Bê bối khó tin tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Thứ Hai, 28/08/2017, 19:59
Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như: Tổ chức và hoạt động chưa đúng Luật Doanh nghiệp; thiếu minh bạch, nhiều lỗ hổng, sai phạm trong công tác cán bộ và quản lý tài chính…

Bộ GD&ĐT vừa ban hành kết luận thanh tra Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).

Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp này như: Tổ chức và hoạt động chưa đúng Luật Doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; hợp tác đầu tư, thuê, cho thuê tài sản lòng vòng, thiếu minh bạch, nhiều lỗ hổng, sai phạm trong công tác cán bộ và quản lý tài chính…

Đó là những điều cần sớm được xử lý, chấn chỉnh tại một đơn vị doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xuất bản.

Bài 1: Ký hàng loạt các quyết định bổ nhiệm không đúng thẩm quyền

Bộ GD & ĐT cho biết, trong 2 năm vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, về cơ chế giá sách giáo khoa, về thay đổi cán bộ chủ chốt, song NXBGDVN đã có nhiều cố gắng tổ chức biên soạn, biên tập, in và phát hành nhiều loại sách và các sản phẩm bản đồ, tranh ảnh giáo khoa, thiết bị phục vụ giáo dục,... đáp ứng kịp thời yêu cầu dạy và học.

Vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, lợi nhuận năm 2015, 2016 đều cao hơn năm trước. Hằng năm, NXBGDVN được đánh giá doanh nghiệp xếp loại A. Tuy vậy, đáng tiếc là tại doanh nghiệp này lại xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm có tính lịch sử, kéo dài.

Về công tác tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ làm rõ, việc quản lý, điều hành của NXBGDVN đối với các Công ty thành viên, Công ty liên kết có nhiều nội dung chưa đúng quy định của Luật doanh nghiệp và không đúng chức năng, nhiệm vụ quy định tại Mục 3 Chương III Nghị định số 69/2014/NĐ- CP, Chương IV Quyết định số 4169/QĐ-BGDĐT, Chương VI Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT.

NXBGDVN chưa xây dựng được đầy đủ hệ thống văn bản, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ về công tác tổ chức cán bộ để thực hiện mối quan hệ giữa NXBGD miền và các công ty thành viên; kết nạp 1 đơn vị là công ty thành viên nhưng không xin phê duyệt chủ trương của Bộ GD&ĐT; chưa có thỏa thuận liên kết và thỏa thuận về sử dụng thương hiệu với các công ty liên kết theo quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT.


Hoạt động của Chủ tịch HĐTV, HĐTV có nhiều nội dung chưa tuân thủ đúng quy định. Cụ thể, chưa tách bạch chỉ đạo, điều hành giữa HĐTV và Tổng giám đốc. Ông Mạc Văn Thiện kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Uỷ viên HĐQT tại 3 công ty thành viên không đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp; ký nhiều văn bản không đúng thẩm quyền, thủ tục như: ký 13 quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo tại Công ty mẹ NXBGDVN không đúng thẩm quyền, ký 9 quyết định bổ nhiệm thuộc thẩm quyền nhưng không trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc; ký quyết định bổ nhiệm tại các công ty thành viên không đúng đối tượng và thẩm quyền quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT; ký quyết định công nhận hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán trưởng của các công ty thành viên không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT; ký thông báo về việc nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu đối với ông Phạm Văn Hồng, ký văn bản về việc phát hành sách giáo khoa song ngữ Việt - Anh và chỉ đạo việc bán 03 lô đất tại Đà Nẵng không đúng thẩm quyền).

Tổng giám đốc chưa xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của NXBGD miền trình HĐTV phê duyệt; ký các quyết định bổ nhiệm nhân sự tại các công ty thành viên không đúng đối tượng và thẩm quyền quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT; chưa kịp thời thực hiện nghĩa vụ thông báo về việc mình và những người có liên quan làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp và kê khai tài sản năm 2016 theo quy định.

