Cần điều tra vụ phá rừng quý ở Kon Tum

Thứ Ba, 05/03/2019, 09:13
Từ tin báo của người dân về khu vực rừng tại xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, bị lâm tặc ngày đêm “xẻ thịt” nhưng không thấy cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý. Để kiểm chứng phản ánh của người dân, chúng tôi đã có dịp thâm nhập vào vị trí được coi là công trường gỗ lậu này.


Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận vị trí phản ánh xảy ra phá rừng. Bắt đầu từ cầu treo giáp ranh 2 xã Đắk Sao và Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông), băng qua cầu treo trên con suối nhỏ đến ngôi làng đầu tiên của xã Đắk Na, men theo con đường mòn đâm xuyên lên đỉnh núi, đã phát hiện rất nhiều cây gỗ có đường kính cực lớn bị đốn hạ.

Tại điểm đầu tiên ở lưng chừng núi, 2 cây gỗ lớn bị lâm tặc cưa hạ còn nằm ngổn ngang, đường kính khoảng 0,5m. Nhiều lóng gỗ bị xẻ thành hộp mang ra khỏi rừng, nhiều lóng gỗ khác vẫn nằm tại hiện trường. Tiếp tục men theo lối mòn dẫn lên đỉnh, chúng tôi phát hiện một cây gỗ có đường kính khoảng 1m, dài hơn 30m, bị các đối tượng đốn hạ. Đây là cây gỗ có kích thước khá lớn, bị lâm tặc mới cắt thành lóng dài và chưa kịp chở đi.
Hiện trường vụ phá rừng.

Tiếp tục đi sâu vào rừng, phát hiện nhiều cây gỗ khác bị cưa hạ, xẻ hộp đủ mọi kích thước; thậm chí có những cây bị đốn hạ còn nguyên thân dài nằm ngay tại hiện trường. Ghi nhận hiện trường hàng chục cây gỗ lớn nhỏ với đủ các chủng loại bị cưa hạ mới tinh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chúng tôi đành phải rời khỏi hiện trường khi trời đã chập choạng tối.

Vị trí mà chúng tôi ghi nhận cây gỗ bị cưa hạ, nhiều cây bị “xẻ thịt” dấu vết còn rất mới, cành lá vẫn còn xanh, gốc cây ứa nhựa. Đáng nói hơn, rất nhiều cây gỗ với đủ các chủng loại bị cưa hạ nhưng chưa hề có dấu kiểm tra và ngăn chặn của đơn vị chức năng. 

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, sau khi nhận được phản ánh về vụ việc phá rừng ở khu vực xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, UBND huyện đã giao Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với UBND xã Đắk Na, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra và sẽ có báo cáo trong thời gian sớm nhất.

Huyện Tu Mơ Rông được biết đến là vùng sâm Ngọc Linh của Kon Tum, hầu hết diện tích trồng sâm Ngọc Linh của doanh nghiệp và người dân đều được trồng tại đây. Việc hàng loạt cây gỗ lớn bị cưa hạ làm cho người dân rất lo ngại đến sự sinh trưởng và phát triển bền vững của sâm Ngọc Linh tại địa phương.

N. Như- A. Khang
.
.
.