Đất nông trường bị chuyển nhượng, lấn chiếm và để hoang hóa

Thứ Sáu, 14/12/2012, 09:58
Cách đây vài năm, khi cơn sốt đất Ba Vì lên đến đỉnh điểm, người ta đua nhau mang đất nhà nước ra bán như của... nhà mình, để thu những khoản tiền khổng lồ; UBND TP Hà Nội đã cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng quản lý đất đai nông trường, lâm trường, trạm trại trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng không có gì sáng sủa hơn.

Trước thực trạng vi phạm tràn lan trong quản lý đất đai nông lâm trường quốc doanh trên phạm vi cả nước, sáng 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo về vấn đề này, với sự tham gia của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Qua khảo khát trên cả nước cho thấy đất đai nông lâm trường bị bỏ hoang hóa, bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép... diễn ra phổ biến, nhức nhối và vô cùng khó giải quyết.

Theo báo cáo tại Hội thảo, kết quả rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai nông trường, lâm trường, trạm trại (NLT) của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho thấy một bức tranh thực sự lộn xộn của việc quản lý nguồn đất này. Hầu hết các NLT không có bản đồ, hồ sơ địa chính; việc thống kê, kiểm kê, rà soát hiện trạng sử dụng đất hằng năm cũng thực hiện không đầy đủ... Hồ sơ, nguồn gốc đất của nhiều NLT thiếu chính xác, chênh lệch lớn giữa diện tích thực tế quản lý với diện tích được giao. Nhức nhối kéo dài nhiều năm nay là tình trạng sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở trái pháp luật diễn ra khá phức tạp, rất khó xử lý. Thực ra tình trạng này không phải hiện giờ mới được phát hiện.

Nhiều khu đất nông lâm trường nhà nước bị rao bán như tài sản cá nhân.

Cách đây vài năm, khi cơn sốt đất Ba Vì lên đến đỉnh điểm, người ta đua nhau mang đất nhà nước ra bán như của... nhà mình, để thu những khoản tiền khổng lồ; UBND TP Hà Nội đã cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng quản lý đất đai NLT trên địa bàn. Tuy nhiên từ bấy đến nay, tình trạng không có gì sáng sủa hơn.

Báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho thấy: Tính đến hết năm 2011, cả nước hiện có 664 NLT và ban quản lý rừng, đang sử dụng hơn 6,8 triệu ha đất. Tuy sử dụng một diện tích đất khổng lồ như vậy, nhưng hiệu quả kinh tế từ các NLT mang lại không nhiều. Tình trạng để đất đai hoang hóa, bị lấn chiếm, cho thuê trái thẩm quyền diễn ra phổ biến.

Ông Trần Hồng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê (Tổng cục Quản lý đất đai) nhận định, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật trong các NLT diễn ra phổ biến, kéo dài nhiều năm nhưng chậm giải quyết. Kết quả kiểm kê tình hình sử dụng đất cho thấy, cả nước có 185 NLT bị chiếm đất đai với diện tích hơn 240.000 ha; 54 NLT đang có tranh chấp với diện tích hơn 11.000ha. Cũng theo ông Phi, ngoài diện tích rừng bị lấn chiếm thì hiện vẫn còn đến hơn 315.000 ha đất NLT bỏ hoang hóa...

Trước thực trạng trên, ông Phi cho rằng, nên mạnh dạn xem xét giải thể các NLT hoạt động không hiệu quả, hoặc quản lý yếu kém để tình trạng lấn chiếm xảy ra. Thu hồi, xử lý đối với những diện tích đất NLT để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, chuyển nhượng...

Yến Hân
.
.
.