Kiểm soát viên hoạt động thiếu hiệu quả, chưa kịp thời phát hiện các thiếu sót, sai phạm của HĐTV, Tổng giám đốc, các đơn vị của NXBGDVN; ký văn bản dưới hình thức “Ban” không đúng quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT

Có 29 người kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, ủy viên HĐQT tại các công ty thành viên nhưng không thực hiện cử đại diện phần vốn góp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp; có 4 thành viên HĐTV kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý tại các Công ty thành viên không đúng quy định tại Nghị định số 97/2015/NĐ-CP.

Quá trình thanh tra còn cho thấy, NXBGDVN đã tuyển dụng 10 người (tại Cơ quan Văn phòng, Viện Nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục, NXBGD tại Hà Nội, NXBGD tại TPHCM, NXBGD tại Cần Thơ) chưa đúng theo quy định tại Quyết định số 512/QĐ-NXBGDVN; ký 47 hợp đồng khoán gọn không đúng quy định của Bộ luật Lao động; 16 trường hợp do NXBGD tại Đà Nẵng, NXBGD tại Cần Thơ, NXBGD tại TPHCM ký hợp đồng khoán gọn không qua tuyển dụng không đúng quy định tại Quyết định số 512/QĐ-NXBGDVN; Tổng GĐ Vũ Văn Hùng ký 22 hợp đồng lao động chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ luật Lao động; 1 trường hợp do Tạp chí Toán tuổi thơ ký Hợp đồng liên tiếp 4 lần dưới 1 năm không đúng quy định tại Quyết định số 512/QĐ-NXBGDVN và Bộ luật Lao động.

Trong khi NXBGDVN chưa có văn bản quy định việc kéo dài thời gian công tác để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống thì đã thực hiện kéo dài thời gian công tác cho 12 người trong năm 2015, 2016 chưa theo quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

Nhiều công ty không có cổ tức trong 2 năm

Về công tác quản lý tài chính, kết quả Thanh tra làm rõ, mặc dù thương hiệu của NXBGDVN là tài sản vô hình có giá trị lớn nhưng NXBGDVN chưa có Quy chế quản lý thương hiệu chung; chưa có thỏa thuận liên kết, quy chế hoạt động chung trong các công ty thành viên theo đúng quy định tại Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT, Nghị định số 69/2014/NĐ-CP.

 Các văn bản về công tác quản lý tài chính chưa được ban hành đầy đủ; chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn; kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của công ty mẹ - công ty con theo đúng quy định tại Quyết định số 4169/QD-BGDĐT, Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh 2015, 2016 chậm.

Chưa xây dựng đầy đủ tiêu chí phân bổ các khoản chi phí chung cho từng mảng hoạt động; chưa kịp thời đánh giá hàng tồn kho để đảm bảo việc sử dụng vốn hiệu quả; chưa xây dựng phương án huy động nguồn tài chính để giảm bớt rủi ro cho thanh toán các khoản nợ phải trả của đơn vị.

Quá trình đầu tư còn dàn trải, còn đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh ở một số lĩnh vực. Đầu tư vốn vào nhiều công ty không hiệu quả, nhiều công ty liên tiếp không có cổ tức trong 2 năm.

Trong tổng số 54 công ty có vốn đầu tư của NXBGDVN, có 36/54 công ty có chi trả cổ tức cho NXBGDVN, có 18/54 công ty hoạt động không hiệu quả, không có cổ tức để chi trả (tổng số vốn đầu tư của NXBGDVN tại 18/54 công ty không có cổ tức là 192,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35% tổng số vốn đầu tư của NXBGDVN tại các công ty).

Tại thời điểm 31-12-2016, NXBGDVN có vốn đầu tư tại 52 công ty với tổng giá trị đầu tư 546,5 tỷ đồng. Trong tổng số 52 công ty NXBGDVN có vốn đầu tư, có 35/52 công ty chi trả cổ tức cho NXBGDVN, có 17/52 công ty không chi trả cổ tức (Tổng số vốn đầu tư của NXBGDVN tại 17 công ty không trả cổ tức là 178,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32,6% trên tổng số vốn đầu tư của NXBGDVN tại các công ty).

