Viết tiếp bài "Xung quanh việc khó di dời các phương tiện thủy, sàn nổi ở Hồ Tây"

Thứ Sáu, 24/06/2016, 09:03
Để làm rõ nguyên nhân vì sao hàng loạt nhà hàng nổi, du thuyền không có phép mà vẫn hoạt động công khai, trong khi cơ quan chức năng không thể thực hiện di dời, liệu rằng, có sự lơ là trách nhiệm ở đây?


Phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý Hồ Tây (thuộc Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ), lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội. Thế nhưng, sau khi làm việc, điều phóng viên nhận thấy,  dường như ở đây còn có sự ùn đẩy trách nhiệm, ùn đẩy cái “khó” cho nhau.

Ban Quản lý Dự án Tây Hồ: “Chúng tôi đã làm đầy đủ nhiệm vụ”

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Đỗ Hùng Vương, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Tây, đơn vị được UBND quận Tây Hồ giao thực hiện quản lý hoạt động tàu thuyền, cũng như thực hiện các phương án di chuyển tàu thuyền về khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân) cũng thừa nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh nhà hàng nổi từ số 2-7 Thụy Khuê đều hoạt động không phép. 

Ngày 17-3-2016, trong kết luận của đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, giao cho UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm thông báo tới các doanh nghiệp tàu thuyền đang hoạt động đến trước ngày 30-4-2016 là phải di chuyển về vị trí quy định. 

Sau 30-4, ai không di chuyển sẽ bị cưỡng chế. Cùng đó, quận Tây Hồ có nhiệm vụ sắp xếp nơi neo đậu mới ở đầm Bảy cho các tàu thuyền đủ điều kiện hoạt động, đồng thời tạo điều kiện về vấn đề cấp nước, thoát nước, cấp điện, làm đường… để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động.

Hồ Tây đang dần “nghẹt thở” vì hoạt động kinh doanh dịch vụ trên nhà nổi và ô nhiễm môi trường.

“Chúng tôi đã và đang làm đầy đủ 3 nhiệm vụ trên”, ông Vương khẳng định. Vị này cũng cho biết,sau thời điểm 30-4, việc di chuyển tàu thuyền như thế nào cưỡng chế ra sao với các DN không chịu chấp hành thuộc về trách nhiệm của Sở GTVT, vì Sở GTVT là cơ quan quản lý việc cấp phép mở bến, quản lý luồng tuyến trên đường thủy. 

Đến nay đã quá hạn, nhiều tàu thuyền không được di chuyển là trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội. Mặt khác, theo quy định, tại bến mới, cầu dẫn phải thống nhất theo một mẫu, nhưng đến giờ này Sở GTVT chưa cung cấp mẫu cầu tàu, thì các doanh nghiệp có tàu thuyền đưa về đấy, không có mẫu để làm, cũng đồng nghĩa với việc họ không thể hoạt động được.

Khi đặt thêm câu hỏi, với các doanh nghiệp hoạt động tàu thuyền trái phép ở trên, vì sao ban quản lý biết mà không xử lý? 

Ông Vương cũng cho rằng, ban không có chức năng xử lý, chỉ có Sở GTVT với có quyền kiểm tra giấy phép hoạt động bến bãi, tàu thuyền của họ. Song Phó Ban quản lý cũng thừa nhận, một số doanh nghiệp có tàu thuyền hoạt động, có đóng phí sử dụng mặt nước. Nhưng cho đến thời điểm này, nếu xét một cách công bằng thì tất cả các tàu thuyền hoạt động không phép trên đều không đủ điều kiện cấp phép, hoạt động ở bến mới.

Để tàu trái phép hoạt động là một phần lỗi của Sở GTVT Hà Nội

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, ông Nguyễn Việt Phương, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, để xảy ra tình trạng tàu thuyền hoạt động không phép trong nhiều năm qua là một phần lỗi của đơn vị.  Khi đặt câu hỏi, vậy trong từng đấy năm, công tác kiểm tra, thanh tra của Sở GTVT đối với hoạt động bến thủy trên Hồ Tây được thực hiện thế nào? 

