Cuối năm buôn lậu nóng bỏng trên tuyến biên giới

Thứ Ba, 23/01/2018, 11:20
Hoạt động buôn lậu thời điểm này đang diễn ra khốc liệt trên biên giới Lạng Sơn. Tại 12 cửa khẩu và hàng trăm lối mở, đường mòn phức tạp của vành đai biên giới dài hơn 230km, thuận tiện giao thông đi Hà Nội và các tỉnh, Lạng Sơn được xem là địa bàn nóng bỏng về hoạt động buôn lậu giáp Tết của các tỉnh biên giới phía Bắc.

Bài 1:  Những cung đường tuồn hàng giả, hàng nhái vào nội địa

Thực phẩm giả xuất hiện nhiều

Có mặt ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vào ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận không khí xuất nhập khẩu hàng hóa không sôi động như mọi năm. Thời điểm này, container chở hàng xuất sang Trung Quốc không kéo dài dọc đường vào cửa khẩu.

Mặt khác, hàng hóa nhập khẩu, nhất là rau, củ, quả giảm. Theo ông Đào Tuấn Anh, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, năm 2017, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Tân Thanh giảm 30% so với năm 2016. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm mà hoạt động buôn lậu, gian lân thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tăng cao.

Lực lượng Quản lý thị trường và Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra phát hiện hàng hóa giả nhãn hiệu.

Giáp Tết, do nhu cầu sử dụng các mặt hàng thực phẩm trong nước tăng, đầu nậu đã đặt một số hàng tiêu dùng giả, nhái thương hiệu tại Trung Quốc rồi mang về Việt Nam đóng gói. Nhiều sản phẩm chúng đặt luôn nhãn mác và tem chống hàng giả tại nước ngoài, về tới trong nước chỉ việc chia lẻ đóng gói tuồn ra thị trường. Theo các cơ quan chống buôn lậu tại Lạng Sơn, trong các mặt hàng thực phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều nhất vẫn là mì chính, bánh kẹo, rượu, bia…

Theo ông Tuấn Anh, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tuyến đường vận chuyển thường là các đường mòn Nà Han, Lọ Bon, Đồi Cao, Đồi Keo thì hàng giả thường được găm cắm, vận chuyển nhỏ lẻ trên các phương tiện giao thông để vận chuyển vào nội địa. Thậm chí chúng còn trà trộn trong các hàng hóa nhập khẩu để đưa vào nội địa.

Tại hai bên đường mòn của cửa khẩu Cốc Nam, hàng lậu được mang vác rất nhanh, thậm chí có thanh niên vác theo kiểu chạy. Hàng được tập kết vào ven nhà dân, sau đó vận chuyển lên ôtô, lợi dụng lúc thuận lợi để chở về nội địa.

Trong các mặt hàng thực phẩm bị lực lượng chống buôn lậu ở Lạng Sơn bắt giữ, có nhiều hàng hóa là bánh kẹo của một số thương hiệu Việt bị làm giả ngay từ bên kia biên giới để lừa dối người tiêu dùng. Ngay cả thuốc đông y cũng bị buôn lậu và thành phần không ai xác định được đó là hàng giả hay không.

Thiếu tá Triệu Trung Kiên, Phó đội trưởng phụ trách Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lạng Sơn) cho biết, hàng giả, hàng nhái khi vận chuyển qua biên giới sẽ tập kết tại khu vực giáp biên rồi đưa vào TP Lạng Sơn để trung chuyển đi các tỉnh. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện tại khu Ga, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc có một thùng bìa giấy carton được đóng gói kín, nghi vấn là hàng hóa nhập lậu.

Kiểm tra bên trong có chứa nhiều gói dầu gội đầu của các nhãn hiệu như Dove, Clear, Sunsilk và trên 300kg bao bì mì chính nhãn hiệu Ajinomoto. Phòng Cảnh sát kinh tế đã gửi công văn tới Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam đề nghị phối hợp hàng hóa và Công ty Unilever đã gửi kết quả trả lời kết luận toàn bộ số mẫu dầu gội đầu thu được đều là hàng giả mạo nhãn hiệu của Dove, Clear, Sunsilk.

