Cần sớm trả lại đường lâm sinh cho người dân

Thứ Sáu, 03/08/2018, 11:55
Khi xây dựng hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam, đơn vị thi công đã “cắt đứt” các tuyến đường khiến nhiều hộ dân ở xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) không thể vào rừng sản xuất, thu hoạch cây trồng lấy gỗ, gây ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của gia đình…

Năm 2008, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc. Năm 2010, dự án được điều chỉnh quy hoạch, có tổng mức đầu tư hơn 654 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công.

Đến năm 2017, công trình này được hoàn thành đưa vào sử dụng cấp nước tưới cho 1.270ha đất lúa và hoa màu, đồng thời cung cấp nguồn nước công suất 25 nghìn m3/ngày đêm cho Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Tuy nhiên, người dân địa phương lo lắng, đó là sau khi dự án hồ chứa nước này hoàn thành thì nhiều tuyến đường dẫn vào rừng sản xuất của người dân cũng bị “xóa sổ”.

Ông Nguyễn Văn Trác (trú thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy) chỉ tay về khu rừng keo lá tràm nằm bên kia hồ chứa nước, cho hay, đó là rừng keo lá tràm của gia đình ông, nếu những vụ trước, cứ 5 năm sẽ thu hoạch cây keo thì giờ rừng đã được trồng hơn 7 năm nhưng vẫn chưa thu hoạch được để trồng lại rừng mới.

Rừng keo lá tràm nằm bên kia hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam chưa được thu hoạch vì không có đường vào rừng.

Nguyên nhân là do các tuyến đường vào rừng trước kia đã bị san lấp phục vụ thi công dự án hồ chứa nước... Hàng chục hộ dân khác ở xã Lộc Thủy có rừng phía bên kia hồ chứa nước, không thể vào rừng sản xuất, khai thác gỗ. Họ nói rằng, với giá thị trường hiện nay, mỗi hécta rừng keo lá tràm được thu mua hơn 50 triệu đồng thì bình quân mỗi hộ dân cũng có vài trăm triệu đồng. Song, do không còn đường vào rừng để khai thác, trong khi mùa mưa bão đang đến gần nên ai cũng lo ngại rừng sẽ bị gãy đổ, gây thiệt hại lớn đến kinh tế gia đình.

Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết, khi triển khai dự án, phần lớn diện tích rừng nằm trong vùng quy hoạch, bị ảnh hưởng đều đã được chủ đầu tư thống kê và thực hiện đền bù cho người dân. Tuy nhiên vẫn còn một diện tích lớn rừng keo tràm nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Qua kiểm tra, xã xác định có hơn 40ha rừng của 30 hộ dân nằm bên cạnh hồ chứa và số rừng này đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có đường vào khai thác. Để đảm bảo sinh kế cho người dân nên xã đã làm văn bản xin mở đường gửi cấp trên xem xét...

Ông Phan Công Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc trao đổi rằng, sau khi nhận được phản ánh của người dân, huyện đã tổ chức làm việc với các bên gồm chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Quản lý hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam và các hộ dân có rừng.

Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, các bên đã thống nhất 2 phương án là sẽ mở đường mới, hoặc đền bù số diện tích rừng trên cho các hộ dân. Tuy nhiên theo người dân Lộc Thủy, do bao năm qua sinh kế của họ đều phục thuộc vào sản xuất, trồng rừng lấy gỗ nên rất mong muốn các cấp tạo điều kiện mở lại con đường mới đi vào rừng. Như vậy sẽ thiết thực hơn việc đền bù bằng tiền.

Trước nguyện vọng chính đáng của người dân, hiện Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có văn bản tham mưu, đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế xem xét chủ trương đầu tư 2,5km đường lâm sinh để người dân Lộc Thủy vào khai thác rừng…

Anh Khoa
.
.
.