Cần xử lý sớm vụ công nhiên xâm phạm chỗ ở người khác tại phường Dịch Vọng

Thứ Ba, 21/06/2016, 08:11
Đang sống yên ổn, bỗng một ngày có người đến đòi nhà, thay cửa, thay khóa, thay biển hiệu. Nhiều ngày nay chủ nhà phải đi ở nhờ trong khi mọi vật dụng sinh hoạt, tài sản vẫn để trong ngôi nhà bị khóa. Câu chuyện thật như đùa đang xảy ra ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội.


Bất đắc dĩ chủ nhà số 289 Tô Hiệu, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội phải cầu cứu các cơ quan chức năng về hành vi gây rối và xâm phạm chỗ ở.

Liên tiếp gây rối để đòi nhà

Tìm tới Báo CAND, anh Bùi Việt Long vô cùng bức xúc trước sự việc xảy ra ngay tại nơi ở của gia đình mình. Anh cho biết, vợ chồng anh cùng các con ở tầng trên ngôi nhà 289 Tô Hiệu, còn tầng dưới anh cho chị Lê Thị Ninh Thuận thuê làm cửa hàng kinh doanh thời trang từ tháng 7-2015. 

Thế nhưng, bất ngờ vào cuối tháng 4-2016, ông Đỗ Trọng Khiển ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội đưa người đến đòi nhà, gây mất trật tự tại khu phố, buộc Công an phường Dịch Vọng phải đến giải quyết. Anh Long khẳng định, ngôi nhà này là của bố mẹ anh mua và cho anh ở ổn định từ tháng 6-1998 và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

“Ngày 3-6, ông Khiển đưa người đến gia đình tôi và đưa cho gia đình tôi Hợp đồng thuê nhà được ký giữa ông Khiển và Công ty CP đồng đội Tây Trường Sơn thuê căn nhà này, yêu cầu chị Thuận phải chấm dứt kinh doanh, dọn hàng và tài sản đi nơi khác. 

Ngày 6-6, ông Khiển đưa một số người đến tháo dỡ biển hiệu “Lạc Store” và thay bằng biển hiệu “Trụ sở văn phòng Trung tâm vận tải xe ba bánh Tây Trường Sơn”. Họ bắc loa, ép gia đình tôi phải mở cửa để trả nhà, gây mất trật tự khu phố, buộc tôi phải gọi Cảnh sát 113. 

Ngôi nhà anh Long đang ở (giữa) đã bị ông Khiển tự ý thay biển hiệu.

Ngày 9-6, nhiều người đi xe ba bánh đến nơi công tác của chị Thuận, gây áp lực buộc chị phải về mở cửa và bàn giao nhà. Hôm đó cả nhà tôi đi vắng nên chị Thuận gọi điện cầu cứu sự giúp đỡ của em dâu tôi là Nguyễn Thị Thơm. Cả chị Thuận và chị Thơm đều bị gây áp lực để mở cửa. 

Một lần nữa chị Thơm lại đến trình báo với Công an phường Dịch Vọng. Nhiều lần sau đó, đều là khi tôi đi công tác, các con nghỉ hè về bên ngoại, ông Khiển đưa người đến khoan cắt, phá cửa và lắp thêm cửa mới, khóa mới. Gia đình tôi không thể vào nhà được trong khi toàn bộ vật dụng sinh hoạt hàng ngày cùng hàng hóa của chị Thuận cũng ở trong đó. 

Thậm chí có cả tài liệu, trang phục liên quan đến công việc của tôi ở trong nhà cũng không thể lấy ra được. Do lo sợ cho sự an toàn, uy tín, chị Thuận đã thanh lý hợp đồng thuê nhà và yêu cầu trả lại tài sản. Hiện nay gia đình tôi phải đi ở nhờ, nếu chẳng may xảy ra mất trộm hoặc hỏa hoạn thì không biết thế nào…”.

