Cạm bẫy từ những vụ lừa đảo xin việc

Thứ Tư, 09/05/2018, 09:11
Lãnh đạo Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống mua bán người, Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Trong những năm trở lại đây, tình trạng mua bán, cưỡng bức người lao động trên biển và đất liền có những diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài các vụ mua bán người, trước đó, BĐBP địa phương đã khởi tố một số vụ bắt giữ người trái pháp luật.


Bài cuối: Những lỗ hổng trong quản lý lao động

Thực tế các vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, nạn nhân của các vụ mua bán, cưỡng bức lao động đều bị bán vào vùng sâu, vùng xa, nơi ít người qua lại. Ở trên biển, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, biển động, mưa nắng thất thường, phương tiện tàu cá ra vào khu vực neo đậu nhiều nơi khó khăn cho việc triển khai lực lượng theo dõi, quản lý phương tiện và đối tượng đấu tranh... Ở đất liền, các nạn nhân bị đưa vào các khu vực vùng sâu, vùng xa, việc đấu tranh, bắt giữ gặp không ít khó khăn. 

Mánh lới của những tên trùm

Kể lại hành trình khám phá đường dây mua bán người, các cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng vẫn không giấu được sự trăn trở, nhớ lại: Cuối tháng 11-2017, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) - BĐBP thành phố nhận được nguồn tin từ số ngư dân tàu cá cung cấp hiện có một số ngư dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ như An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long bị một số đối tượng ở Bà Rịa-Vũng Tàu lừa gạt, bắt ép những người này viết giấy nợ tiền, đưa từ Vũng Tàu ra Đà Nẵng để bán...

Đối tượng Phạm Đức Bình một trong những cò lao động đi biển ở TP Vũng Tàu.

Sau khi tiếp nhận nguồn tin, Chỉ huy Phòng PCMT&TP đã trao đổi, phối hợp với Đoàn 2 - Cục PCMT&TP - BĐBP chỉ đạo các trinh sát trực tiếp rà soát, làm việc với  số ngư dân các tỉnh trên khi họ vào neo đậu tàu tại cảng cá Âu thuyền Thọ Quang để  kiểm chứng nguồn tin và tiến hành xác minh, nhân thân lai lịch của đối tượng nghi vấn gồm: Trần Văn Vũ (28 tuổi, quê ở Kiên Giang) và Nguyễn Ngọc Trung (30 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Sau khi kế hoạch được Chỉ huy trưởng phê duyệt, ban chuyên án đã xây dựng phương án đấu tranh. Trong lúc BĐBP Đà Nẵng phối hợp với Cục PCMT &TP tập trung lực lượng truy tìm, xác định vị trí tàu cá BV - 5969TS vào cảng như thông tin nhận được thì lúc 20h ngày 16-12-2017, BĐBP TP Đà Nẵng nhận được đơn cầu cứu của ông Nguyễn Văn Huy Tâm (trú tại An Giang), đề nghị cơ quan chức năng giải cứu...

Sau khi xác định vị trí neo đậu của chiếc thuyền, tổ công tác đã phong tỏa thu vực Công trình đá 15, xác định phương tiện đang lưu giữ những người bị hại... Quá trình làm việc với thuyền trưởng Trần Thế Tây, các đơn vị đã xác định 2 đối tượng trong vụ án là Vũ, Trung đang ở tại TP Vũng Tàu và tiến hành bắt giữ.

 Vũ và Trung đều là những kẻ không có công ăn việc làm ổn định nhưng lại thích chơi bời lêu lổng và muốn làm giàu nhanh. Quá trình giao du với bạn bè, hai đối tượng biết có một số đối tượng trước đây từng lừa gạt, hứa hẹn người có nhu cầu lao động để ép buộc họ phải đi làm thuê cho các chủ tàu, công việc này vừa nhẹ nhàng nhưng lại kiếm được nhiều tiền.

Do vậy, các đối tượng thống nhất tìm gặp số xe ôm tại TP Hồ Chí Minh; đặt vấn đề tìm số ngư dân có nhu cầu đi biển. Tại đây, Trung, Vũ gặp và quen với một người tên Hưng làm nghề xe ôm và cả ba người thống nhất khi nào tìm được người đi biển thì Hưng chịu trách nhiệm chở những người này từ TP Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu giao cho Vũ.

Cứ mỗi người, Vũ trả tiền công cho Hưng là 3 triệu đồng. Sau khi có người cần việc làm, Vũ thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, cũng như tư trang và giữ họ lại tại một nơi không cho liên lạc với bất kỳ ai. Về phần Trung, khi đã có người đi biển, đối tượng sẽ liên hệ với các chủ tàu cá cần lao động thì đưa người đến giao và nhận tiền.

