Vụ “phù phép dự án chung thành riêng” của công ty COOPIMEX:

Cần điều tra, làm rõ tiêu cực và thu hồi dự án

Thứ Bảy, 21/05/2016, 12:31
Chuyên gia, luật sư và những người liên quan cho rằng, dự án này cần phải được thu hồi và điều tra làm rõ dấu hiệu tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp.


Báo CAND số ra ngày 5-5-2016 có bài “Phù phép dự án chung thành riêng” phản ánh việc Công ty TNHH MTV DV-TM.XNK lao động Trường Sơn (COOPIMEX) đã “làm xiếc” dự án khu nhà ở CB-CNV (tổng diện tích 24.697m2) tọa lạc tại phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh để biến của chung thành riêng, đi ngược lại với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh. 

Sau khi báo phát hành, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc là chuyên gia trong lĩnh vực nhà đất, luật sư, người dân liên quan đến dự án… cho rằng dự án này cần phải được thu hồi và điều tra làm rõ dấu hiệu tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp.

Như trong bài báo trước chúng tôi đã đề cập, theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, dự án nói trên có 5% vốn của nhà nước. Tuy nhiên, khi tiến hành CPH vào năm 2010 thì không còn được nhắc đến. Trong khi đó, “Đề án chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV thành Công ty cổ phần Trường Sơn” được lập vào tháng 4-2010 có thể hiện nội dung “Công ty cổ phần đóng góp vào quỹ hỗ trợ phát triển cho Liên minh HTX Việt Nam 500 triệu đồng”.

Một số hộ dân không chấp nhận đền bù, giao đất vì cho rằng Công ty COOPIMEX không phải là chủ đầu tư.

Điều này rất đáng đặt dấu hỏi, bởi lẽ, trước khi chuyển đổi, Công ty COOPIMEX được đánh giá là rất khó khăn, bế tắc trong hoạt động nên những ai tiếp nhận công ty này tựa như ôm của nợ. Và một khi đã ôm của nợ thì cớ sao còn phải “tặng” cho Liên minh HTX Việt Nam 500 triệu đồng? Dư luận đặt câu hỏi phải chăng đây là số tiền vốn 5% của nhà nước đổ vào dự án, nay công ty cổ phần hoàn lại để chiếm trọn dự án nhưng không dám đề cập thẳng? 

Đặc biệt hơn là trong năm 2008, Công ty COOPIMEX đã đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho dự án với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng nhưng không được đưa vào sổ sách kế toán. Rồi tiền đóng góp của CB-CNV là bao nhiêu? Chi tiền đền bù giải phóng mặt bằng thế nào cũng không được công khai trong đề án. Những người lập đề án cứ xem dự án nói trên  như là tài sản riêng của bà Nguyễn Thị Hoa (Tổng giám đốc).

Không công khai là phải vì thực tế CB-CNV của Công ty COOPIMEX trước khi CPH chỉ vài người góp vốn mua nhà, còn lại không phải là người của công ty. Trong đó có 6 trường hợp đổi đất bị giải tỏa lấy đất nền với tổng diện tích 1.651m2. Qua đó đã thể hiện rõ, Công ty COOPIMEX đã “mượn đầu heo nấu cháo” vì chi phí đền bù giải phóng mặt bằng một phần đổi đất, một phần lấy từ tiền “bán lúa non” đất nền dự án. 

Sau khi công ty cổ phần chiếm trọn dự án, bà Hoa tiếp tục phù phép bán đất nền cho người bên ngoài nhưng mang danh nghĩa là CB-CNV. Cụ thể, hợp đồng góp vốn số 55/HĐGV-COOPIMEX được ký vào ngày 4-1-2013 thể hiện: Bên A là Công ty COOPIMEX do bà Nguyễn Thị Hoa làm đại diện hợp đồng với bên B là bà L.T.N, SN 1950 (ngụ quận Bình Thạnh) là CB-CNV của Công ty COOPIMEX để góp vốn và nhận lô đất B34 diện tích 140m2. 

Thật sự bà N không phải là CB-CNV của công ty này vì trong danh sách CB-CNV vào thời điểm chuyển đổi (năm 2010) không hề có tên bà L.T.N. Khi ký hợp đồng, bà N đã 63 tuổi. Nếu Công ty COOPIMEX có nhận bà N làm công việc thời vụ thì cũng không đủ điều kiện để góp vốn mua nền đất. Những vụ “góp vốn” khác cũng được biến hóa như trường hợp của bà N. 

Giá đất nền ở vị trí khu nhà ở CB-CNV “bèo” lắm cũng trên 20 triệu đồng/m2, toàn dự án có 14.543m2 đất ở (gồm 80 căn biệt thự, nhà liền kề và 1 chung cư từ 5-7 tầng), tương đương gần 300 tỷ đồng. Trừ tiền giải phóng mặt bằng, tiền thuế sử dụng đất, tiền đầu tư hạ tầng… bà Hoa thu lợi khoản tiền kếch xù mà chẳng phải bỏ tiền ra đầu tư như những công ty kinh doanh nhà ở bình thường khác.

Vấn đề cốt lõi mà chúng tôi đề cập ở đây chính là hành vi cố ý làm trái Quyết định số 745/QĐ-TTg ngày 19-6-2001 của Thủ tướng Chính phủ. Vì quyết định này giao 24.697m2 đất cho Công ty DV XNK Tiểu thủ công nghiệp các tỉnh phía Nam - một doanh nghiệp nhà nước là để xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, công chức. Khi doanh nghiệp này chuyển đổi thành công ty TNHH MTV rồi công ty cổ phần nhưng lại không xử lý phần tài sản chung là trái với quy định của pháp luật. 

Lẽ ra, khi Công ty COOPIMEX chuyển thành công ty cổ phần, Liên minh HTX Việt Nam phải làm thủ tục chuyển giao dự án cho một đơn vị hợp pháp khác. Và việc chuyển giao này phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Còn công ty cổ phần COOPIMEX ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ, vốn điều lệ chỉ có 5 tỷ đồng lại “ôm” dự án hàng trăm tỷ đồng. 

Bà Trần Thị Ngọc Tuyết, một trong số ít hộ dân không chấp nhận đền bù giải tỏa, giao đất cho COOPIMEX bức xức: “Tôi hỏi người của công ty bà Hoa có giấy tờ gì để chứng minh rằng Công ty cổ phần COPIMEX được quyền tiếp tục thực hiện dự án thì họ không trả lời được. Tôi nghi ngờ họ lợi dụng mập mờ trong lúc chuyển đổi để chiếm luôn một dự án của nhà nước nên cần được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra”. 

Từ cơ sở này có thể khẳng định, cho đến nay, Công ty cổ phần COOPIMEX không phải là chủ đầu tư dự án khu nhà ở CB-CNV nói trên. Và như vậy, mọi sự thỏa thuận mua bán giữa công ty này với người khác là trái với quy định của pháp luật. Những dấu hiệu tiêu cực, hành vi làm trái quy định quanh dự án này cần phải được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm.

Nhóm PVĐT
.
.
.