Cần sớm ngăn chặn hiện tượng chiếm đất trái phép ở Lâm Đồng

Thứ Ba, 06/08/2019, 08:54
Khi nhánh trái của Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm được đầu tư xây dựng, kết nối với QL20 ngay dưới chân đèo Prenn Đà Lạt cũng là lúc nhiều người kéo tới tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phá rừng, lấn chiếm đất.


Gần đây, giá đất trong khu vực bỗng “sốt sùng sục” khiến nhiều đối tượng còn liều lĩnh xẻ đất dự án để bán, nhiều nhà cửa và các công trình khác đua nhau mọc lên...

Dự án định canh, định cư làng dân tộc thiểu số Đarahoa Định An, tại tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty cổ phần Du lịch dã ngoại Phương Nam (Công ty Phương Nam) làm chủ đầu tư. Mục đích của dự án là định canh, định cư cho làng dân tộc thiểu số kết hợp xây dựng làng văn hóa, tạo công ăn việc làm cho dân tộc thiểu số tại chỗ.

Sau khi bán đất được cấp, người dân lại san gạt đất mới để làm nhà.

Sau khi dự án được triển khai, có khoảng 30 hộ dân tộc thiểu số đã được doanh nghiệp bàn giao đất để canh tác sản xuất, ổn định đời sống. Chủ đầu tư dự án cũng đã mua giống cây cà phê, hồng giòn, bò sinh sản giao cho các hộ trồng, chăm sóc để có thu nhập. Từ 30 hộ ban đầu được giao đất để canh tác sản xuất, đến nay khu vực trên đã tăng lên gấp đôi khiến cho diện tích đất canh tác bị thu hẹp, thiếu đất sản xuất.

Khi đường nhánh trái KDL Quốc gia Tuyền Lâm thi công qua khu vực để nối với QL20 tại chân đèo Prenn Đà Lạt, đường sá đi lại thuận lợi, giá đất tăng vọt. Nhiều đối tượng kéo tới phá rừng, lấn chiếm đất, xây dựng nhà cửa.

Vào thời điểm chúng tôi có mặt, dự án định canh, định cư làng dân tộc thiếu số Đarahoa Định An, đã bị phân thành nhiều lô. Ngăn cách giữa các lô đất là những cọc bê tông hoặc hàng rào thép gai, lưới thép B40 kiên cố mới được các ông chủ vừa mua thiết lập nhằm khẳng định quyền sử dụng của mình mặc dù việc sang nhượng quyền sử dụng đất này là bất hợp pháp.

Giữa trưa, một nhóm thanh niên người KHo vẫn kiên trì dùng cuốc, xẻng san gạt tạo mặt bằng để dựng một căn nhà khác, bởi theo họ vị trí cũ đã bán cho một người giàu vừa tới mua.

Hiện tại, đất dự án định canh, định cư được giao cho các hộ dân tộc thiểu số làng Đarahoa Định An, xã Hiệp An nay đã bị bán cho nhiều người khác, họ đã xây dựng đường sá, nhà cửa trên phần đất này. Trong khi đó, theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đức Trọng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xóm Đại Dương (nơi định canh, định cư ở Đarahoa Định An) hiện có khoảng 60ha.

Trong đó, diện tích đất các hộ dân tộc thiểu số sản xuất sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Phương Nam quản lý là 30ha, 30ha còn lại là do các hộ tự lấn chiếm từ đất rừng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Phương Nam và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý. Trong khi người dân địa phương đang thiếu đất sản xuất trầm trọng, xảy ra nhiều vụ phá rừng lấn chiếm đất thì không ít hộ dân tộc thiểu số đã bán cả đất tại dự án định canh, định cư và đất doanh nghiệp cho mượn để sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty Phương Nam, thừa nhận hiện nay việc lấn chiếm, sang nhượng đất dự án định, canh định cư của bà con dân tộc thiểu số và của doanh nghiệp đang hết sức phức tạp.

Theo ông Phúc, cách đây gần 10 năm, khi thấy tình hình “bùng nổ dân số” trên diện tích đất mà doanh nghiệp cho người dân mượn sản xuất ông đã báo cáo với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Gần đây tiếp tục phát hiện có nhiều người vào khu vực dự án của công ty để mua bán lại phần diện tích đất mà công ty đã cho bà con mượn để sản xuất và đất định canh, định cư cho người đồng bào tại chỗ.

Cũng theo ông Phúc, trong những người tới lấn chiếm, sang nhượng lại đất dự án có ông Nguyễn Thanh H., xã Hiệp An, huyện Đức Trọng; ông Võ Trọng N., đường Đoàn Thị Điểm, TP Đà Lạt...

Ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, trong đợt thanh tra các dự án có liên quan đến rừng sắp tới, Sở sẽ thanh tra khu vực này. “Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết thu hồi những diện tích bị người dân lấn chiếm, sang nhượng bất hợp pháp!...”, ông Tuyên cho biết. 

Khắc Lịch
.
.
.