Kèm lá đơn kêu cứu khẩn cấp, anh Long còn gửi Giấy ủy nhiệm bán nhà lập ngày 15-6-1998, Hợp đồng mua bán nhà ở lập ngày 18-6-1998, Biên lai thu thuế nhà đất… Tại sao giữa Thủ đô Hà Nội lại có cách hành xử vô lý đến vậy? Phóng viên Báo CAND đã tiến hành tìm hiểu vụ việc.

Ngang nhiên xâm phạm chỗ ở công dân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 1-3-1993, Công ty Xây dựng số 5 Hà Nội ký hợp đồng mua bán nhà với ông Đỗ Trọng Khiển ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội căn hộ số 20, tầng 1+2 với diện tích sàn là 68,94m² ở số 20 Nghĩa Đô (nay là số 289 phố Tô Hiệu). 

Giấy ủy nhiệm bán nhà ngày 15-6-1998 (do anh Long cung cấp) có nội dung ông Khiển bán cho bà Nguyễn Thị Ba (tên gọi khác là Thanh Ba) ở thị trấn Phúc Yên, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 200 triệu đồng. Sau đó, bà Ba bán nhà cho bà Đỗ Thị Hằng (mẹ anh Long) có địa chỉ ở Bệnh viện Phúc Yên, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Hợp đồng mua bán nhà đề ngày 18-6-1998, thỏa thuận mua bán căn hộ với diện tích “cả 3 tầng tổng số 145m² với số tiền 200 triệu đồng”. Cả hai Hợp đồng mua bán nhà năm 1998 đều không có xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, bà Hằng vẫn là người đóng thuế sử dụng đất đều đặn.

Qua tìm hiểu tại UBND phường Dịch Vọng, chúng tôi được biết, trước thời điểm này, ông Đỗ Trọng Khiển đã từng có đơn gửi Công an TP Hà Nội tố giác bà Hằng có hành vi chiếm đoạt căn hộ ông cho mượn. 

Trong đơn gửi UBND phường Dịch Vọng, ông Khiển cho rằng ông cho bà Ba mượn nhà đất, sau đó bà Ba cho bà Hằng mượn. Năm 2015 ông có nhu cầu sử dụng nên đòi lại bà Ba và bà Ba đã nhất trí trả, nhưng bà Hằng và con trai không chịu bàn giao. Ông Khiển cung cấp cho UBND phường Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở lập ngày 12-1-2000 với tổng diện tích sử dụng là 53,7m², 2 tầng.

Ngày 25-4-2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội đã thông báo kết quả giải quyết tố giác của ông Khiển. Thông báo nêu quá trình ông Khiển vay mượn tiền của bà Ba, bà Ba vay tiền bà Hằng, và do bà Ba không có tiền trả bà Hằng nên bà Ba để bà Hằng đến ở căn hộ và sau đó vợ chồng anh Long ở tại đây. 

“Ông Khiển chưa trả lại cho bà Ba 180 triệu đồng để bà Ba trả lại cho bà Hằng và anh Long, chị Quỳnh Anh không bàn giao căn hộ trên cho ông Khiển”. Thông báo này khẳng định: “Vụ việc là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm”.

Từ những thông tin trên cho thấy, ngôi nhà số 289 Tô Hiệu đang bị tranh chấp, nhưng việc tranh chấp mới phát sinh dù gia đình anh Long đã sinh sống ổn định ở đó gần 20 năm nay. 

Theo đúng quy định của pháp luật, nếu có phát sinh tranh chấp, các bên phải đưa ra tòa án dân sự để giải quyết. Thế nhưng,  khi chưa có một phán quyết nào của cơ quan có thẩm quyền mà ông Khiển đã tổ chức cho thay biển hiệu trước cửa nhà, thay đổi cửa, khóa… là xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

(Điều 124, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi 2009): Tội xâm phạm chỗ ở của công dân )

Điều 22, Hiến pháp 2013 quy định:

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Nhóm PV
.
.
.