Dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Công ty COOPIMEX:

Phù phép dự án chung thành của riêng

Thứ Năm, 05/05/2016, 08:49
Báo CAND vừa nhận được đơn của bạn đọc tố giác một nhóm người cố ý làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hưởng lợi quanh dự án Khu nhà ở cán bộ - công nhân viên (CB-CNV) tọa lạc tại phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 745/QĐ-TTg ngày 19-6-2001 về việc thu hồi 27.208m² đất tại phường Phước Long B, quận 9 và giao cho Công ty DV XNK Tiểu thủ công nghiệp các tỉnh phía Nam (thuộc Hội đồng liên minh các hợp tác xã Việt Nam) 24.697m² để xây dựng hạ tầng khu nhà ở CB-CNV. Đến năm 2005, Công ty DV XNK Tiểu thủ công nghiệp các tỉnh phía Nam đổi tên thành Công ty TNHH MTV DV-TM XNK lao động Trường Sơn (COOPIMEX) và tiếp tục thực hiện dự án này.

Căn cứ theo thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở nói trên của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ngày 10-1-2006, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 87/QĐ-UBND xác định cơ cấu sử dụng đất khu nhà ở gồm đất ở 14.543m² (gồm 80 căn biệt nhà, nhà liên kế và 1 chung cư từ 5- 7 tầng) và đất công trình công cộng là 10.154m². Tại thời điểm này, Công ty COOPIMEX đã thỏa thuận đền bù xong phần diện tích 21.987m²/24.697m², chiếm tỷ lệ 88%. 

Theo kết luận của Đoàn thanh tra thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh ban hành ngày 24-10-2006 thì nguồn vốn để thực hiện dự án có 5% vốn nhà nước và 95% vốn do CB-CNV đóng góp. Đến năm 2010, COOPIMEX tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 5 tỷ đồng do bà Nguyễn Thị Hoa (nắm giữ 358.945 cổ phần, tương đương 3.589.450.000 đồng, chiếm tỷ lệ 71,79%) làm Tổng Giám đốc. 

Kể từ đó, dự án nhà ở của tập thể CB-CNV một doanh nghiệp nhà nước đã bị “hóa kiếp” thành của tư với những toan tính của một nhóm lợi ích sắp đặt từ trước đó. Mà tất cả những điều này đã thể hiện rõ trong “Đề án chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV thành Công ty cổ phần Trường Sơn” được lập vào tháng 4-2010.

Khu đất quy hoạch dự án nhà ở CB-CNV Công ty COOPIMEX.

Chiêu đầu tiên của những người lập đề án là cố tình “ăn bớt” diện tích đất dự án đã được cơ quan thẩm quyền quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Cụ thể tại trang 6 của đề án viết: “Quyết định 475/QĐ-TTg ngày 19-6-2001 của Thủ tướng Chính phủ giao cho công ty 24.000m² trong đó đất rạch (đất công) chiếm 4.449m² tại phường Phước Long B, quận 9. Đến năm 2003, đường liên phường Phú Hữu thi công lấn vào dự án 3.200m² nên dự án chỉ còn lại 16.351m². Từ đó đến nay, dự án không thể thực hiện do chưa bồi hoàn cho 5 hộ dân còn lại trong dự án chiếm diện tích 5.950m²… Vì vậy diện tích của dự án phải thu hẹp còn 10.401m². Công ty đã làm công văn gửi Sở Tài nguyên môi trường xin điều chỉnh lại nhưng chưa được trả lời”. 

Tất cả những con số và lý do viện dẫn nói trên đều được người soạn thảo “nặn” ra để đối phó với cơ quan chức năng và CB-CNV công ty. Vì trên thực tế, như chúng tôi đã đề cập ở trên, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xác định rõ tổng diện tích của dự án này là 24.697m², trong đó có 14.543m² đất ở; còn phần diện tích chưa thỏa thuận đền bù cho 5 hộ dân chỉ là 2.710m² chứ không phải 5.950m². 

Mặt khác, đề án này lập vào năm 2010, trong khi đó điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt từ cuối năm 2005 nhưng đề án vẫn cho rằng “đã xin điều chỉnh quy hoạch nhưng chưa được trả lời” là cố tình che giấu hòng “ém nhẹm” hơn 4.000m² đất ở của dự án.

Vấn đề quan trọng nhất của dự án này chính là đối tượng thụ hưởng mà theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ chính là CB-CNV của Công ty COOPIMEX vào thời điểm chưa cổ phần hóa. Vậy ai trong Công ty COPIMEX (cũ) được góp vốn mua nền nhà? Cũng theo đề án, đến cuối tháng 4-2010 có 50/56 CB-CNV Công ty COOPIMEX góp vốn mua nền đất dự án với tổng diện tích đúng với con số mà đề án “nặn” ra là 10.401m². 

Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì trong số này chỉ có 7 người là CB-CNV đủ tiêu chuẩn để mua nền nhà, còn lại 43 người khác đều là những cái tên “xa lạ”, chẳng biết ở đâu ra. Bởi vào thời điểm chuyển giao này, Công ty COOPIMEX tại TP Hồ Chí Minh chỉ có 16 CB-CNV tham gia đóng bảo hiểm. Đặc biệt là ngay cả 7 người đủ tiêu chuẩn mua nền nhà cũng có người không hề được góp vốn nhưng cũng “bị” ghi vào danh sách.

Sau khi biến hóa đâu vào đấy, đề án đi đến kết luận: “Dự án nhà ở CB-CNV không mang tính chất kinh doanh, không có vốn góp của Liên minh HTX Việt Nam, không có vốn góp của Công ty COOPIMEX (cũ) mà do 100% CB-CNV góp vốn. Do đó Công đoàn công ty cổ phần và Ban quản lý dự án tiếp nhận toàn bộ danh sách CB-CNV đã tham gia góp vốn để tiếp tục quản lý…”. 

Đề án này sau đó đã được Liên minh HTX Việt Nam phê duyệt, chính thức biến dự án công thành tư, biến chung thành riêng và hiện tại chưa ai có thể ngăn được việc Công ty COOPIMEX tiếp tục bán phần nền nhà và chung cư còn lại để hưởng lợi? 

Mà như thế chẳng khác gì dự án kinh doanh bình thường, đi ngược lại với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh. Vì nếu không mang danh nghĩa khu nhà ở dành cho CB-CNV thì Công ty COOPIMEX không thể được Thủ tướng Chính phủ giao đất làm dự án khi không có chức năng kinh doanh, phát triển nhà. 

Đó là chưa nói đến chuyện, theo kết luận thanh tra vào năm 2006, dự án có 5% vốn của nhà nước. Thế 5% này giờ nằm ở chỗ nào, ai là người chiếm lấy? Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra và có thông tin vào các số báo sau.

Khu đất quy hoạch dự án nhà ở CB-CNV Công ty COOPIMEX.
Nhóm PVĐT
.
.
.