đóng thuế đất. Vậy nhưng, giờ bà con vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục cấp sổ đỏ cho phần diện tích đất ở để yên tâm ổn định cuộc sống, lao động sản xuất”, ông Dương Văn Hùng cho biết thêm. Hơn nữa, nhiều bà con có nhu cầu vay vốn ngân hàng làm kinh tế nhưng các hộ dân chỉ vay theo hình thức tín chấp, tối đa được 50 triệu đồng, không thể làm ăn lớn một mặt vì không có tiền, một mặt thì không được xây dựng công trình, sửa chữa cơ sở kinh doanh…

Tại Yên Bài, chúng tôi đã gặp ông Đỗ Huy Đức – Bí thư Chi bộ và anh Nguyễn Văn Lượng, Phó trưởng thôn Quảng Phúc.

Ông Đỗ Huy Đức cũng là một trong những người đầu tiên có mặt tại vùng đất này vào thời điểm thực hiện chủ trương của UBND huyện về di dân xây dựng các vùng kinh tế mới nội tỉnh. Theo ông Đức, thời điểm ông cùng mọi người (chủ yếu thuộc các xã ở vùng bãi lở sông Hồng như: Tòng Bạt, Phú Châu, Minh Châu…) về vùng đất mới cây cối vẫn rậm rạp, đường đi hiểm trở, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có điện, không có nước sạch…

Các hộ dân phải đối diện với vô vàn khó khăn. Đến nay, qua gần 30 năm cư trú và lao động sản xuất, các hộ dân ở trên diện tích rộng nhưng muốn xây dựng chỗ ở khang trang, rộng rãi, muốn phát triển kinh tế hoặc bán đất… mà không được. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết, các hộ dân đã kiến nghị được cấp sổ đỏ từ nhiều năm nay. Kiến nghị của người dân sau khi tiếp nhận cũng đã được xã báo cáo lên UBND huyện. Năm 2017, các hộ có đất thuộc Nông trường Việt Mông (cũ) – nay là Công ty Cổ phần Việt Mông đã tiến hành kê khai diện tích đất phi nông nghiệp theo quy định và đã thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, xã mới chỉ tiếp nhận về mặt con người, còn đất đai thì chưa nên dẫn đến tình trạng các hộ dân chưa được hoàn thiện thủ tục cấp sổ đỏ theo nguyện vọng.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Huy, do phần diện tích đất của các hộ dân nhận giao khoán trước đó chưa được xử lý dứt điểm nên đã diễn ra tình trạng mua bán đất trao tay, dẫn đến tranh chấp trong quá trình mua bán sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự. 

Nông trường Việt Mông được tách ra từ Nông trường Ba Vì năm 1984, có nhiệm vụ duy trì và phát triển đàn bò giống, bò thịt quốc gia. Ngoài ra, Nông trường còn phải tiếp nhận số lao động di dân từ bãi lở ven sông Hồng thuộc huyện Ba Vì và Phúc Thọ theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2006, Nông trường Việt Mông chuyển thành Công ty Cổ phần giống gia súc (nay là Công ty Cổ phần Việt Mông) theo phương thức bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Việt Hà – Trần Huy
.
.
.