Cấp, nhận sổ đỏ: Vẫn tồn tại hàng chục thủ tục rườm rà

Thứ Sáu, 20/11/2015, 09:29
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là thứ giấy tờ pháp lý đặc biệt quan trọng, thế nhưng thực tế hiện nay việc cấp sổ đỏ cho người dân đang gặp vô vàn khó khăn. Thậm chí còn có tình huống ngược đời là rất nhiều người dân từ chối nhận sổ đỏ. Vì sao lại như vậy? Và vì sao những vụ khiếu kiện về đất đai vẫn ngày càng nhiều, ngày càng phức tạp, gây mất an ninh trật tự ở các địa phương.
Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP) vừa thực hiện một dự án nhằm tăng cường nhận thức pháp luật và mở rộng cơ hội tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế.

Dự án do OXFAM tài trợ, thực hiện từ tháng 12/2014 đến hết tháng 10/2015. Trong thời gian thực hiện dự án, 5 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội VIJUSAP tại Hà Nội, Hòa Bình, Thái Bình, Phú Yên và Sơn La đã thực hiện được 1.299 vụ trợ giúp pháp lý miễn phí về đất đai cho người dân ở cùng dự án, tư vấn pháp luật, đại diện bào chữa, tố tụng tại tòa án, hòa giải, kiến nghị…

Tổng số hộ rà soát hồ sơ cấp sổ đỏ ở các địa bàn thực hiện dự án là 4.802 hộ tại 20 xã của 10 quận huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố. Từ hoạt động này cho thấy, việc chậm trễ cấp sổ đỏ ở mỗi địa phương lại có lý do khác nhau, nhưng cùng chung một hậu quả là gây ra sự phức tạp về an ninh trật tự, gây thiệt hại kinh tế do người dân mất thời gian, công sức dành cho khiếu kiện.

Ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, mặc dù mọi thủ tục làm sổ đỏ đã hoàn tất nhưng người dân không đi nhận sổ. Một trong những lý do là họ không muốn phải nộp khoảng 3 triệu đồng, số tiền lớn so với thu nhập của người dân. Trong khi đó, đất vẫn là của họ. Mặc dù được cơ quan chức năng chấp nhận ghi nợ tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho gia đình chính sách, khó khăn nhưng khi người dân cầm trên tay giấy tờ đó cũng không thể sử dụng để vay tiền ngân hàng. Tại cấp xã, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, việc chuyển nhượng, tặng, cho đất đai không lập thủ tục pháp lý cần thiết, công tác đo đạc qua các thời kỳ không chính sách dẫn tới việc cấp sổ đỏ khó khăn.

Tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, vấn đề nổi cộm là việc thu hồi sổ đỏ để cấp lại sổ mới, nhưng hơn một năm nay người dân chưa nhận lại sổ khiến họ vô cùng bức xúc. Lý do đơn giản chỉ là huyện chưa có kinh phí để … mua phôi sổ đỏ. Tại xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc còn có hiện tượng cứ 1 hoặc 2 năm trưởng thôn tự hoán đổi cho nhau vì họ quan niệm đất có chỗ tốt, chỗ xấu. Bởi thế thế dẫn đến người dân khiếu kiện và không yên tâm sản xuất.

Tại huyện Đông Anh, Từ Liêm (Hà Nội), các vụ việc về đất đai và chậm cấp sổ đỏ có nhiều nguyên nhân như mua bán từ nhiều giai đoạn chỉ có viết tay, hạn mức đất được cấp sổ đỏ thay đổi theo thời kỳ nên người dân chưa đồng tình, đất quy hoạch chưa cấp sổ đỏ, đất bị thu hồi vì công trình công cộng… đền bù chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó còn có lý do đăng ký không kịp thời, chế độ tài chính chưa phù hợp, có trường hợp mua bán chồng lấn, diện tích đo đạc các thời kỳ không chính xác…

Trong hội thảo về thực trạng và bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 19/11 của VIJUSAP, bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội VIJUSAP nhấn mạnh: “Việc giải thích và áp dụng pháp luật giữa các địa phương không thống nhất, cán bộ cấp huyện chờ chỉ đạo cấp tỉnh, cấp xã chờ chỉ đạo của cấp huyện làm chậm cấp sổ đỏ cho người dân. Một số cán bộ địa phương nhận thức sai quy định của pháp luật, gây khó dễ cho người dân khiến họ phải đi lại nhiều lần, thủ tục rườm rà, phức tạp…”

Đại diện Phòng Tư pháp, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, thủ tục hành chính trong việc cấp sổ đỏ cho dân hiện nay quá phức tạp: “Giấy tờ khai sinh, hộ khẩu, năm tháng lẫn lộn… nên người dân công chứng giấy tờ cũng ngại, lại còn phải xác nhận tình trạng trước hôn nhân. Có những người kết hôn từ năm 60 của thế kỷ trước thì xác nhận rất khó… Ngay chúng tôi làm những giấy tờ này để khai cũng khó chứ chưa nói đến những người nông dân, hiểu biết ít về pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, cần đơn giản thủ tục hành chính”.

Ông Hoàng Văn Giang, Trung tâm tư vấn pháp luật số 1, Hội hỗ trợ tư pháp TP Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội hiện có hướng dẫn cấp chứng nhận quyền sử dụng đất không hợp lý. Quy định trong hạn mức, ngoài hạn mức, áp dụng định mức, chuyển đổi…gần như không thực hiện được, nếu không tháo gỡ thì hồ sơ vướng mắc sẽ vẫn khổng lồ. Ông Giang còn đưa ra ví dụ về sự tắc trách của cán bộ ở huyện Gia Lâm, Hà Nội khi mời người chết đến làm thủ tục cấp sổ đỏ…

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến nên giảm bớt các khoản thu, có chính sách miễn giảm lệ phí, thuế; bổ sung kiến thức cho cán bộ giải quyết; giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà… thì mới giải quyết được vướng mắc trong cấp sổ đỏ.

Việt Hà
.
.
.