Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị “tố” vi phạm bản quyền

Chủ Nhật, 11/12/2016, 06:23

Tác giả Hồ Huy Sơn vừa gửi thư tới báo chí phản ánh việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) sử dụng 2 bài viết khi chưa có sự cho phép của tác giả.

Theo đó, 2 bài viết “Con đường rơm” và “Hãy can đảm lên” (từng đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong) của tác giả này được in trong 2 cuốn sách “Luyện tập Tiếng Việt 3 trình bày trên giấy ô li” và “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3”. Cả hai đều do NXBGDVN xuất bản.

Tác giả Hồ Huy Sơn cho biết, với tư cách là một tác giả, anh “cảm thấy buồn và bất bình khi bài viết của mình bị sử dụng khi chưa có sự cho phép”. Anh cho rằng: “Đây là một sự thiếu tôn trọng tới cá nhân tôi cũng như các tác giả nói chung”.

Bìa cuốn "35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3" (NXBGDVN)

Động thái gửi thư phản ánh tới báo chí của tác giả Hồ Huy Sơn xuất phát từ những trao đổi giữa cá nhân anh và phía đơn vị xuất bản này từ ngày 19-11 đến nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Trước đó, sau khi biết được thông tin về 2 bài viết của mình được in trong 2 cuốn sách, ngày 14-10, tác giả Hồ Huy Sơn chia sẻ lại sự việc này trên trang facebook cá nhân của mình. Một tháng sau, vào ngày 16-11, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Giám đốc NXB chủ động liên lạc với tác giả để trao đổi. Qua những trao đổi qua email giữa hai bên vào các ngày 19-11, 21-11; vào ngày 22-11, anh Hồ Huy Sơn đã gửi cho vị đại diện NXB này một văn bản làm việc chính thức qua email. Trong đó, có 3 đề nghị: Có văn bản giải trình và xin lỗi tác giả; Phương thức tính nhuận bút cho 2 bài viết; Hướng giải quyết sắp tới đối với 2 bài viết mà 2 cuốn sách của NXB này đã tự ý sử dụng. Tuy nhiên, tác giả Hồ Huy Sơn nói rằng, trong văn bản phúc đáp vào ngày 24-11, đại diện của đơn vị xuất bản này chỉ cung cấp phương thức tính nhuận bút, mà không đả động gì đến 2 đề nghị còn lại.

Đoạn trích bài viết của tác giả Hồ Huy Sơn được đưa vào một trong 2 ấn phẩm của NXBGDVN.

“Mỗi bài viết là sản phẩm của một quá trình sáng tạo khó nhọc, đều gắn liền với tên tuổi của một tác giả cụ thể, không phải “của chùa” để thích thì sử dụng mà không cần đến một sự xin phép. Trong câu chuyện liên quan đến hai bài viết của mình xuất hiện trong 2 cuốn sách “do NXBGD xuất bản, tôi vẫn cho rằng đây là một sự thiếu tôn trọng tới tác giả bài viết. Cá nhân tôi cật lực lên án về chuyện này”, tác giả chia sẻ.

Để câu chuyện được khách quan hơn, ngày 5-12, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Tùng. Theo đó, ông Tùng khẳng định “đã nắm được sự việc”, “hai bên vẫn đang trong quá trình giải quyết”. Đến ngày 10-12, PV liên lạc lại, ông Tùng cho biết qua email, phía NXBGDVN đã “ghi nhận có những nội dung trích sử dụng như tác giả phản hồi” và “Quan điểm giải quyết của NXBGDVN là thực hiện nghiêm túc việc chi trả bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách theo đúng quy định”.

Ông Tùng thừa nhận: “Đúng là các tác giả biên soạn 2 cuốn sách nêu trên chưa có sự đồng ý về việc cho phép sử dụng ngữ liệu của tác giả Hồ Huy Sơn. Tuy nhiên, khi đưa vào sách dưới 2 bài văn của Hồ Huy Sơn tên anh vẫn được ghi rất rõ ràng”. Câu trả lời này của ông Tùng không biết nên được hiểu như thế nào cho đúng?

Khi được hỏi về trách nhiệm của NXB trong câu chuyện này, vị đại diện NXBGDVN cho rằng: “Trách nhiệm xin phép sử dụng ngữ liệu cũng như chi trả tiền bản quyền thuộc về các tác giả biên soạn 2 cuốn sách. Theo báo cáo của 2 đơn vị thành viên trực thuộc NXBGDVN tổ chức bản thảo 2 cuốn sách nêu trên, các đơn vị đã phối hợp với các tác giả biên soạn sách viết thư xin lỗi tác giả Hồ Huy Sơn đồng thời sẽ thực hiện việc trả tiền bản quyền cho tác giả Hồ Huy Sơn theo quy định”.

Tuy nhiên, tác giả Hồ Huy Sơn cho biết, gần nửa tháng đã trôi qua kể từ lần cuối trao đổi với ông Tùng (vào ngày 24-11) đến nay, anh không hề nhận được bất cứ phản hồi cũng như lời xin lỗi nào từ phía NXBGDVN.

Trường hợp của tác giả Hồ Huy Sơn không phải cá biệt!

Ngoài 2 bài viết của tác giả Hồ Huy Sơn nói trên, lướt một vòng các ấn phẩm của NXBGDVN, có thể thấy nhiều tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ cũng được trích đăng một cách vô tội vạ mà không xin phép tác giả.

Cụ thể, trong cuốn “Luyện tập Tiếng Việt 3” có thể kể ra đây một số cây bút như Lý Lan, Nguyễn Trung Thu, Nguyễn Lãm Thắng,  Lê Hồng Thiện, Định Hải…

Còn ở trong cuốn “Bài tập thực hành tiếng Việt 2- Tập 1” có thể kể ra các cây bút như Ngô Thị Hạnh, Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Lãm Thắng…

Hay  trong cuốn “Ôn luyện và kiểm tra tiếng Việt Lớp 5”, bắt gặp nhiều trích đoạn của các tác giả như Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Nhật Ánh,…

Liên lạc với một trong những tác giả có tác phẩm được sử dụng trong các ấn phẩm của NXBGDVN, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho biết, anh không hề biết tác phẩm của mình được trích đăng cho tới khi có người hỏi.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật - Hiệp hội Chống Hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam:

"Theo quy định tại Điều 18 và Điều 19, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 thì NXBGDVN đã vi phạm quyền nhân thân và quyền tài sản - là quyền cơ bản của tác giả đối với tác phẩm.

Theo quy định tại Điều 18, bất cứ tác phẩm nào khi hình thành thì có hai quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân là các quyền đặt tên tác phẩm, tên của người sáng tạo ra tác phẩm…

Việc các Nhà xuất bản Giáo dục đã tự ý biên tập, xuất bản tác phẩm mà không được tác giả cho phép là xâm phạm vào Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2009. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 thì tác giả hoặc chủ sở hữu độc quyền mới là người có quyền cho phép tổ chức cá nhân khác được thực hiện các quyền khai thác về khía cạnh tài sản của tác phẩm. Việc một nhà xuất bản tự ý xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu  -  ngoài xâm phạm quyền tác giả còn có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Xuất Bản và cần phải xử lý nghiêm minh mới đủ tính răn đe, đồng thời làm minh bạch hoá các quyền Sở hữu trí tuệ mà trong thời gian qua có dấu hiệu nhờn thuốc". 

Đậu Dung
.
.
.