Khai thác tài nguyên, khoáng sản với khối lượng lớn phải trình Quốc hội

Thứ Ba, 19/01/2010, 14:35
Sáng 18/1, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Tại phiên khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về các nội dung lớn của dự án Luật Trọng tài thương mại và thảo luận Nghị quyết về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo đó, dự án Luật Đầu tư công được tái đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Việc cần thiết phải sớm ban hành đạo luật này theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, là quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, rõ ràng. Do vậy, cần sớm có văn bản điều hành thống nhất nhằm tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn Nhà nước.

Một văn bản pháp luật khác cũng sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, đó là Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Ủy ban Pháp luật thì việc sửa đổi Nghị quyết này là rất cần thiết do một số quy định của Nghị quyết không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, như chưa quy định cụ thể việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư của một số dự án sử dụng nhiều đất nông nghiệp, khai thác tài nguyên, khoáng sản với khối lượng lớn, quy mô rộng,… có tác động nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường, đến sự phát triển ổn định và bền vững của quốc gia.

Theo một số ý kiến tại phiên họp, tiêu chí về các dự án khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than đá, bô xít chưa được đề cập trong Nghị quyết 66, do vậy cần nghiên cứu bổ sung quy định về vấn đề này. Mặt khác, Nghị quyết hiện hành mới chỉ điều chỉnh việc đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia tại Việt Nam, chưa điều chỉnh việc đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia ra nước ngoài, do vậy cần được sửa đổi, bổ sung.

Về dự án Luật Trọng tài thương mại, UBTVQH thảo luận về 6 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Trong đó, về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các đại biểu thống nhất: Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên liên quan đến hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác.

Các đại biểu cũng đồng tình cần phải quy định cụ thể tiêu chuẩn trọng tài viên, nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với trọng tài viên và các tổ chức trọng tài

B.Tuấn
.
.
.