Chấn chỉnh hoạt động “bát nháo” của các trung tâm ngoại ngữ

Thứ Ba, 15/05/2018, 08:08
Sự việc người dạy tiếng Anh tại Trung tâm MST miệt thị học viên là “lợn” gây ồn ào dư luận chưa kịp lắng xuống thì trên mạng xã hội lại xuất hiện 2 đoạn video clip “tố” Trung tâm M. English, một trong những trung tâm tiếng Anh có quy mô lớn tại Hà Nội copy bài giảng từ BBC Learning English, University of Japan, AJ Hoge và nhiều nguồn khác.

Sự việc này thêm một lần nữa khiến nhiều người có nhu cầu học ngoại ngữ cảm thấy hoang mang trước sự hoạt động có phần bát nháo của các trung tâm ngoại ngữ hiện nay.

M. English bị tố đạo video và mạo danh cố vấn

Theo  các video clip này, trong khoảng 1.500 video bài học của M. English có khoảng 100 video đi “đạo” từ nước ngoài như BBC Learning English, University of Japan, AJ Hoge và nhiều nguồn khác.

Cũng theo người đăng tải video, chuyên gia ngoại ngữ  người sáng lập chương trình Effortless English cũng xác nhận, M. English đã lợi dụng sự nổi tiếng của vị này để nói rằng ông là chuyên gia tư vấn của trung tâm này.

Không chỉ bị tố đạo video và giả mạo hợp tác với chuyên gia tư vấn nổi tiếng nước ngoài, GS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Hiệu phó Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) cũng cho biết, M. English đã tự ý khi đưa hình ảnh ông trên trang website với vai trò cố vấn là sai sự thật và khó có thể chấp nhận được.

Ngoài ra, trên website của trung tâm, hiện đơn vị này có 10 chi nhánh ở Hà Nội. Tuy nhiên, theo danh sách các trung tâm ngoại ngữ (cả có yếu tố nước ngoài và không có yếu tố nước ngoài) được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp phép được công bố trên website của Sở, đến tháng 1-2018, mới chỉ có 3 trung tâm được cấp phép.

Theo lãnh đạo trung tâm đã đưa ra lời xin lỗi qua video dài 3 phút. Theo ông ông này, ngay sau khi nhận được thông tin này, trung tâm đã hạ toàn bộ video đã bị phản ánh, những video có liên quan, rà soát lại toàn bộ các video khác để đảm bảo không bị bỏ sót. Trung tâm cam kết, không tái diễn việc đạo video và sẽ tuân thủ tuyệt đối các quy định về nội dung, bản quyền. 

Lỗ hổng trong phân cấp quản lý?       

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên các tuyến phố quanh khu vực Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trãi, Tạ Quang Bửu, xung quanh các trường đại học hoặc gần các trung tâm thương mại, các khu đô thị mới, số lượng trung tâm ngoại ngữ mọc lên rất dày đặc. Chỉ cần gõ cụm từ “trung tâm Anh ngữ” trên Google là cho ra hàng triệu kết quả, trung tâm nào cũng đưa ra lời mời chào hấp dẫn, cam kết chất lượng, giáo viên nước ngoài.

Tuy nhiên, để biết trung tâm nào được cấp phép, được kiểm định chất lượng, còn trung tâm nào đang hoạt động “chui” thì hầu như người dân đều mù mờ. Nhiều người đến lúc bỏ tiền đóng học rồi mới vỡ ra chất lượng không như quảng cáo, đòi lại tiền đã nộp không được nên phải âm thầm “ngậm đắng nuốt cay”.

Đơn cử như trường hợp Trung tâm MST của bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, người dạy miệt thị học viên là “lợn” chẳng hạn, dù quảng cáo là sẽ trả lại tiền cho học viên nếu kết quả học tập không như ý, song trên thực tế hầu như những cam kết này đều không được thực hiện. Thậm chí, khi cơ quan chức năng vào cuộc, người học mới biết rõ sự thật là trung tâm đang hoạt động “chui” và người dạy mới chỉ tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán.

Hay như trường hợp của Trung tâm M. English, mặc dù là cơ sở đào tạo tương đối lớn với mạng lưới các cơ sở trải rộng trên địa bàn Hà Nội, tuy vậy trung tâm này vẫn bị tố là “ăn cắp chất xám” của người khác thông qua việc “đạo” các video clip và mạo danh có hợp tác với các chuyên gia hàng đầu để tăng thêm uy tín cho mình. Với cách làm này gian dối, thiếu trung thực này, xét một chừng mực nào đó, chính trung tâm này cũng đang “đánh cắp” niềm tin của người học theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Từ việc Trung tâm tiếng Anh MST hoạt động “chui”, người dạy không có bằng cấp theo đúng quy định đến việc Trung tâm Ngoại ngữ bị tố “ăn cắp chất xám”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng: Sau khi mạng xã hội thông tin, báo chí vào cuộc thì cơ quan quản lý mới biết sự việc. Dường như, trong phân cấp quản lý tại cơ sở đang xuất hiện lỗ hổng.

Trách nhiệm của lực lượng quản lý tại cơ sở phường, quận ở đâu trong câu chuyện này? Cũng theo ông Lâm, học sinh, học viên muốn theo học tiếng Anh tại các trung tâm thì nên chọn cơ sở nào uy tín và có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như trình độ của giáo viên. Và để làm được điều này, Sở GD&ĐT cũng nên công khai tất cả các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn đã được cấp phép để phụ huynh, học sinh được biết.

Về vấn đề này, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Tính đến đầu năm 2018, toàn thành phố có hơn 1.100 cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trong đó, tỷ lệ trung tâm ngoại ngữ, tin học chiếm hơn 50%.

Sự ra đời của các trung tâm này trên thực tế đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của người học, tuy nhiên công tác quản lý cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét. Cũng theo ông Minh, sau sự việc lùm xùm của Trung tâm MST, Sở GD&ĐT đã công khai danh sách những trung tâm được sở cấp phép hoạt động trên website của sở để người dân có thông tin để tìm hiểu trước kỹ lựa chọn nơi theo học.

Ngoài ra, để chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn, trong thời gian tới, bên cạnh các đợt kiểm tra định kỳ của cơ quan quản lý cơ sở thực hiện theo phân cấp quản lý, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ tăng cường các đợt thanh tra đột xuất.

Huyền Thanh
.
.
.