Báo động hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản làm phụ gia xi măng

Thứ Bảy, 28/07/2018, 06:27
Thời gian gần đây, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là loại đá sét, đất sét… làm nguyên liệu phụ gia sản xuất xi măng nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ảnh hưởng đến môi trường và để lại nhiều hệ lụy khác.


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 2 nhà máy xi măng Luks (Công ty Hữu hạn xi măng Luks) và nhà máy xi măng Đồng Lâm (Công ty CP xi măng Đồng Lâm).

Để có nguyên liệu sản xuất xi măng, đáp ứng nhu cầu xây dựng ở địa bàn Thừa Thiên-Huế và các tỉnh thành lân cận, ngoài nguyên liệu được khai thác từ mỏ được cấp phép, 2 Công ty này còn ký hợp đồng với 6 Công ty khác để nhập các loại khoáng sản (đá sét, đất sét, laterit) làm phụ gia xi măng.

Điều đáng nói, trong 6 Công ty nhập bán phụ gia cho 2 nhà máy xi măng nói trên, chỉ có Công ty TNHH Trường Thịnh (đóng tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) được tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp mỏ. Tuy nhiên, loại mỏ mà Công ty này được cơ quan chức năng cấp phép lại là mỏ đất làm vật liệu san lấp, chứ không phải mỏ để khai thác khoáng sản làm phụ gia xi măng.

Được biết, vào tháng 1-2014, Công ty Trường Thịnh được lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ký Quyết định số 134/QĐ-UBND cho phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp ở khu vực đồi Vũng Nhựa, thị trấn Phong Điền.

Chưa được cấp phép nhưng khoáng sản nằm dưới mỏ đất ở đồi Vũng Nhựa lại bị khai thác làm phụ gia xi măng.

Theo đó, diện tích được cấp phép khai thác 8ha với trữ lượng 350 ngàn m3, công suất 50 ngàn m3/năm, thời gian cấp phép trong vòng 5 năm. Trong quá trình khai thác mỏ, Công ty này phát hiện mỏ có khoáng sản làm phụ gia xi măng nên đã cho khai thác dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép khai thác loại khoáng sản này. Sau khi khai thác, khoáng sản được các xe tải chở đến nhập vào 2 nhà máy xi măng Đồng Lâm và Luks.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện có việc khai thác khoáng sản tại mỏ đất san lấp được tỉnh cấp cho Công ty Trường Thịnh và số khoáng sản này được cung ứng cho 2 nhà máy xi măng Đồng Lâm và Luks.

“Qua kiểm tra cho thấy Công ty Trường Thịnh trong lúc khai thác đất san lấp phát hiện có loại khoáng sản mới nhưng không báo cơ quan chức năng theo quy định ghi trong giấy phép; đồng thời lại cho khai thác, bán khoáng sản trái phép nên yêu cầu Công ty này phải báo cáo giải trình cụ thể nhưng đến nay Sở vẫn chưa nhận được hồi âm. Nếu đến thời hạn mà chưa nhận được báo cáo thì Sở sẽ ra quyết định xử phạt hành chính Công ty này với mức phạt từ 60 đến 100 triệu đồng đối với mỗi hành vi sai phạm”, ông Trường nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế, qua kiểm tra, Sở còn phát hiện, việc nhập bán các loại tài nguyên khoáng sản làm phụ gia xi măng của các Công ty đến 2 nhà máy xi măng kể trên đều có hợp đồng. Thế nhưng tại mục địa chỉ khai thác nguyên liệu, các Công ty này chỉ ghi chung chung là… “ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế” chứ không ghi rõ một địa chỉ cụ thể là khoáng sản được khai thác từ mỏ nào (!?).

Tương tự, vào đầu tháng 9-2017, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Trường An tại mỏ đá sét ở thôn Huỳnh Trúc, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Trữ lượng được phê duyệt khai thác trên 539 ngàn m3, tương đương 1.067.700 tấn, công suất khai thác 25 ngàn m3/năm và kéo dài trong 20 năm. Dù chưa hoàn tất thủ tục gia hạn thuê đất nhưng doanh nghiệp này vẫn cho nhiều máy móc, xe tải vào khu vực mỏ để khai thác, vận chuyển đá sét ra khỏi mỏ nhằm cung cấp cho nhà máy xi măng đóng trên địa bàn huyện Phong Điền.

Theo phản ánh của người dân, trừ ngày mưa còn những ngày nắng thường có các loại xe tải hạng nặng chạy vào khu vực mỏ để chở đá sét, sau đó theo tuyến đường Tỉnh lộ 17 để vận chuyển đến nơi cung ứng. “Tuyến đường Tỉnh lộ 17 này chỉ cho phép xe tải có tải trọng tối đa 13 tấn nhưng chúng tôi thấy nhiều xe có tải trọng trên 20 tấn chở đá sét từ mỏ ngang nhiên chạy qua mà các cơ quan chức năng không hề kiểm tra, xử lý gì. Đường đã xuống cấp nay lại càng hư hỏng, bụi bay mù mịt nên người dân rất bức xúc”, một hộ dân địa phương trình bày.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó phòng TN&MT huyện Phong Điền cho biết, Công ty TNHH Trường An tuy được tỉnh cấp mỏ nhưng đến nay Công ty này chưa hoàn thành thủ tục gia hạn thuê đất và nếu muốn khai thác đá sét thì phải hoàn thành các thủ tục này. Từ khi được cấp mỏ, Công ty đã khai thác khoảng 5.000 tấn đá sét cung cấp cho nhà máy xi măng. “Hiện huyện đã yêu cầu Công ty ngừng khai thác để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đúng theo quy định pháp luật thì mới cho phép tiếp tục khai thác”, ông Tùng nói.

Theo ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có mỏ đất sét hoặc mỏ khoáng sản nào được cơ quan cấp phép cho doanh nghiệp khai thác.

“Do nhu cầu nguyên liệu ở các nhà máy xi măng, nhà máy gạch tăng cao nên những nhà máy này đã nhập các loại đất, đá sét do các Công ty khác khai thác để đưa vào làm phụ gia sản xuất xi măng, trong đó có một số đơn vị doanh nghiệp không được cấp mỏ khai thác. Vì thế thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn”, ông Trường cho hay.

Anh Khoa
.
.
.