Cuối năm buôn lậu nóng bỏng trên tuyến biên giới (bài cuối)

Thứ Tư, 24/01/2018, 08:49
Những ngày cận Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu đang diễn ra nóng bỏng ở khu vực dọc đường 05, 06 (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc); khu vực Thác Ném, đường 386, Khơ Đa (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) của biên giới Lạng Sơn.

Từ tháng 1-2018, các lực lượng chống buôn lậu của Lạng Sơn đã mở đợt cao điểm tập trung đấu tranh mạnh vào các hoạt động vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất nhập khẩu để gian lận thương mại… Năm 2017, Lạng Sơn khởi tố 7 vụ buôn lậu hàng hóa qua biên giới và cho đến thời điểm này chưa phát hiện đường dây buôn lậu và kho chứa hàng lậu lớn.

Bài cuối: Phải quyết liệt ngăn chặn để không hình thành điểm nóng

Hàng lậu vận chuyển về đêm

Có mặt tại khu vực Đồng Đăng và cửa khẩu Cốc Nam, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là không khí vận chuyển hàng lậu không còn ồn ào như trước. Nếu như cách đây vài năm, từ hai bên cánh gà của cửa khẩu Cốc Nam và khu vực Đồng Đăng, Hang Dơi, xe mink chở hàng lậu náo nhiệt thì nay đã không còn. Tuy nhiên không phải vì thế mà vận chuyển hàng lậu tạm lắng, mà đã chuyển phương thức hoạt động vào ban đêm, sau đó đưa lên xe ôtô vận chuyển vào nội địa vào 3-4h sáng.

Đến đây vào buổi trưa, chúng tôi thấy xe ôtô qua lại không nhiều, thậm chí là vắng vẻ. Mỗi xe ôtô “cóc” từ Tân Thanh hay Cốc Nam về TP Lạng Sơn đều vận chuyển vài kiện hàng và kèm thêm chở người để đủ chi phí. Theo một tài xế xe ô tô “cóc” chạy tuyến Tân Thanh – TP Lạng Sơn, trước đây mỗi ngày chở đến chục chuyến hàng, nhưng nay chỉ còn một vài chuyến, nếu không bắt khách thì không đủ chi phí xăng dầu.

Lực lượng QLTT Lạng Sơn phối hợp với cơ quan chức năng bắt giữ 3 tấn hàng lậu.

Cao Lộc là huyện nóng bỏng về tình trạng cư dân của một số xã biên giới đi mang vác hàng thuê cho đầu nậu. Lợi dụng vào chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới, đầu nậu đã thuê cư dân vận chuyển và trả công từ 100-150 nghìn đồng/chuyến, sau đó chúng hợp thức hóa bằng hóa đơn bán lẻ để đưa hàng về nội địa.

Hơn nữa, các chủ đầu nậu còn thuê các đối tượng là “cửu vạn” vượt biên, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để nhận vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gắn liền với việc đặt cọc tiền nhằm ràng buộc trách nhiệm của người vận chuyển hàng lậu với chủ hàng. Nhìn những con đường đất lầy lội quanh co ổ trâu, ổ gà, nhiều người khó hiểu tại sao những xe tải chở hàng lậu cồng kềnh lại có thể dễ dàng vượt qua chặng đường này.

Đại tá Hoàng Anh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lạng Sơn) cho biết, ban đêm các đối tượng mang vác, gánh hàng mới hoạt động. Hàng vác qua khu vực đường 05, 06 đi sâu vào đường đất lầy lội phía trong, tập kết lên xe máy phóng với tốc độ cao đến thị trấn Đồng Đăng.

Để dễ vận chuyển, chúng xé lẻ lô hàng, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác, chọn thời điểm giao ca mới đưa hàng này về TP Lạng Sơn, sau đó cho lên ôtô chở đi các tỉnh bằng cách hàng hóa đó đã được hợp thức bằng hóa đơn.

Theo Đại tá Hoàng Anh thì đến thời điểm hiện tại, Lạng Sơn chưa phát hiện đường dây buôn lậu lớn và chưa phát hiện kho chứa, tập kết hàng lậu lớn. Hầu hết các vụ bắt giữ và xử lý là các đối tượng vận chuyển, mang vác hàng thuê và hàng vô chủ.