Ông Phương cho biết, về việc kiểm tra các hoạt động trái phép, sai quy định của các du thuyền, nhà hàng, bến thủy trên Hồ Tây, Sở GTVT đã từng phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cảnh sát đường thủy Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã tiến hành đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa của các đơn vị đang hoạt động trái quy định trên hồ và xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền 61 triệu đồng với các lỗi vi phạm không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm hoặc giấy chứng nhận đăng kiểm hết hạn; không có bảo hiểm dân sự bắt buộc; không có sổ danh bạ thuyền viên; tự ý hoán cải phương tiện; chiếm giữ hè phố làm nơi trong giữ phương tiện để kinh doanh. 

Tuy nhiên các doanh nghiệp đang khai thác kinh doanh dịch vụ bến thủy nội địa Hồ Tây do lợi ích kinh tế vẫn cố tình hoạt động trái phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực. 

Trước thực tế này, Sở GTVT Hà Nội đã giao Thanh tra giao thông phối hợp với Công an thành phố, UBND quận Tây Hồ kiên quyết xử lý vi phạm của các doanh nghiệp hoạt động bến thủy nội địa trái phép trên hồ. 

Trước mắt chúng tôi sẽ yêu cầu cắt điện nước, để DN không thể hoạt động, tự giác chấp hành việc di dời. Nếu DN không tự giác tháo dỡ, di chuyển, sẽ đề nghị thành phố cho phép xử lý tịch thu và bán đấu giá để đảm bảo hiệu lực xử lý và tiết kiệm ngân sách nhà nước… 

Để đảm bảo việc đình chỉ có hiệu lực toàn bộ hoạt động của bến thủy trái phép tại khu vực Hồ Tây. Sở GTVT cũng đề nghị UBND thành phố giao cho quận Tây Hồ tổ chức làm lan can sắt chạy dọc khu vực bến thủy trái phép hiện nay, như hệ thống lan can đã làm tại bờ Hồ Tây phía đường Thanh Niên. 

Tuy nhiên, nói đến việc cấp phép cho các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết,  muốn cấp phép thì trước hết cơ sở hạ tầng về bến bãi phải đủ điều kiện. Song hiện nay, vấn đề này vẫn đang được quận Tây Hồ triển khai…

Nhìn lại sự việc có thể thấy, việc tàu thuyền hoạt động trái phép là sự thật. Nếu đã sai thì việc xử phạt, cưỡng chế, hay di dời cứ thế mà thực hiện. Song vì sao sự việc cứ nhùng nhằng mãi tới vài năm và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt? Liệu có chăng sự thiếu kiên quyết của đơn vị quản lý vận tải, cũng như địa phương?

Nói về phương án xây bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy, ông Đỗ Hùng Vương, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Tây cho biết, trên cơ sở hiện trạng các tàu thuyền, nhà chờ, bến đợi, cầu dẫn của doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên Hồ Tây, Ban đã lập ra phương án sắp xếpcho các phương tiện tại bến thủy nội địa mới. 

Cụ thể, theo phương án của kế hoạch trên, toàn bộ bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy được chia làm 2 khu vực. Khu vực một,  là nơi neo đậu của tàu thuyền… còn đủ điều kiện hoạt động, có chiều dài 200m và bố trí 5 cầu tàu, trong đó 4 cầu tàu cho tàu thuyền các DN neo đậu, 1 cầu tàu làm bến cứu hộ cho Ban Quản lý Hồ Tây; khu vực 2: Bố trí các sàn nổi, các phương tiện chưa đủ điều kiện hoạt động được di chuyển về chờ đăng ký đăng kiểm hoặc sẽ phải thanh thải.

Đặng Nhật
.
.
.