Công ty Ajinomoto Việt Nam cũng đã giám định hàng hóa và kết luận toàn bộ vỏ bao bì mì chính trên là giả nhãn hiệu Ajinomoto. Vì không tìm được chủ sở hữu của chủ lô hàng nói trên nên Phòng Cảnh sát kinh tế đã không khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Ajinomoto là thương hiệu mì chính đang bị làm giả nhiều nhất trên thị trường. Mì chính và bao bì bị làm giả từ Trung Quốc, đóng gói thành từng bao 50kg và vận chuyển lậu về Lạng Sơn, sau đó trung chuyển vào nội địa đóng thành gói 1kg và 454g.

Bao bì, mẫu mã giống y hệt hàng thật. Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội QLTT số 1 tiến hành khám nơi cất giấu hàng tại kho A3, số 100 đường Ngô Quyền, phường Đông Kinh (TP Lạng Sơn) do bà Phạm Thị Phương làm chủ đã phát hiện 8.375kg phụ gia thực phẩm mỳ chính, 30.000 tuýp mù tạt là hàng nhập lậu.

Số mì chính trên đóng trong các bao tải 25kg, dự định đưa vào sâu nội địa xé lẻ đóng gói để bán. Với tình trạng buôn lậu mì chính như hiện nay, sau khi mang trót lọt vào trong nước, nhiều khả năng chúng sẽ “biến” thành các thương hiệu như Vedan, Ajinomoto…

Phải chặn từ biên giới

Sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, thuốc là một tội ác. Trong nội địa, hàng giả tiêu thụ trà trộn với hàng thật, người tiêu dùng rất khó phân biệt khi quy trình đóng gói, sản xuất ngày càng tinh vi như hiện nay. Do vậy, quản lý chặt từ biên giới là khâu then chốt để hàng giả không làm hại sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ cho các thương hiệu đã được bảo hộ.

Do sản xuất, buôn bán hàng giả bị xử lý hình sự, các đối tượng đã lách bằng cách nhái nhãn hiệu và chế tài xử lý hành chính nên việc sản xuất hàng nhái ngày càng lộng hành. Tiếp tay cho các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái là một bộ phận cư dân biên giới đi vận chuyển hàng lậu thuê trong khi không hay biết đó là hàng giả, hàng cấm.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, ngoài thực phẩm thì hàng tiêu dùng bị làm giả nhiều nhất là quần áo, giày dép, phụ tùng ôtô, xe máy… Kiểm tra cửa hàng phụ tùng ôtô Thành Lộc (huyện Cao Lộc), lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện có tới 40 mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu KIA, Hyundai...

Hay Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định xử phạt bà Vũ Thị Ánh Ngọc (phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) 85 triệu đồng vì buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu túi xách Hermès và xử phạt ông Trần Trung Kiên (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) 154 triệu đồng vì bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái tại biên giới Lạng Sơn đang diễn biến phức tạp. Công tác chống hàng giả ngay tại biên giới đang được Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn phân công và chỉ đạo quyết liệt.

Tuy nhiên cái khó chính là làm thế nào để nhận biết hàng giả nên rất cần sự đồng hành vào cuộc của các hãng đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đặc biệt là công tác đấu tranh tại biên giới chỉ cần lơi lỏng sẽ là cơ hội để hàng lậu, hàng giả xâm nhập.

“Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan, tự động hóa trong phân luồng và thông quan; lợi dụng sự bất cập sơ hở của cơ chế chính sách… để gian lận thương mại qua giá, mã số, chủng loại, số lượng, xuất xứ, nhãn hiệu nhằm trốn thuế, né tránh chính sách quản lý của nhà nước. Hải quan Tân Thanh đã triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới và gian lận thương mại, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm buôn lậu” – ông Đào Tuấn Anh, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết.
Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.