Cụ thể, Vũ và Trung đã đưa được một số người từ Vũng Tàu ra Đà Nẵng để giao cho một số thuyền trưởng tàu cá để lên tàu đi biển đánh bắt hải sản. Sau đó, Trung về lại Vũng Tàu nhận tiền mỗi ngư dân là 15 triệu đồng từ chủ tàu để chia nhau tiêu xài cá nhân.

Sau khi phá án, bắt giữ đối tượng đã khởi tố vụ án mua bán người được quy định tại Điều 119 Bộ luật Hình sự; đồng thời với việc giải cứu 4 nạn nhân bị mua bán, cưỡng bức lao động trên biển; đơn vị đã báo cáo Thành ủy, UBND TP và Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tạo điều kiện cho họ trở về quê sinh sống.

Đó chỉ là một trong những vụ án giải cứu mà các lực lượng chức năng đã tiến hành thành công trong thời gian qua. Các vụ việc này đòi hỏi rất nhiều công sức. Vụ giải cứu 11 phu vàng của Đồn Biên phòng Ba Lin, Quảng Trị bắt nguồn từ việc trình báo của ông Hồ Văn Nh (trú tại bản Ba Lin, xã A Vao) về việc con trai ông đang bị đầy đọa trong bãi vàng...

Từ thông tin trên, BĐBP Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức xác minh nguồn tin và xác định các nạn nhân đang ở tại bãi vàng Khe Muối, thuộc xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Phước Minh.

Các nạn nhân bị lừa lao động biển và người thân.

Qua trao đổi với Công ty TNHH Phước Minh, lực lượng chức năng xác định vào trưa 12-4, 10 lao động làm việc tại bãi vàng đã bỏ trốn... Lần theo đấu vết của các nạn nhân, tổ công tác có thông tin tại lán bảo vệ Nhà máy Thủy điện Đắc Minh 3 có 5 người dân quê ở Quảng Trị xin vào trú nhờ... Với sự phối hợp của Công an huyện Phước Sơn, các đơn vị đã tìm vào gặp gỡ và giải cứu an toàn cho các nạn nhân.

Siết chặt công tác quản lý

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống mua bán người, Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Trong những năm trở lại đây, tình trạng mua bán, cưỡng bức người lao động trên biển và đất liền có những diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài các vụ mua bán người, trước đó, BĐBP địa phương đã khởi tố một số vụ bắt giữ người trái pháp luật.

Trong các vụ án này, đối tượng đã triệt để lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của những người có nhu cầu tìm việc của những lao động từ nông thôn về thành thị kiếm sống. Trong khi đó, các nạn nhân do trình độ  hiểu biết còn hạn chế (đa phần đều chưa tốt nghiệp cấp 3, không có tay nghề), lại thiếu thông tin về thị trường lao động nên dễ dàng rơi vào cái bẫy của những đối tượng đường dây mua bán người.

Trở lại trường hợp của 11 nạn nhân đã may mắn được lực lượng Công an và BĐBP phối hợp giải cứu vào những ngày tháng 4-2018, có thể thấy được những sơ hở của người bị hại. Tất cả những người này đều đi làm qua sự giới thiệu của một người không quen biết rồi  vào làm việc tại Công ty TNHH Phước Minh.

Thế nhưng, các nạn nhân lại không tìm hiểu kỹ thông tin. Khi đối tượng môi giới đề nghị ký tên vào đơn xin việc, họ đã ký một cách dễ dãi. Để rồi sau khi đưa vào các bãi vàng, nạn nhân đều phải lao động trong môi trường độc hại và nguy hiểm, không được trang bị bất cứ một điều kiện an toàn. Không dừng lại ở đó, họ bị ép lao động khổ sai, ngay cả xin nghỉ việc cũng không được...

Trong vụ việc này còn phải nói đến trách nhiệm của công ty tuyển chọn lao động. Việc ký hợp đồng lao động được Công ty TNHH Phước Minh giao cho ông Nguyễn Văn Giang, cán bộ của công ty nhưng việc quản lý con người thì công ty không quan tâm; phó mặc cho người quản lý mỏ.

Để hạn chế các vụ án như trên thì các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội. Ở trên biển, cần phát động các chủ tàu, ghe và bà con ngư dân có tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm; hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh với tội phạm.

Lực lượng BĐBP phối hợp lực lượng Công an đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Khi phát hiện đường dây tội phạm cần triệt để xử lý từ đối tượng cầm đầu đến các mắt xích tham gia. Về phía người có nhu cầu tìm việc làm, cần đề cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký tên vào bất cứ một loại giấy tờ nào. Trong trường hợp có nhu cầu tìm việc làm có thể tìm đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội ở địa phương để được tư vấn và tìm hiểu thông tin.

Xuân Mai
.
.
.