Lộc Văn Quang (44 tuổi, trú tại thôn Keo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) không có việc làm ổn định nên đã đi mua gom hàng Trung Quốc nhập lậu về bán kiếm lời. “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, thấy một lô hàng giá rẻ của người không quen biết ở khu vực Kéo Kham, Quang đã mua với giá 25 triệu đồng. Đang tập kết hàng để đem chở về TP Lạng Sơn tiêu thụ thì bị bắt. Trong 12 thùng carton thu được của Quang có hàng nghìn lọ thuốc ủ tóc, nhuộm tóc, sáp vuốt tóc.

Không quyết liệt sẽ tạo thành điểm nóng

Từ đầu năm 2018 đến nay, Lạng Sơn liên tiếp bắt giữ các vụ buôn lậu. Chỉ tính riêng trong một lần ra quân của lực lượng 389 tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ hơn 10 xe tải chở hàng nhập lậu, trong đó chủ yếu là máy móc và hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đánh giá về tình hình buôn lậu trên địa bàn, ông Tôn Văn Hà, Phó trưởng Phòng phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho rằng vẫn còn phức tạp. Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, Lạng Sơn là một trong những địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến biên giới đường bộ.

Từ đầu năm 2018, do nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tăng nên hàng hóa nhập lậu cũng gia tăng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các mặt hàng thực phẩm càng trở nên nóng bỏng.

Năm nay thủ đoạn buôn lậu có thay đổi, không đi QL1 qua địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh về Hà Nội, mà sau khi hợp thức hóa bằng hóa đơn, chúng đưa hàng đi từ Lạng Sơn qua QL3 (Thái Nguyên) để về Hà Nội.

Qua theo dõi, Đội QLTT số 1 phối hợp với Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xe ôtô tải vận chuyển hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam có dấu hiệu vi phạm. Lái xe là ông Bùi Hoàng Sửu An kiêm chủ hàng và bà Nguyễn Thu Thủy là chủ hàng có hóa đơn kèm theo hàng hóa; ông Nguyễn Minh Nghĩa (chợ Hữu Nghị, huyện Văn Lãng) là người bán hàng xuất hóa đơn.

Qua xác minh đã làm rõ trả lại toàn bộ hàng hóa có hóa đơn bán hàng cho bà Thủy; xử phạt ông Nghĩa về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; xử phạt ông An về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Theo Đại tá Hoàng Anh thì lượng hàng nhập lậu năm nay giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái do hàng hóa của Trung Quốc đã bão hòa và hơn nữa là do sự chỉ đạo của Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 Trung ương, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, mà nòng cốt là Phòng Cảnh sát kinh tế đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai trong toàn lực lượng.

Đến thời điểm này, hàng lậu chủ yếu là các mặt hàng điện tử, tiêu dùng, hàng cấm (pháo, thuốc lá, ma túy, súng bắn điện, súng bắn đạn hơi…), hàng có thuế suất cao vào nội địa. Từ nay đến những ngày cận Tết, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị chống buôn lậu quyết liệt trong công tác phòng chống để không tạo thành điểm nóng.

Theo Ban chỉ đạo 389 của tỉnh Lạng Sơn thì trong năm 2017 đã kiểm tra một kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thành Long (huyện Lộc Bình), phát hiện trong kho chứa 92 mặt hàng sản xuất ngoài Việt Nam không có hóa đơn chứng từ. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với ông Bùi Thanh Tùng (trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Năm 2017, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, xử lý 4.678 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phạt vi phạm hành chính trên 25 tỷ đồng. Số đối tượng bị khởi tố tăng so với năm 2016, trong đó khởi tố 315 vụ/471 đối tượng liên quan đến ma túy, 19 vụ/36 đối tượng liên quan đến tiền giả, 135 vụ/175 đối tượng liên quan đến pháo nổ, 7 vụ án buôn lậu hàng hóa thông thường qua biên giới.
T.Hằng – N.Hương
.
.
.