Bao giờ trả lại vẻ đẹp danh thắng quốc gia đầm Ô Loan?

Thứ Bảy, 28/07/2018, 07:42
Đứng ở đỉnh đèo Quán Cau trên huyết mạch giao thông xuyên Việt qua địa phận huyện Tuy An (Phú Yên) nhìn về phía Đông, du khách sẽ nhìn thấy đầm Ô Loan – một danh thắng quốc gia đã được công nhận từ cách nay gần 22 năm.


Từ đó đến nay, tổng quan danh thắng đầm Ô Loan vẫn còn đậm nét nguyên sơ với diện tích tự nhiên 1.570ha, mở rộng đến địa bàn 5 xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải và An Ninh Đông - huyện Tuy An.

Phong cảnh sơn thủy hữu tình ở đó không chỉ tạo nguồn cảm xúc cho giới văn nghệ sĩ sáng tác thơ ca, nhạc, họa và nhiếp ảnh mà còn là nơi cung cấp nhiều loại hải sản sinh trưởng tự nhiên trong đầm như tôm, cua, ghẹ, sò huyết, rong câu…

Tiếc rằng, du khách đến trước tấm biển bê tông trên thửa đất ven đường QL1A ở đỉnh đèo Quán Cau có dòng chữ nổi “Đầm Ô Loan - Di tích danh thắng cấp quốc gia”, nhưng không tìm thấy con đường nào dẫn xuống danh thắng, vì phía sau tấm biển đó là ruộng rẫy hoa màu trải rộng xuống triền núi với độ dốc sâu.

Không hề có thông tin chỉ dẫn, nên du khách phải tự dò hỏi người dân mới tìm ra lối rẽ cách tấm biển đó về phía Bắc khoảng 1km, rồi đi thêm một chặng đường vòng vèo trong khu dân cư mới đến bờ đầm. Tiếc thay, ngoài lễ hội đua thuyền truyền thống ngày mùng 7 Tết Nguyên đán mỗi năm cùng một vài quán ăn uống giải khát dưới chân cầu Tân Long ở xã An Cư và bên cửa Lễ Thịnh, xã An Hải, đầm Ô Loan chưa được đầu tư tôn tạo, xây dựng một hạng mục du lịch nào và cũng chưa có loại hình dịch vụ vui chơi giải trí – thể thao, lưu trú phục vụ du khách, trong khi đó tình trạng xâm chiếm mặt nước trên đầm và đất đai ven bờ để nuôi trồng thủy sản, xây dựng lán trại - nhà ở trái phép tái diễn hàng chục năm qua, thậm chí nhiều nơi ven đầm ngập tràn rác thải nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.

Sau một cuộc kiểm tra gần đây của UBND huyện Tuy An cho thấy, trên mặt đầm Ô Loan người dân đào đắp 1.039 hồ nuôi tôm với tổng diện tích hơn 430ha mặt nước, trong số đó chỉ có 66ha hợp pháp, phần còn lại đều là diện tích lấn chiếm trái phép. 

Ven bờ đầm có 221 trường hợp lấn chiếm gần 28.487m2 đất để xây dựng nhà ở, 198 trường hợp lấn chiếm hơn 8.974m2 đất để xây dựng lán trại nuôi tôm. Tình trạng xâm phạm danh thắng quốc gia đầm Ô Loan nghiêm trọng, nhưng chính quyền các xã ven đầm và các cơ quan chức năng địa phương không có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.

Đi dọc tuyến đường phía Tây đầm Ô Loan, chúng tôi tận mắt nhìn thấy mặt đầm bị “xẻ thịt” bởi hồ tôm tự phát dọc ngang.

Trong cuộc họp về quản lý, quy hoạch, phát triển bền vững đầm Ô Loan ngày đầu tháng 3-2018 do ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên chủ trì, cho rằng, chính quyền các xã ven đầm buông lỏng quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản nên tình trạng đào đắp hồ tôm mới, mở rộng hồ tôm cũ trên mặt đầm; xây dựng lán trại, nhà ở ven bờ đầm không được xử lý vi phạm.

Sau cuộc họp đó, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra công tác quản lý, quy hoạch phát triển bền vững đầm Ô Loan. Tổ có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh Phú Yên về kế hoạch, lộ trình và giải pháp thực hiện quản lý, quy hoạch phát triển đầm Ô Loan; biện pháp xử lý các trường hợp lấn chiếm và xây dựng trái phép ở đây.

Bao giờ mới chấm dứt tình trạng xâm phạm đất đai, di sản văn hóa để trả lại vẻ đẹp tự nhiên của danh thắng quốc gia đầm Ô Loan ? Bao giờ đầm Ô Loan mới được đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước!

Hữu Toàn
.
.
.