NXBGDVN thoái vốn chậm tại 31 công ty, có một số đơn vị được đầu tư hoạt động thua lỗ liên tiếp. Bị xử phạt vi phạm hành chính về việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

Miễn phí quản lý xuất bản, cho phép Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Công nghệ Việt Nam không phải trả bản quyền tác giả sách giáo khoa khi phát hành 41 đầu sách song ngữ Việt - Anh chưa có căn cứ, thiếu minh bạch.

Những lỗ hổng nghiêm trọng trong quản lý tài sản

Về quản lý sử dụng (QLSD) tài sản, NXBGDVN chưa kịp thời xây dựng, ban hành Quy chế về QLSD tài sản theo quy định; chưa cụ thể hóa đầy đủ trong hệ thống văn bản nội bộ việc giao nhiệm vụ, việc phân cấp trong QLSD tài sản cho các NXBGD miền và các đơn vị trực thuộc; lập hồ sơ QLSD tài sản, xác định nguyên giá của tài sản cố định chưa đầy đủ theo đúng quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC; chưa thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch trong QLSD tài sản; chưa xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống lãng phí trong QLSD vốn, các quỹ và tài sản trong doanh nghiệp theo quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 Chưa xác định đầy đủ giá trị của các tài sản cố định vô hình quyền sử dụng đất, bản quyền tác giả theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC. Mua thêm xe ô tô vượt số lượng, vượt tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; hồ sơ thực hiện việc mua sắm, bàn giao xe đưa vào sử dụng có nhiều sai sót về trình tự, thủ tục.

Về việc đầu tư, QLSD Dự án tại số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM, Thanh tra Bộ làm rõ: NXBGDVN không trình Bộ GD&ĐT phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP; chấp thuận để 2 công ty con góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, không tiến hành đánh giá lại tài sản vi phạm quy định tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC; phê duyệt tổng mức đầu tư dự án chưa đảm bảo tính khả thi về việc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2005; không thực hiện việc xác định nguyên giá tài sản vô hình quyền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC; giao đơn vị không có chức năng ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hợp đồng cho thuê tòa nhà; việc góp vốn, xác định tỷ lệ phân chia lợi nhuận, xác định giá thành cho thuê không rõ căn cứ, thủ tục lòng vòng, thiếu minh bạch; có nhiều vi phạm trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư.

 Việc đầu tư Dự án tại số 187B Giảng Võ, Hà Nội: NXBGDVN không xin ý kiến Bộ GD&ĐT khi thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp chi phối của NXBGDVN tại Công ty IP Việt Nam; khi đề xuất thực hiện việc thoái vốn chưa xem xét, làm rõ giá trị pháp lý của nội dung thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh về phần lợi nhuận được hưởng từ lợi thế thương mại của khu đất; quá trình triển khai Dự án kéo dài.

Việc thực hiện thuê và cho thuê tài sản có nhiều thiếu sót, sai phạm liên quan đến ký kết hợp đồng, không qua thẩm định giá tài sản; không công khai thông tin; chưa thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch trong QLSD tài sản; chưa xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống lãng phí trong QLSD vốn, các quỹ và tài sản trong doanh nghiệp theo quy định.

NXBGDVN được thành lập năm 1957, là doanh nghiệp nhà nước do Bộ GD&ĐT nắm giữ 100% vốn điều lệ; được thí điểm chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định số 102/2003/QĐ-TTg ngày 21-5-2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3961/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 28-7-2003 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; được chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu từ ngày 06-7-2010 theo Quyết định số 2749/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc chuyển Công ty mẹ - NXBGDVN. NXBGDVN hoạt động kinh doanh đa ngành, nghề, trong đó lĩnh vực sách và thiết bị giáo dục là chính.

52 công ty cổ phần có vốn góp của NXBGDVN, gồm: 11 công ty có tỷ lệ vốn góp trên 50% (gọi là các công ty con, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT); 26 công ty có tỷ lệ vốn góp từ 20 đến 50%, 15 công ty có tỷ lệ vốn góp dưới 20% (gọi là các công ty liên kết, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT). 9 công ty không có vốn góp của NXBGDVN (gọi là các công ty tự nguyện liên kết, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 1 Quyết định số 170/QĐ-BGDĐT).

Thu Phương
.
.
.