Còn nhiều nguy cơ tai nạn sau vụ sập hầm khiến 3 người tử vong

Thứ Bảy, 16/03/2019, 08:20
Như tin Báo CAND đã đưa, hồi 14h20 ngày 13-3, tại mỏ thiếc Suối Bắc, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) xảy ra vụ sập hầm khiến 4 người thương vong.

Danh tính các nạn nhân được xác định là  Lương Văn Tuấn (SN 1977), chị Lương Thị Hảo (SN 1982) và chị Sầm Thị Hải (SN 1987), trong đó anh Tuấn và chị Hảo là 2 vợ chồng. Người may mắn thoát nạn là anh Trương Văn Hiền, chồng của chị Hải. Tất cả các nạn nhân đều trú tại xóm Bản Chảo, xã Châu Hồng.

Theo báo cáo ngày 14-3-2019 của UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thì vào hồi 15h30 phút ngày 13-3, UBND huyện Quỳ Hợp nhận được tin báo của nhân dân xã Châu Hồng vào lúc 14h30 phút cùng ngày, có vụ tai nạn lao động xảy ra tại khu vực núi Lan Toong, Suối Bắc, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp làm 3 người chết. Nhận được tin báo, huyện Quỳ Hợp đã nhanh chóng chỉ đạo các ban ngành chức năng cùng với Công an huyện, huy động các phương tiện, máy móc vào hiện trường tổ chức cứu hộ, cứu nạn.

Vị trí xảy ra tai nạn được xác định thuộc điểm mỏ của Công ty khai thác khoáng sản Tuấn Hùng, đã được UBND tỉnh Nghệ An đóng cửa mỏ tại Quyết định số 2066/QĐ-UBND ngày 18-5-2017. Từ sau khi công ty này rời đi, nhiều người dân xã Châu Hồng đã dùng phương tiện thủ công để đào bới để tìm kiếm khoáng sản.

Điểm bị sạt lở gây ra tai nạn cách cửa hầm khoảng 400m, các lực lượng mở lối vào tìm kiếm thi thể nạn nhân. Sau gần 1 giờ đồng hồ tích cực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, thi thể các nạn nhân đã được tìm thấy và đưa ra ngoài.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Sau khi bàn giao thi thể cho các gia đình an táng theo phong tục địa phương, bước đầu UBND huyện Quỳ Hợp đã hỗ trợ đột xuất cho gia đình có người thiệt mạng 5,4 triệu đồng/người. Cũng theo ông Tùng, khu vực xảy ra tai nạn được cấp phép cho 4 công ty khai thác khoáng sản.

Cán bộ Công an khám nghiệm hiện trường vụ sập mỏ thiếc cũ khiến 3 người tử vong.

Hiện nay, 2 điểm mỏ của Công ty khai thác khoáng sản Tuấn Hùng và Công ty Phủ Quỳ đã có quyết định đóng cửa mỏ. Điểm mỏ của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đang bị đình chỉ khai thác từ năm 2017 sau sự cố vỡ đập chứa bùn thải, chỉ còn điểm mỏ của Công ty khoáng sản Hà An đang khai thác. Nguyên nhân dẫn đến sự việc, bước đầu được xác định là do những nạn nhân này tự ý khai mở lối vào cửa hầm để mót quặng thiếc.

Trong khi đó, tại khu vực này qua nhiều thời gian không có hoạt động khai thác, các hệ thống cột chống và đất núi bị phong hóa, khi có tác động nên xảy ra sự cố sập hầm.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quỳ Hợp nói riêng, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý khai thác khoáng sản. Theo quy định, nghĩa vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp là sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản phải tiến hành hoàn thổ, khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng khu vực khai thác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã “quên” nghĩa vụ này, sau khi khai thác xong rút đi, để lại những khu mỏ nham nhở hầm, hố sâu hút, gây nguy hiểm cho người, vật nuôi và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Khu vực mỏ của Công ty khai thác khoáng sản Tuấn Hùng tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp đã có quyết định đóng cửa mỏ gần 2 năm nay, nhưng doanh nghiệp đã không hoàn thổ dẫn đến vụ tai nạn lao động thương tâm nói trên.

Số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho thấy, trên địa bàn huyện này có 46 mỏ đá và quặng thiếc được cấp phép. Hiện, 20 mỏ hết phép khai thác, trong đó có 10 mỏ xin gia hạn, 8 mỏ chưa hoàn thổ mặt bằng, chỉ có 2 mỏ đã hoàn thổ mặt bằng.

Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết, qua các đợt kiểm tra, huyện đã nhiều lần có ý kiến đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường, cần có các biện pháp mạnh, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ để đảm bảo an toàn nhưng vẫn có nhiều đơn vị phớt lờ. Cũng không riêng tại huyện Quỳ Hợp, rất nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn Nghệ An, việc hoàn trả lại mặt bằng sau khai thác đang bị xem nhẹ.

Đơn cử, tại huyện Diễn Châu có 8 mỏ khoáng sản nhưng có 6 mỏ đã hết phép hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp sau khi khai thác xong chưa hoàn thổ mặt bằng. Trong đó, xã Diễn Đoài có 6 mỏ đất thì 5 mỏ đã hết hạn từ năm 2015, đến nay vẫn còn nham nhở, với nhiều hố sâu rất nguy hiểm.

Xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng sắt, hết hạn khai thác và ngừng hoạt động từ năm 2016, nhưng khi đóng cửa mỏ đã không thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Hay như trên địa bàn TX. Hoàng Mai, mỏ đá Lèn Chùa tại địa phận phường Quỳnh Xuân được UBND tỉnh Nghệ An cấp quyền khai thác cho 3 doanh nghiệp.

Sau khi giấy phép khai thác đá các doanh nghiệp này hết hạn, cơ quan chức năng đã quyết định đóng cửa mỏ, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải tiến hành san lấp, phục hồi môi trường. Chỉ đạo là vậy, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác, vận chuyển khoáng sản đi tiêu thụ. Thậm chí, còn tiến hành xây dựng các trạm trộn bê tông, công trình ngay trong khu vực mỏ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng trên 140 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc về vấn đề này, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ sau khi khai thác, song vấn đề này đang bị các đơn vị khai thác lẫn cơ quan chức năng xem nhẹ.

Một số doanh nghiệp không giao toàn quyền cho giám đốc điều hành mỏ, tổ chức khai thác hoặc bổ nhiệm các giám đốc điều hành mang tính chất đối phó. Việc tổ chức khai thác chủ yếu là giao cho người lao động không có chuyên môn làm theo cách truyền thống, dẫn đến khai thác sai thiết kế và mỏ không an toàn lao động.

Thiên Thảo
.
.
.